19/04/2009 - 09:15

Nhân tài Trung Quốc qui cố hương

Các chuyên gia Hoa kiều nghiên cứu khoa học
ở Trung Quốc.
Ảnh: AFP

Hè năm ngoái khi Ding Hong từ bỏ chiếc ghế giáo sư vật lý ở Đại học Boston (Mỹ) về Trung Quốc làm việc, các đồng nghiệp của ông bàn tán xôn xao. Sau 18 năm sống nơi xứ người, bản thân ông lúc đầu cũng ngạc nhiên với quyết định của chính mình. “Hầu hết mọi người đều bất ngờ. Tất cả cho rằng ở lại Mỹ sẽ tốt cho nghề nghiệp của tôi. Nhưng tôi muốn đóng góp cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học cơ bản đang phát triển ở Trung Quốc”, Ding bộc bạch với phóng viên Nhật báo Trung Quốc.

Giáo sư Ding Hong (40 tuổi) nằm trong nhóm 96 bộ não và 26 doanh nhân đẳng cấp thế giới đầu tiên vừa được Trung Quốc thu hút về nước trong Chương trình 1.000-Nhân tài của mình. Chương trình được triển khai tháng 12 vừa qua nhắm đến đối tượng có học vị giáo sư hoặc tương đương ở các nước phát triển. Không dừng lại ở con số 1.000 nhân tài, chương trình “1.000-Nhân tài” tham vọng sẽ chiêu mộ 2.000 tài năng trong thời gian 5-10 năm tới, góp phần đưa Trung Quốc chuyển đổi từ vị thế trung tâm sản xuất hàng hóa trở thành thủ lãnh thế giới trong lĩnh vực sáng tạo.

Hiện tại, Ding đang chủ xị hai dự án nghiên cứu lớn ở Viện Vật lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) ở Bắc Kinh. “Các dự án tôi đang phụ trách sẽ đạt chuẩn thế giới và sẽ hoàn thành trước Mỹ ít nhất 2 năm. Hiện Trung Quốc đủ sức cạnh tranh với những tài năng đầu ngành của thế giới”, giáo sư Ding cho biết. Theo ông, việc Trung Quốc lôi kéo được nhiều nhà khoa học tên tuổi từ bỏ công danh ở nước ngoài qui cố hương chứng tỏ chương trình chiêu mộ nhân tài của nước này rất hấp dẫn.

Ngoài khoản tiền trợ cấp 1 triệu Nhân dân tệ (2,6 tỉ đồng), chương trình “trải thảm đỏ rước nhân tài” của Trung Quốc còn áp dụng nhiều chính sách ưu đãi thiết thực chưa từng có, như chuyên gia nước ngoài được đối xử bình đẳng như công dân trong nước, con cái của họ được học ở trường quốc tế, môi trường làm việc hiện đại không thua ở nước ngoài, thời gian làm việc linh hoạt 6 tháng ở - 6 tháng đi, các dự án nghiên cứu luôn được cấp kinh phí đầy đủ... Trong khi đó, các doanh nghiệp mang về nước công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ của riêng mình sẽ được đặc cách mở công ty trong các công viên khoa học ở Trung Quốc, đồng thời được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của chính phủ. Được biết, trong số 122 nhân tài đầu tiên đầu quân cho Trung Quốc có 80 người mang quốc tịch ngoại quốc và 4 người không phải là Hoa kiều.

Miao Hong, tuyển trạch viên của CAS, cho rằng chương trình “1.000-Nhân tài” đã và đang tác động mạnh mẽ đến đội ngũ chuyên gia Hoa kiều làm việc ở hải ngoại. “Họ từng khước từ chúng tôi, nhưng nay điều đó đang thay đổi”. Theo Miao, nền kinh tế đang phát triển nhanh và việc chính phủ Trung Quốc công nhận tầm quan trọng ngày càng lớn của khoa học và sáng tạo chính là hai hấp lực đối với nhân tài nước ngoài. Miao nói thêm, đối tượng mà Trung Quốc nhắm tới là những người nằm trong tốp 5 hoặc tốp 10 trên thế giới trong lĩnh vực chuyên môn của họ. “Nhiều người đã vươn tới đỉnh cao sự nghiệp nên điều quan trọng đối với họ là làm thế nào hoàn thành tốt nhất nguyện vọng trong sự nghiệp và cuộc sống. Đối với nhiều Hoa kiều, lí do chính họ quay trở về là muốn góp sức mình cho quê cha đất tổ”, Miao lý giải.

Bốn năm trước, Zhou Xingjiang quyết định về nước đầu quân cho Viện Vật lý của CAS. Trước đó, ông là giảng viên Đại học Standford, có nhà cao cửa rộng và 3 ô tô ở California. “Cuộc sống ở Mỹ tốt đẹp nhưng chưa đủ”. Nhà vật lý 43 tuổi này luôn khao khát được thỏa sức sáng tạo và sở hữu một phòng thí nghiệm của riêng mình. Quyết định cắt giảm ngân sách nghiên cứu khoa học thời chính quyền Tổng thống Bush đã dập tắt giấc mơ của Xingjiang. Một thời gian sau khi trở về Trung Quốc, ông sáng chế thiết bị quang phổ phóng ảnh chuyển góc hàng đầu thế giới - dùng trong nghiên cứu mức độ năng lượng của các điện tử hạt nhân nguyên tử, một thành tựu mà Xinjiang cho rằng anh khó có thể đạt được nếu còn ở Mỹ.

SONG NGỌC (Theo China Daily, AFP)

Trung Quốc hiện đứng đầu thế giới về lực lượng nghiên cứu khoa học với 38 triệu người. Tuy nhiên, chỉ có 10.000 người được xếp vào hàng ngũ chuyên gia cao cấp. 15 năm qua, Trung Quốc thu hút hơn 4.000 nhà nghiên cứu, hầu hết ở cấp bậc nghiên cứu sinh tiến sĩ hoặc phó giáo sư, về nước làm việc thông qua chương trình 100-Nhân tài của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Chương trình Học bổng Dương Tử Giang của Bộ Giáo dục nước này.


Các chuyên gia Hoa kiều nghiên cứu khoa học ở Trung Quốc. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết