20/04/2014 - 14:48

Nhà tù Côn Đảo

Côn Đảo là quần đảo gồm 16 đảo lớn nhỏ nằm ngoài khơi biển Đông, có phong cảnh rất kỳ thú. Trước đây, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã biến nơi này thành "địa ngục trần gian".

Côn Đảo qua từng thời kỳ

Côn Đảo thời Nguyễn gọi là Côn Lôn, dân gian phát âm trại là Côn Nôn, thuộc tỉnh Gia Định. Sử cũ cho biết, năm 1839 khi Bố Chánh Gia Định là Hoàng Quýnh đi xét việc thành Trấn Tây trở về, vua Minh Mạng hỏi sơn xuyên hình thể Gia Định, ông tâu: "Cù lao Côn Lôn cách Gia Định xa mà đến Vĩnh Long gần, nên cho thuộc về Vĩnh Long cho tiện".

Nhà tù Côn Đảo. Ảnh: kienthuc.net.vn

Khi thực dân Pháp đánh lấy Định Tường tháng 4- 1861, theo lệnh của Đô đốc Bonard, Hải quân trung úy Lespès trực tiếp chỉ huy chiến hạm Norgazaray tiến chiếm, rồi tự lập biên bản, ngang nhiên xác lập chủ quyền Pháp trên quần đảo Côn Lôn, vào ngày 28- 11- 1861. Ngày 01- 2- 1862 (có tài liệu ghi 1- 3- 1862), Đô đốc Bonard ban hành nghị định thiết lập nhà tù Côn Đảo để giam những tội nhân mang án tù từ 1 đến 10 năm. Từ đó cho đến năm 1975, Côn Đảo trở thành "địa ngục trần gian" ở xứ Đông Dương (113 năm).

Thời Pháp thuộc, nhân số nhà tù tăng lên cao nhất vào thời điểm sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (23- 11- 1940). Các nhà giam đều nhốt chật tù. Trong 2 năm 1941-1942, mỗi ngày có từ 10 đến 20 người tù chết! Báo cáo ngày 15- 1- 1943 của nhà tù cho biết nhân số hiện hữu là 4.403 người. Tháng 5- 1945 số tù nhân còn lại là 3.308, hơn 1.000 người đã chết vì bị đày ải trong 2 năm ấy. Tháng 9- 1945, hơn 2.000 tù chính trị đã nổi dậy giành quyền làm chủ Côn Đảo và trở về đất liền tham gia kháng chiến. Gần 1.000 tù thường phạm còn lại được sinh sống tự do, bình đẳng với số công chức, gác ngục. Ngày 18- 4- 1946, thực dân Pháp tái chiếm Côn Đảo, lập lại nhà tù. Từ đó đến sau Hiệp định Giơnevơ 1954, thực dân Pháp giam giữ hàng ngàn lượt tù nhân là chiến sĩ cách mạng Việt Nam.

Tháng 3- 1955 thực dân Pháp bàn giao quần đảo Côn Lôn cho chính quyền Sài Gòn. Lúc này đảo được đổi tên, gọi là hải đảo Côn Sơn. Tiếp theo sắc lệnh "minh định địa giới toàn quốc", số 143/NV, tháng 10- 1957 chính quyền Sài Gòn thành lập tỉnh Côn Sơn tại nơi này. Tỉnh nhưng không có quận, tổng, phường, xã; cũng không có các cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội... mà chỉ có tù nhân, cai ngục, nhà tù và bộ máy trị tù. Nói đúng hơn, đây là một "tỉnh tù".

Năm 1957, ngụy quyền đày ra đảo tổng số 3.080 người, trong đó có 100 phụ nữ mang theo 2 cháu bé chưa đầy năm, tất cả đều là tù chính trị bị câu lưu, không có án tiết. Từ khi Mỹ ngụy leo thang, đẩy mạnh chiến tranh, số lượng tù nhân Côn Đảo cũng tăng dần đến mức 8.000 vào những năm 1970-1972. Bản báo cáo ngày 15-4-1970 của Trung tâm cải huấn Côn Sơn cho biết, nhân số lúc đó là 9.448 người. Giữa năm 1972 ngụy quyền đày ra Côn Đảo 1.226 thường dân ở Thừa Thiên thuộc diện nghi can, cùng 53 cháu bé từ 1 đến 8 tháng tuổi. Thời điểm ấy Côn Đảo có 8.441 tù nhân, trong đó có 2.924 người bị án trí (không án), 4.237 can phạm thành án, 828 nghi can cộng sản, số còn lại chưa phân loại.

Ngày 7-11-1974 "cơ sở hành chính" Côn Sơn được đổi thành thị trấn Phú Hải, trực thuộc tỉnh Gia Định. Trong 2 năm 1973-1974 có 4.075 tù chính trị Côn Đảo đã được trả theo Hiệp định Paris. Số lượng tù nhân ở nhà lao này tiếp tục biến động ở mức 8.000 người.

Sau Cách mạng tháng Tám, chính quyền cách mạng xem Côn Lôn là một bộ phận của tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, để thuận tiện và nhanh chóng, trên một số mặt, Côn Đảo được liên hệ trực tiếp với cục R thông qua Tỉnh ủy Tây Ninh- địa bàn Trung ương Cục đang đóng.

Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, chính quyền Cách mạng xóa bỏ thị trấn Phú Hải do chính quyền Sài Gòn đặt. Côn Đảo là một đơn vị hành chính cấp tỉnh. Sau đó, Côn Đảo trở thành một huyện của TP. Hồ Chí Minh; rồi lại trở thành một huyện của tỉnh Hậu Giang. Đến tháng 5- 1979, Côn Đảo sáp nhập với Vũng Tàu, thành đặc khu Vũng Tàu- Côn Đảo, trực thuộc Trung ương; trong đó, Côn Đảo là một quận của đặc khu. Từ tháng 10-1991 đến nay Côn Đảo là một huyện của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

Giải phóng Côn Đảo

Ngày 29- 4- 1975, khi hay tin Sài Gòn giải phóng thì ở Côn Đảo, các chúa đảo, cố vấn Mỹ và cai ngục đã nhanh chân tẩu thoát bằng ca-nô và trực thăng để đến những chiến hạm Mỹ đang chờ ngoài khơi.

Trong khi đó, bên trong các trại tù, tù nhân không hề hay biết bên ngoài có biến động. Tuy nhiên, qua những khe hở vốn rất hiếm hoi ở nhà tù, họ rất ngạc nhiên, vì hằng ngày, lúc nào cũng có bọn cai tù, giám thị đi qua đi lại để kiểm tra, theo dõi hành động của tù nhân thế mà chẳng hiểu vì sao bỗng dưng tất cả biến mất. Sự im lặng đáng sợ ấy bao trùm các trại tù. Các tù nhân nghĩ rằng bọn cai tù đang chuẩn bị triển khai một cuộc đàn áp mới. Không ai bảo ai, tất cả đều trong tư thế chuẩn bị tinh thần để đối phó…

Sáng ngày 30- 4- 1975, không khí vẫn rất ngột ngạt, hoang mang. Tuy nhiên, tất cả tù nhân đều lên kế hoạch đấu tranh để tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1-5, ngay trong sáng ngày hôm sau. Cho đến gần giữa đêm 30- 4- 1975, khoảng 22 giờ, ở phòng 20, khu H (trại 7, Phú Bình) nơi giam giữ những người tù lãnh đạo, bỗng nhiên có tiếng đập cửa rất dồn dập. Những giám thị sót lại cùng với linh mục Phạm Gia Thuỵ và Đại úy Kiều Văn Dậu, đến báo cho tù nhân biết tình hình bên ngoài Côn Đảo, đồng thời cho hay, tên chúa đảo, bọn cai tù… đều đã tẩu thoát. Hiện những tên tù thường phạm đã lợi dụng thời cơ, thừa lúc tình hình hỗn độn, nổi lên cướp phá, gây náo loạn trên đảo. Họ đến để mời anh em ra bàn bạc cách ổn định tình hình. Những người tù không tin, vì chưa có bằng chứng cụ thể về việc Sài Gòn cũng như Côn Đảo đã được giải phóng, càng không tin bọn ác ôn đã tẩu thoát. Kiều Văn Dậu và giám thị Nguyễn Văn Trương trao radio cho tù nhân để họ nghe Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi đã nghe tin chính xác từ radio về việc Sài Gòn đã được giải phóng, những người tù sửng sốt rồi vui mừng khôn tả bởi với họ, đó là sự kiện thắng lợi hết sức bất ngờ. Nhiều năm ròng đấu tranh giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc, nay đã trở thành hiện thực. Không ai bảo ai, những người tù liên tục reo mừng vang dội. Từ trại 7, anh em lần lượt tỏa ra giải phóng tất cả các trại. Mọi cửa tù được mở. Thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 tạo ra thời cơ lớn cho những người tù chính trị Côn Đảo tự giải phóng.

Tuy tất cả tù nhân đã nhanh chóng ổn định trật tự, làm chủ tình hình Côn Đảo ngay trong đêm 30- 4- 1975, nhưng để đề phòng tình thế có thể đảo ngược, ngoài việc tự võ trang cho mình bằng gậy gộc và những khẩu súng địch bỏ lại, sáng hôm sau, 1-5, họ xúc tiến đào công sự phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu. Trạm vô tuyến Côn Đảo liên tục phát sóng báo tin, "Côn Đảo đã được hoàn toàn giải phóng, tù chính trị đang đợi lịnh của Trung ương…". Tối 2- 5- 1975, trạm bắt được tín hiệu từ đất liền. Ở đất liền, mọi người rất ngạc nhiên, không ngờ những người tù chính trị tại Côn Đảo đã nhanh chóng đứng lên làm chủ tình hình. Khi được hỏi về những nhu cầu trước mắt, các cựu tù Côn Đảo trả lời: "Chúng tôi cần ảnh Bác Hồ!".

Thế là rạng sáng 4- 5- 1975, 500 bức ảnh Bác Hồ được chuyển ra. Buổi lễ rước ảnh Bác Hồ được tổ chức trang nghiêm, long trọng tại bến cầu lịch sử 914. Những cựu tù đều rơi nước mắt khi được "gặp" lại Bác. Và, hơn ai hết, họ là những người cảm nhận rất rõ ý nghĩa câu nói "Không có gì quý hơn độc lập, tự do!". Những ngày tiếp theo, nhiều chuyến tàu lần lượt cập bến rước trên 4.000 cựu tù về đất liền để chữa trị, an dưỡng.

Tại thời điểm giải phóng Côn Đảo, nhà tù Côn Đảo có 7.448 tù nhân, trong đó, có 4.234 tù chính trị (494 phụ nữ). Đặc biệt, khi tiến hành đưa cựu tù về đoàn tụ với gia đình, theo phân công của Ủy ban Quân quản tỉnh Côn Sơn (thành lập ngày 7- 5- 1975), có 153 người tình nguyện ở lại. Đến nay, họ đều đã nghỉ hưu.

***

Côn Đảo ngày nay vẫn còn đó hệ thống nhà tù với những hầm đá, xà lim, chuồng cọp, chuồng bò... là chứng tích, lời tố cáo về tội ác của các thế lực xâm lược Việt Nam suốt hơn một thế kỷ! Và đến thăm Côn Đảo không ai có thể nén được xúc động khi đứng trước hai vạn nấm mồ của những người Việt Nam yêu nước!

NGUYỄN HỮU HIỆP

Chia sẻ bài viết