03/09/2010 - 08:30

Nguyễn Thành Tặng
chàng trai khuyết tật giàu nghị lực

Nguyễn Thành Tặng bên những sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng gáo dừa.

Bị tật ở chân từ năm 3 tuổi nhưng Nguyễn Thành Tặng, ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ không ngừng vươn lên trong cuộc sống. Hiện nay, Tặng đang học nghề thủ công mỹ nghệ từ gáo dừa. Những gáo dừa khô qua đôi bàn tay khéo léo của Tặng biến thành những cây dừa, con thú, khung hình… Không chỉ khéo tay, Tặng rất có năng khiếu trong các hoạt động thể thao, văn nghệ. Vừa qua, trong Hội Thi văn nghệ - thể thao toàn quốc 2010 tổ chức tại TP Đà Nẵng, mới tham gia thi lần đầu, Tặng đã đoạt được 5 huy chương thể thao và 1 huy chương trong lĩnh vực văn nghệ.

Sau nhiều lần hẹn, tôi mới gặp được Tặng. Tặng cười phân trần: “Từ thứ hai đến thứ bảy, em bận học nghề mỹ nghệ nên không gặp chị được”. Hội thi văn nghệ - thể thao toàn quốc đã kết thúc hơn 1 tháng nhưng khi nhắc đến, Tặng kể sôi nổi như sự kiện này mới ngày hôm qua. Tặng hào hứng: “Trong ngày thi đầu tiên, em đoạt Huy chương Bạc bơi ếch (50m) và Huy chương Đồng bơi tiếp sức (200m). Sau ngày thi thứ nhất, do không hợp với thức ăn nên em bị tiêu chảy. Suốt đêm thức đi ra vô toa lét, bụng thì đau nên đến sáng em chẳng còn chút sức lực nào để thi, nhưng nghĩ đến các huấn luyện viên, các anh, chị trong đoàn rồi gia đình, em cắn răng thi đấu. Những sải bơi cuối, em thực sự quá đuối nhưng cố gắng nén cơn đau giành huy chương về cho đội nhà”. Trong ngày thi này, Tặng giành thêm 3 huy chương (Huy chương Đồng cự ly 100m bơi sải, Huy chương Bạc cự ly 50m bơi bướm và Huy chương Đồng tiếp sức cự ly (200m). Sau khi thi đấu xong, Tặng không đi nổi, phải ngồi xe lăn.

Trong hội thi này, tiết mục ca nhạc “Cần Thơ trong trái tim ta” mà Tặng cùng với ba bạn trong Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ nhảy hip hop phụ họa đã đoạt Huy chương Vàng trong hội thi. Rất nhiều thành viên trong đoàn bất ngờ vì thành tích này, bởi trước đây Tặng chưa hề tập luyện hay thi đấu thể thao cũng không hề biết nhảy hip hop. Tặng kể: “Hồi nhỏ, em đi theo các bạn đi tắm sông rồi các bạn dạy em bơi. Còn hip hop, em mê lắm, em tự trồng cây chuối bằng hai tay nhưng chưa có điều kiện để học hip hop. Đến khi được các cô, chú trong hội động viên, em liền đăng ký”. Tặng còn nhớ lúc đó, trong hơn một tháng ròng, ngày hai buổi, Tặng đạp xe đi tập bơi. Những ngày đầu, do không quen nên đêm về đau nhức không ngủ được. Những ngày sau, khi bớt đau nhức thì buổi trưa phải tập thêm văn nghệ. Trước đây, chưa từng nhảy hip hop nên khi nhảy, Tặng liên tục bị té, bầm mình mẩy nhưng Tặng chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ cuộc. Những ngày cuối, phải tập cả 4 ca: sáng, trưa, chiều, tối. Trong hội thi, vừa thi thể thao xong là các diễn viên phải tập dượt để tiếp tục thi văn nghệ. Những huy chương mà Tặng giành được trong những hội thi này chính là phần thưởng xứng đáng cho những giọt mồ hôi, những lần té bầm dập trên sàn tập.

Sinh ra trong một gia đình nông dân, tuy gia đình chỉ làm ruộng, không khá giả gì nhưng cha mẹ, anh chị đều thương cậu em út tật nguyền. Vì thế, trong suốt những năm ấu thơ, nhà nghèo, Tặng sống trong tình yêu thương che chở của mọi người. Nhưng không vì được mọi người cưng chiều mà Tặng ỷ lại. Lúc học tiểu học, hàng ngày Tặng đi bộ hơn 1km đến trường. Đến năm học cấp 2, do trường cách nhà 10km nên Tặng quyết tâm tập chạy xe đạp. Mấy tháng ròng, Tặng dắt xe lên cầu rồi ngồi lên sườn xe thả xuống dốc. Có nhiều khi Tặng lủi thẳng xe vào bụi rậm, xuống sông nhưng cuối cùng Tặng cũng biết chạy xe. Thế là mỗi ngày, từ 5 giờ sáng, Tặng ăn cơm nguội rồi đạp xe đến trường. Học hết cấp 2, do gia đình khó khăn nên Tặng đành nghỉ học ở nhà phụ cha mẹ làm ruộng, đi lặt nhãn mướn.

Năm 2009, trong một lần tình cờ nghe chị bà con cũng bị khuyết tật đang học nghề mỹ nghệ bằng gáo dừa tại Cơ sở Nhịp Cầu, thuộc Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ hướng dẫn, Tặng hăng hái đăng ký đi học. Những ngày đầu đi học, do không quen nên Tặng liên tục cưa phạm vào tay, rồi nhớ nhà nên cũng có lúc Tặng muốn bỏ về. Nhưng được cha mẹ thầy cô, bạn bè động viên nên Tặng tiếp tục học. Và cuối cùng, Tặng tự tay làm được cây dừa bằng gáo dừa. Sản phẩm đầu tay này Tặng đem về trưng ở nhà. Nhìn sản phẩm đầu tay của Tặng, không chỉ gia đình mà nhiều bạn bè, bà con trong xóm đều không ngớt lời khen ngợi. Từ niềm phấn khích ấy, Tặng tiếp tục làm các sản phẩm mỹ nghệ khác bằng gáo dừa như: Thú vật, long phụng, khung hình... ngoài giờ học, Tặng theo học lớp anh văn do các giáo viên người nước ngoài đến giảng dạy tại cơ sở. Tặng tâm sự: “Trước đây, khi chỉ sinh hoạt, làm việc quanh quẩn trong nhà, không có điều kiện tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài nên nhiều việc em suy nghĩ chưa đúng. Khi đến cơ sở được học nghề miễn phí, được lo ăn, ở rồi được các anh, chị tận tình chỉ dạy, còn được học thêm ngoại ngữ, gặp gỡ nhiều người khuyết tật vượt lên chính mình, thành đạt, em đã nhận thức nhiều điều. Em sẽ cố gắng học nghề, sau khi học xong, em mong muốn ở lại cơ sở để sản xuất hàng mỹ nghệ bán cho khách du lịch và tiếp tục nâng cao tay nghề. Em cùng với một số anh, chị đang dự tính nộp hồ sơ để học bổ túc văn hóa”.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết