10/06/2011 - 10:17

Tôm chết hàng loạt ở ĐBSCL

Nhà máy lo thiếu nguyên liệu

Gần một tháng qua, diện tích nuôi tôm sú ở các tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL trong tình trạng tôm chết trên diện rộng. Không chỉ người dân nuôi tôm thiệt hại về kinh tế, mà các nhà máy chế biến tôm cũng đang lo thiếu hụt nguồn nguyên liệu cho chế biến để đáp ứng đơn đặt hàng các tháng cuối năm.

Doanh nghiệp trước nguy cơ ngưng hoạt động

Hiện nay, các địa phương có diện tích tôm chết đang thả tôm tái đầu tư, nhưng nguồn giống chất lượng lại khan hiếm. Nếu nông dân không tìm được con giống chất lượng và thả giống trôi nổi không qua kiểm soát dịch bệnh thì sẽ khó dự đoán về năng suất, sản lượng của mùa tôm 2011. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 5 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 2,1 tỉ USD, tăng 27,3% so cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, các nhà máy chế biến tôm tại ĐBSCL đang lo ngại tình trạng thiếu nguyên liệu sẽ diễn ra trong thời gian tới.

Đóng thùng sản phẩm thủy sản xuất khẩu ở Công ty TNHH Thực phẩm xuất khẩu Nam Hải (Khu Công nghiệp Trà Nóc 1). Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN. 

Ông Phạm Ngọc Truyền, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm xuất khẩu Nam Hải (khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ) cho biết: “Hiện nay, diện tích nuôi tôm sú ở ĐBSCL bị chết hàng loạt, không riêng gì Nam Hải mà các doanh nghiệp xuất khẩu khác cũng đang gặp khó về nguyên liệu chế biến. Tuy nhiên, công ty nhờ chủ động trước nguồn nguyên liệu, nên những tháng qua, công ty vẫn duy trì hoạt động sản xuất và xuất khẩu sản phẩm truyền thống. Thị trường xuất khẩu chính của đơn vị là Nhật, Úc, Hàn Quốc, châu Âu”. Song, theo ông Truyền, dù có cố gắng chuẩn bị trước nguồn nguyên liệu, nhưng vẫn không đáp ứng đủ các đơn đặt hàng. Hiện Nam Hải đang thuyết phục khách hàng chuyển từ tôm sú sang tôm thẻ chân trắng để duy trì các hợp đồng xuất khẩu đến cuối năm 2011. Ngoài ra, Nam Hải cũng đang tìm nguồn nguyên liệu ở các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau... để tiếp tục duy trì sản xuất, chế biến trong những ngày tới.

Theo một số doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu, giá tôm thương phẩm đang ở mức cao, tôm sú đang khan hàng, trong khi giá tôm thẻ chân trắng thương phẩm đã tăng từ 20% đến 30% so với đầu năm 2011. Nếu trong 2 tháng tới, vẫn chưa khống chế được dịch bệnh trên tôm sú và diện tích tái thả nuôi không đạt kết quả như mong đợi, thì hàng loạt nhà máy chế biến tôm sẽ lâm vào tình thế thiếu nguyên liệu, có thể ngưng hoạt động. Theo ông Truyền, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm xuất khẩu Nam Hải, hiện một số ít doanh nghiệp vẫn hoạt động được là nhờ họ đã tích lũy được nguyên liệu như Nam Hải, nhưng cũng không thể kéo dài được lâu vì nguồn nguyên liệu đang cạn.

Năm 2011, theo kế hoạch, diện tích nuôi tôm toàn vùng khoảng 640.000ha, tính đến cuối tháng 5-2011, toàn vùng đã thả nuôi trên 547.400ha; diện tích tôm bị thiệt hại cũng vượt qua mức 52.000ha. Theo nhận định của Bộ NN&PTNT tình hình tôm chết vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Do vậy, các địa phương nuôi tôm cần có kế hoạch ứng phó và khuyến cáo nông dân cải tạo ao đầm nuôi tôm, hạn chế mầm bệnh lây lan. Đồng thời, tăng cường kiểm soát chất lượng con giống, nhằm hạn chế thiệt hại cho người nuôi và đáp ứng nguồn nguyên liệu cho chế biến của các nhà máy.

Cần chiến lược phát triển dài hơi

Tính đến thời điểm này, những dự báo của doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu về việc thiếu nguyên liệu đã trở thành hiện thực. Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), năm 2010, diện tích nuôi tôm sú vùng ĐBSCL chiếm khoảng 92% diện tích nuôi tôm cả nước với 564.845ha. Diện tích nuôi tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang và Long An. Trong đó, tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi tôm chiếm gần 40% diện tích toàn vùng; tỉnh Sóc Trăng có diện tích nuôi công nghiệp cao nhất vùng, do hạ tầng cơ sở được đầu tư tương đối đồng bộ. Dự kiến trong năm 2011, Bộ NN&PTNT sẽ ban hành tiêu chí cho vùng nuôi tôm và phấn đấu 50% cơ sở nuôi tôm đánh số, thực hiện truy xuất nguồn gốc để ngành tôm phát triển bền vững hơn. Đây là nỗ lực lớn của ngành nông nghiệp trong việc xây dựng chiến lược phát triển và hình ảnh con tôm Việt Nam. Tuy nhiên, để đưa con tôm trở thành ngành hàng chiến lược phải giải quyết rất nhiều vấn đề bất cập từ quy hoạch, kiểm soát chất lượng giống đến khép kín chuỗi sản xuất- chế biến- xuất khẩu.

Mặc dù con tôm sú là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL, nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất, hoặc bao tiêu sản phẩm cho người nuôi như các mặt hàng khác (cá tra, lúa...). Các doanh nghiệp chế biến chủ yếu mua nguyên liệu chế biến theo phương thức mua đứt- bán đoạn. Do vậy, khi xảy ra dịch bệnh trên diện rộng sẽ kéo theo hàng loạt nhà máy chế biến hoạt động cầm chừng, ngưng hoạt động và vấn đề này đã tái diễn trong hai năm gần đây. Hiện nay, tôm chết hàng loạt, lãi suất cho vay của các ngân hàng ở mức cao, người nuôi lo ngại, doanh nghiệp chế biến càng khó hơn với những hợp đồng xuất khẩu vào đầu quý III-2011.

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chi nhánh Cần Thơ, nói: “Lãi suất cho vay đang ở mức cao, các doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược để gia nhập thị trường. Thiếu nguyên liệu chế biến, xuất khẩu giảm thì giá bán phải cao, các doanh nghiệp nếu biết cách tận dụng cơ hội này để thương thảo với đối tác sẽ giảm áp lực chống phá giá của các nước nhập khẩu”. Tiến sĩ Võ Hùng Dũng cho rằng, việc phát triển ồ ạt, thiếu kiểm soát của con cá tra, tôm sú thời gian qua làm nảy sinh tình trạng tranh mua- tranh bán của một số doanh nghiệp, nếu xảy ra khủng hoảng thừa- thiếu nguyên liệu, doanh nghiệp và người nuôi không gặp nhau về giá. Do vậy, cần có chiến lược phát triển dài hơi cho những ngành hàng chủ lực này.

Theo nhận định của các ngành chức năng, các chuyên gia, trong thời điểm này, cần phải có chính sách hỗ trợ cho người nông dân nuôi tôm, tạo mối liên kết khép kín từ khâu sản xuất đến chế biến và xuất khẩu. Đồng thời, hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn thu mua, chế biến với mức lãi suất ưu đãi để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm ổn định cho người lao động. Là vùng nuôi tôm chủ lực của cả nước, kim ngạch xuất khẩu tôm sú năm 2010 đã vượt qua mức 2 tỉ USD, để con tôm trở thành ngành hàng công nghiệp chủ lực phải có sự nhập cuộc của các ngành chức năng Trung ương và địa phương.

CHÍ THIỆN – HẢI ĐĂNG

Chia sẻ bài viết