16/04/2023 - 09:19

Nguy hại uống nhiều thuốc giảm đau khi đau đầu 

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Nhiều người bị đau đầu liền uống thuốc giảm đau và cảm thấy dịu hẳn. Tuy nhiên, bác sĩ chuyên khoa thần kinh cảnh báo, thói quen này rất có hại nếu lạm dụng. Thuốc giảm đau có thể là nguyên nhân gia tăng mức độ đau đầu, người bệnh bị lờn thuốc, chưa kể các tổn hại ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể.

Áp lực từ công việc, các mối quan hệ trong cuộc sống... khiến bệnh đau đầu trở nên phổ biến hơn.

Trong chương trình truyền hình trực tuyến về bệnh lý đau đầu do BV Ða khoa Tâm Anh phối hợp với các đơn vị thực hiện, chị Hà Anh (28 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết, do áp lực công việc, deadline “dí” liên tục, chị thường xuyên làm việc tăng ca, giờ giấc làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi thất thường, ngủ không ngon giấc nên hay nhờ đến thuốc giảm đau để đẩy lui bệnh đau đầu. Chị lo lắng, không biết việc uống nhiều thuốc giảm đau khi đau đầu có tác dụng phụ gì đối với sức khỏe về lâu dài không.

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu, Trưởng khoa Nội thần kinh BV Ða khoa Tâm Anh trả lời tư vấn, các loại thuốc giảm đau thông thường chứa thành phần paracetamol có tác dụng giảm đau nhanh, hiệu nghiệm với các cơn đau đầu. Tuy nhiên, lạm dụng thuốc chắc chắn ảnh hưởng đến sức khỏe. Trước hết là gây suy giảm chức năng gan, thận và cả hệ thần kinh. Việc sử dụng thường xuyên còn gây lờn thuốc, người bệnh lại bị đau do chính thuốc giảm đau gây nên, khó điều trị. Ban đầu người bệnh chỉ đau một bên, uống thuốc giảm đau nhiều có thể bị đau cả hai bên, do tác dụng phụ của thuốc. Do vậy, để giải quyết tình trạng đau đầu, tinh thần căng thẳng, mất ngủ, người bệnh cần sắp xếp lại thời gian làm việc hợp lý, thực hiện lối sống tích cực, nạp thêm năng lượng để gia tăng sức chịu đựng áp lực, ngủ sớm, bổ sung dinh dưỡng cân bằng. Tránh nạp quá nhiều các yếu tố có thể kích thích thêm hệ thần kinh như rượu bia, cà phê, thuốc lá. Ðể trị bệnh đau đầu, người bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, xác định tình trạng bệnh và điều trị hợp lý. Bệnh được giải quyết theo hai giai đoạn, đầu tiên dùng thuốc giảm đau an toàn, phù hợp và sau là điều trị kết hợp để sức khỏe ổn định, không tái diễn về sau.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Liệu, việc dùng thuốc giảm đau cần thận trọng hơn đối với bà mẹ mang thai và cho con bú. Tác dụng của thuốc có thể ảnh hưởng đến hình thái và các chức năng cơ thể của thai nhi. Nếu buộc phải dùng thuốc, cần có chỉ định của bác sĩ. Bà mẹ cho con bú cũng thế, cần hạn chế việc dùng thuốc, bao gồm thuốc giảm đau khi đau đầu. Em bé được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời sau sinh và kéo dài trong 2 tuổi đầu sẽ được hưởng nhiều lợi ích, từ nguồn kháng thể và dinh dưỡng có trong sữa mẹ. Ngoài ra, việc cho con bú mẹ gắn kết tình mẫu tử, giúp bé thuận lợi phát triển trí tuệ cảm xúc từ những cái ôm đầu tiên của mẹ. Bác sĩ khuyên, giống như thai phụ, bà mẹ cho con bú hạn chế dùng thuốc, thay vào đó sử dụng các biện pháp vật lý trị liệu, bấm huyệt, mát-xa giúp giảm các cơn đau đầu thông thường.

Tuy nhiên, khuyến cáo của bác sĩ về việc hạn chế dùng thuốc giảm đau, thay bằng các liệu pháp khác, khi mắc phải các cơn đau đầu thoáng qua và trong sức chịu đựng của người bệnh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 50% người lớn có ít nhất một lần bị đau đầu trong năm. Ða phần các cơn đau đầu không gây nguy hiểm tới sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên vẫn có số ít trường hợp đau đầu là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm: xuất huyết khoang dưới nhện do vỡ phình động mạch não, huyết khối tĩnh mạch nội sọ, viêm màng não, viêm não, u não… Vì thế, khi tình trạng đau đầu kéo dài, kèm theo các triệu chứng khác, cảnh báo những bệnh lý cấp tính, cần được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng cũng như hậu quả đáng tiếc.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Liệu, người bệnh nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh để thăm khám và điều trị bệnh đau đầu hiệu quả. Nhất là với người lớn tuổi, cần tầm soát các yếu tố nguy cơ liên quan đến đột quỵ, các bệnh dị dạng mạch máu để có thể dự phòng điều trị, can thiệp chủ động. Người cao tuổi cũng có thể mắc các bệnh lý cột sống cổ hay các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, cũng là nguyên nhân liên quan tình trạng đau đầu. Thông qua thăm khám và các cận lâm sàng cần thiết, bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc, lựa chọn phương án điều trị phù hợp.

Chia sẻ bài viết