18/05/2019 - 15:32

Nhà Trắng chia rẽ trong chính sách Iran 

Theo CNN, phản ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước loạt động thái gần đây của đội ngũ cố vấn cấp cao về “mối đe dọa” gia tăng từ Iran cho thấy chia rẽ đang hiện diện trong nội bộ Nhà Trắng.

Tổng thống Trump (phải) không ủng hộ quan điểm của Cố vấn Bolton (trái). Ảnh: AP

Một trong những sự việc được nhắc đến là ảnh hưởng chính trị của Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton xung quanh kế hoạch của Lầu Năm Góc điều quân trở lại Trung Đông. Diễn biến này khiến căng thẳng Mỹ-Iran tiếp tục bị đẩy lên cao, sau tuyên bố trước đó của vị chiến lược gia bảo thủ, rằng Washington triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay cùng phi đội ném bom đến vùng Vịnh là thông điệp “rõ ràng và không thể nhầm lẫn” gởi đến Tehran. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo - một trong những nhân vật đại diện cho chiến lược “gây áp lực tối đa” của Washington, khẳng định Mỹ không tìm kiếm chiến tranh với Iran nhưng cũng nói rõ “sẽ đáp trả tương xứng” nếu lợi ích nước này bị tấn công. Cùng với giọng điệu hiếu chiến của giới chức cấp cao Nhà Trắng, Mỹ mới đây đã ra lệnh sơ tán một phần đại sứ quán ở Baghdad và lãnh sự quán ở Erbil (Iraq) dựa trên các mối đe dọa mới trong khu vực.

Trước loạt tuyên bố bị cho “cường điệu hóa” theo hướng thúc đẩy cuộc chiến với Iran của các quan chức cấp cao Mỹ, chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại Tom Wright thuộc Viện Brookings cho biết Tổng thống Trump ngược lại cho thấy ông không đồng ý đường lối cứng rắn có thể khiến Mỹ sa vào một cuộc xung đột mới của nhóm cố vấn. Nói với quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan tại cuộc họp hôm 15-5, ông Trump khẳng định không muốn “chiến dịch gây áp lực” bùng phát thành xung đột quân sự với Iran. Trước đó, ông chủ Nhà Trắng cũng lên tiếng phủ nhận thông tin có thể điều 120.000 quân đến Trung Đông. Mặc dù bác bỏ “đấu đá” nội bộ trong chính sách Trung Đông, một số nguồn tin tiết lộ Tổng thống Trump khá “khó chịu”, thậm chí thất vọng trước việc cố vấn Bolton đẩy căng thẳng Iran lên đỉnh điểm với nguy cơ về một cuộc xung đột vũ trang thực sự. Trước đó, ông Trump từng lên tiếng cảnh báo khi ông Bolton và các trợ lý công khai gợi ý về các giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng tại Venezuela.

Giới phân tích nhân định, kịch bản chiến tranh ở Trung Đông có thể buộc ông Trump phá vỡ cam kết tranh cử là chấm dứt hoạt động can dự quân sự ngoài biên giới. Một số nguồn tin tiết lộ bản thân nhà lãnh đạo Mỹ cũng tin rằng sự can thiệp quân sự quy mô lớn nhắm vào Iran sẽ là “sự tàn phá” về mặt chính trị, đặc biệt khi ông đang dốc toàn lực cho chiến dịch tái tranh cử vào năm 2020. Do đó, thay vì “động binh”, Tổng thống Trump đang phát tín hiệu về cách tiếp cận mang tính ngoại giao và đối thoại trực tiếp với Iran.

Tuy nhiên, Tehran hiện cho thấy họ không “mặn mà” trước khả năng đối thoại với chính quyền Trump. Phát biểu hôm 16-5 trong chuyến thăm Nhật Bản, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết nước này đang thể hiện “sự kiềm chế tối đa” nhưng đàm phán với Washington là “không có khả năng” sau động thái gần đây của Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực. Trong khi đó, Phó Tổng thống Iran Masoumeh Ebtekar để ngỏ khả năng đối thoại với điều kiện chính quyền Trump trở lại với thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Quan hệ Mỹ-Iran ngày càng xấu đi sau khi Tổng thống Trump rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời tái áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Cộng hòa Hồi giáo.

MAI QUYÊN (Theo CNN, AFP)

Chia sẻ bài viết