09/10/2017 - 21:18

Nhận biết và phòng đột quỵ 

Đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ hai sau bệnh ung thư và tim mạch, là một trong những nguyên nhân hàng đầu về tàn tật ở người trưởng thành.  

Nguy cơ tử vong cao

Nguy cơ xảy ra đột quỵ gia tăng theo tuổi, tăng gấp đôi cứ mỗi 10 năm sau 55 tuổi, xấp xỉ 28% đột quỵ xảy ra dưới 65 tuổi. Đột quỵ não xảy ra khi mất đột ngột lưu lượng máu tới não (tắc mạch) hoặc vỡ mạch (chảy máu não) dẫn đến giảm, mất chức năng hoặc chết các tế bào não. Đây là nguyên nhân gây liệt, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn cảm giác, trí nhớ, hôn mê và khả năng gây tử vong.

Nhờ được can thiệp sớm, nên bệnh nhân Quách Văn Cự (phải) ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng bị đột quỵ đã phục hồi hoàn toàn.

GS.TS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ nhiệm Bộ môn Thần kinh- Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết, có hai dạng đột quỵ:

- Đột quỵ thiếu máu cục bộ não: là dạng phổ biến của đột quỵ, xảy ra khi mạch máu cung cấp cho não bị tắc bởi cục máu đông, huyết khối, hẹp vữa xơ động mạch…

- Đột quỵ chảy máu não: xảy ra khi mạch máu cung cấp máu cho não bị vỡ, máu chảy vào trong não hoặc xung quanh nhu mô não, thường do tăng huyết áp.         

Khi bị đột quỵ, một số nguy cơ khác như bệnh tim, thận... sẽ làm tăng mức độ trầm trọng của đột quỵ.

Các dấu hiệu báo động đột quỵ (một hoặc các dấu hiệu): đột ngột tê dại (yếu hoặc liệt ở mặt, tay hoặc chân, thường ở một bên của cơ thể); nói hoặc lĩnh hội khó khăn; đột nhiên mờ, giảm hoặc mất thị lực 1 hoặc cả 2 mắt; chóng mặt, mất thăng bằng hoặc mất phối hợp động tác; đột nhiên đau đầu nặng nề nhưng không giải thích được nguyên nhân.  

Các dấu hiệu gợi ý

Các dấu hiệu gợi ý đột quỵ thiếu máu não: thường xảy ra ở người trung niên và cao tuổi, có tiền sử huyết áp hoặc không; thường xảy ra ban đêm gần sáng, khi nghỉ; các dấu hiệu thần kinh khu trú có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ tăng dần; có thể có rối loạn ý thức hoặc không; ít có trạng thái kích thích, vật vã (nếu nặng có thể có); ít nôn và hiếm rối loạn cơ tròn (đại, tiểu tiện ra quần); không có hội chứng màng não.

Các dấu hiệu gợi ý đột quỵ chảy máu não: thường xảy ra đột ngột, khi gắng sức, trên bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp. Các triệu chứng thường rầm rộ, bệnh nhân vật vã, kích thích, nôn, rối loạn cơ tròn, đau đầu; trong cơn huyết áp tăng đột ngột, có thể có hội chứng màng não.

Đột quỵ cấp là một cấp cứu nội khoa phụ thuộc vào thời gian. Vì vậy khi phát hiện các dấu hiệu báo động đột quỵ, cần chuyển ngay tới cơ sở y tế gần nhất có khả năng chẩn đoán và cấp cứu đột quỵ.

Trong khi chờ đợi xe cấp cứu, nếu người bệnh tỉnh, đặt nằm nghiêng về bên lành, đầu hơi nâng nhẹ;  không cho ăn hoặc uống bất kỳ loại gì; lấy bỏ các vật hoặc lau đờm dãi trong miệng có thể gây nên khó thở. Nếu liệt khi vận chuyển cần trợ giúp và đặt nghiêng về bên không liệt.

Nếu người bệnh hôn mê, tiến hành theo các bước trên. Nếu không thấy mạch đập hoặc ngưng thở tiến hành ép tim ngoài lồng ngực theo tỷ  lệ 100 - 110 ép tim/1 phút cho đến khi tim đập trở lại.

Kiểm soát các yếu tố nguy cơ liên quan đến sức khỏe, tim và mạch máu có thể giúp ngăn chặn đột quỵ. 6 chỉ tiêu cần theo dõi: huyết áp, hút thuốc (không hút thuốc, nguy cơ đột quỵ giảm rõ rệt sau 5 năm dừng thuốc), rung nhĩ, đái tháo đường, cholesterol, hẹp động mạch cảnh. 

3 phút có 1 người tử vong vì đột quỵ

Trên thế giới hàng năm có khoảng 15 triệu người bị đột quỵ, cứ 40 giây có 1 người bị đột quỵ và cứ 3 phút có 1 người tử vong vì đột quỵ. Còn tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người đột  quỵ. Trong các bệnh viện lớn ở nước ta như Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi năm có khoảng 120.000 lượt bệnh nhân đột quỵ điều trị; Bệnh viện Nhân dân 115 là khoảng 60.000 người đột quỵ điều trị…   

 Bài, ảnh: H.HOA (ghi) 

Chia sẻ bài viết