10/07/2019 - 07:32

Nguy cơ thương chiến Nhật - Hàn 

Phát biểu với báo giới ngày 9-7 sau cuộc họp nội các, Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko tuyên bố Tokyo không dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu hàng công nghệ cao sang Hàn Quốc, đồng thời nhấn mạnh việc Tokyo có thực hiện các hạn chế bổ sung hay không phụ thuộc vào sự hồi đáp của Seoul trong vấn đề này.

Dân Hàn xuống đường phản đối lệnh hạn chế xuất khẩu vật liệu công nghệ cao của Nhật Bản. Ảnh: SCMP

Trước đó một ngày, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi Nhật Bản gỡ bỏ biện pháp hạn chế xuất khẩu và tiến hành tham vấn song phương một cách thiện chí. “Những hạn chế thương mại gần đây của Nhật Bản làm dấy lên mối lo ngại dẫn đến gián đoạn sản xuất tại các công ty của chúng tôi, từ đó sẽ đe dọa mạng lưới cung ứng trên toàn cầu” - Tổng thống Moon nhấn mạnh. Nhà lãnh đạo xứ kim chi nói rằng Seoul sẽ đưa ra các biện pháp ngoại giao thay vì “ăn miếng trả miếng”. Song, nếu thiệt hại xảy ra đối với các công ty Hàn Quốc, chính phủ sẽ buộc phải có những biện pháp đối phó cần thiết. Theo kế hoạch, Tổng thống Moon hôm nay 10-7 sẽ gặp lãnh đạo 30 tập đoàn lớn của Hàn Quốc để thảo luận phương án đối phó đối với lệnh hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản. 

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong cho biết, những vật liệu công nghệ cao bị ảnh hưởng bởi lệnh hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản bao gồm nhựa nhiệt dẻo, chất cản màu và hydro florua có độ tinh khiết cao. Trong khi nhựa nhiệt dẻo được sử dụng để sản xuất màn hình điện thoại thông minh, chất cản màu là lớp vật liệu mỏng được dùng trong chế tạo các tấm bán dẫn, còn hydro florua thì được dùng làm khí ăn mòn trong quá trình sản xuất chip. Truyền thông Nhật Bản tiết lộ, xứ sở hoa anh đào sản xuất ra khoảng 90% nhựa nhiệt dẻo, khoảng 70% khí ăn mòn và khoảng 90% chất cản màu trên toàn cầu, khiến các nhà sản xuất chíp Hàn Quốc gặp khó trong việc tìm nguồn cung cấp thay thế trong bối cảnh họ phụ thuộc vào chất cản màu và khí ăn mòn của Nhật Bản tới hơn 70%. Trong 5 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc đã mua 103,52 triệu USD chất cản màu từ Nhật Bản, 28,44 triệu USD hydro florua và 12,14 triệu USD nhựa nhiệt dẻo.

Như vậy, với lệnh hạn chế xuất khẩu nói trên, những “ông lớn” công nghệ Hàn Quốc như Samsung Electronics, SK Hynix và LG Display được cho đều bị ảnh hưởng. Trong khi đó, các nhà cung ứng chất cản màu Nhật Bản như JSR, Tokyo Ohka Kogyo, Shin-Etsu Chemical, hay các nhà sản xuất khí ăn mòn như Showa Denko KK hoặc nhà sản xuất nhựa nhiệt dẻo Kanto Denka Kogyo cũng bị ảnh hưởng.

Giới phân tích cho rằng động thái trên của Tokyo là nhằm phản đối quan điểm của Seoul trong giải quyết vấn đề đền bù cho các nạn nhân Hàn Quốc phải lao động cưỡng bức trong thời chiến. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách “quốc gia tin cậy”. Hồi năm ngoái, Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu các công ty Nhật Bản trả tiền bồi thường cho các lao động bị cưỡng bức và quyết định này nhận được sự ủng hộ của Seoul. Trong khi đó, Tokyo luôn khẳng định mọi vấn đề về bồi thường thiệt hại trong thời chiến đã được hai bên dàn xếp trong hiệp định bình thường hóa quan hệ song phương ký kết năm 1965.

Hàn Quốc cũng vừa giải thể quỹ Hòa giải và Chữa lành vết thương hay còn gọi là quỹ “phụ nữ mua vui” do Nhật Bản thành lập tại Hàn Quốc theo thỏa thuận song phương năm 2015 về vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép làm việc trong các nhà chứa của quân đội Nhật trong Thế chiến thứ hai. Phía Tokyo khẳng định “không bao giờ có thể chấp nhận” quyết định này của Seoul. 

Dự kiến Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ khởi động bàn đàm phán tại Tokyo trong tuần này để thảo luận về vụ việc. Hy vọng, thương lượng sẽ mang lại kết quả, ngăn ngừa nguy cơ thương chiến giữa hai quốc gia láng giềng Đông Bắc Á có nền công nghệ phát triển hàng đầu thế giới này. 

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết