17/10/2017 - 09:09

Nhật Bản ngăn chảy máu chất xám công nghệ 

Nghiên cứu mới đây của Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia Nhật Bản cho biết, trong khoảng 4 thập kỷ qua, hơn 1.000 (con số thực tế có thể lớn hơn nhiều) chuyên gia kỹ thuật có bằng sáng chế đã rời khỏi đất nước đến làm việc tại các công ty ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan cũng như những quốc gia châu Á khác.

Trong nghiên cứu, họ đã theo dõi hoạt động của các chuyên gia kỹ thuật nước này trong giai đoạn 1976-2015. Họ xác nhận rằng 490 người đã xin nghỉ việc tại các công ty sản xuất bị điện tử của Nhật Bản để “đầu quân” vào các doanh nghiệp Hàn Quốc, trong khi 196 người đến Trung Quốc và 350 người khác làm việc tại Đài Loan, Thái Lan…

Huawei (Trung Quốc) và Samsung (Hàn Quốc) là hai công ty mà các chuyên gia Nhật Bản “chuộng” đầu quân. Ảnh: Nikkei Asian Review

Sở dĩ nhiều chuyên gia kỹ thuật Nhật Bản rời khỏi đất nước để ra nước ngoài làm việc là vì chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Chẳng hạn như trường hợp của một kỹ sư Nhật Bản giấu tên trước đây từng làm việc cho Tập đoàn điện tử Samsung. Khi đang quản lý một nhóm phát triển tại một nhà sản xuất phụ tùng điện tử Nhật Bản hồi năm 2005, anh này đã được Samsung thu nhận làm việc tại một nhà máy mới của tập đoàn này với mức lương cao hơn 30% so với mức lương tại công ty cũ cùng một căn hộ 3 phòng ngủ. Một kỹ sư khác làm việc tại Tập đoàn điện tử Toshiba thậm chí còn được một công ty Trung Quốc tiếp cận và cam kết sẽ nhận mức lương hàng năm lên tới 30 triệu yen (khoảng 265.000 USD) cùng với 50 triệu yen tiền thưởng một khi nhà máy đi vào hoạt động.

Trước thực trạng trên, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành luật về giao dịch với nước ngoài có hiệu lực kể từ tháng 10 năm nay nhằm ngăn cản tình trạng các công nghệ tinh vi liên quan đến an ninh quốc gia bị “chảy” ra nước ngoài. Đồng thời, Tokyo đã đưa ra nhiều điều khoản nhằm trừng phạt những kỹ sư sang làm việc cho các công ty nước ngoài và làm rò rỉ các công nghệ quan trọng.

TRÍ VĂN

Thương hiệu “Made in Japan” mất giá

“Made in Japan” (Sản xuất tại Nhật Bản) lâu nay trở thành một thương hiệu của chất lượng và sự tin cậy. Tuy nhiên, thương hiệu này đã bị xói mòn trong những năm gần đây. Và vụ bê bối làm giả dữ liệu chất lượng sản phẩm của Tập đoàn sản xuất thép Kobe Steel của Nhật Bản mới đây càng khiến cho uy tín của “Made in Japan” sụt giảm.

Đây không phải là lần đầu tiên thương hiệu “Made in Japan” bị “lung lay”. Theo Reuters, hãng sản xuất ôtô Nissan Motor của Nhật trong 3 năm qua đã phải thu hồi tất cả các xe bán tại quê nhà do làm giả chứng nhận an toàn. Trong khi đó, Suzuki Motor và Mitsubishi Motors thì vướng phải bê bối gian lận về mức độ tiết kiệm nhiên liệu của sản phẩm.

Chia sẻ bài viết