22/07/2008 - 22:20

Nguy cơ cạn kiệt động vật hoang dã

Trong cái lồng sắt, hàng chục con rắn đang quấn tròn với nhau, vài con kỳ đà, tắc kè cố trườn mình tìm lối ra, những “chú” rùa nằm rút mình trong cái mai để “phòng thủ”... Tình trạng buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) gần như công khai trên đường phố ở các quận, huyện của TP Cần Thơ.

BÁN ĐỘNG VẬT HOANG DÃ CÔNG KHAI

Trên quốc lộ 91B gần đây xuất hiện nhiều lồng bán ĐVHD. Trong lồng có hàng trăm con rắn hổ ngựa, rắn hổ hèo, hổ hành, ri voi... và kỳ đà được chủ hàng rao bán cho khách. Ông chủ những chuồng lồng này cho biết giá một ký rắn từ 100.000 đồng đến 250.000 đồng và sẵn sàng cung cấp không hạn chế. Còn kỳ đà là loại quí hiếm nên giá khá cao, từ 250.000 đồng đến 350.000 đồng/kg (mỗi con kỳ đà nặng khoảng 5 đến 10kg).

“Đây là ĐVHD được bắt từ rừng về. Con kỳ đà có tác dụng trị bệnh rất cao... Nếu anh mua, tôi sẽ đem kỳ đà đến tận nhà, cắt cổ lấy máu pha rượu cho anh”, ông chủ dẻo miệng chào hàng. Lúc này, trong chuồng sắt chỉ có 2 con kỳ đà nhưng nếu khách hàng mua thêm, người bán cho biết sẽ về lấy và đem đến tận nhà.

Tỉnh lộ 922, đoạn trên địa bàn quận Ô Môn, những chiếc lồng sắt bên trong là những con rắn, rùa... cũng được trưng bày dọc theo vệ đường. Theo chủ thì đây là những động vật hoang dã được bắt từ những cánh đồng, ao mương và trên rừng. Anh H., một người dân nhà ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, hàng ngày chứng kiến cảnh buôn bán, xẻ thịt ĐVHD, cho biết: “ĐVHD do một số người dân ở địa phương bắt về, bán cho các chủ lồng sắt. Có hôm, tại đây tiêu thụ hàng trăm con rắn, rùa, tắc kè... Với đà này, sắp tới nhiều loại ĐVHD sẽ bị tiệt chủng”.

 Động vật hoang dã được bày bán ven quốc lộ 91B, ảnh chụp lúc 16 giờ ngày 12-7-2008.

Vườn cò Bằng Lăng (xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt) hiện có trên 300.000 con với gần 20 chủng loại: cò quắm, cò ngà, cò cá, cò ruồi, cò ma, cò xanh, cò rằn, cò rán, cồng cộc, bạc má, điên điển, bồ nông, bìm bịp... Trong khi gia đình ông Thuyền (chủ vườn cò Bằng Lăng) đang ra sức bảo vệ vườn cò thì quanh vườn, dân bẫy cò vẫn thản nhiên giăng lưới bắt cò, có bẫy lưới dài hàng chục mét có “cò mồi” dùng để nhử cò. Theo ông Thuyền, nhiều năm nay, tình trạng dùng bẫy lưới bắt cò vẫn diễn ra. Mỗi ngày, có hàng trăm con cò từ vườn cò Bằng Lăng bay ra bị vướng bẫy. Tình trạng này kéo dài thì đàn cò sẽ bị thưa dần, giảm số lượng rất nhanh.

LÀM SAO NGĂN CHẶN?

Theo Phòng Nông nghiệp và Chế biến Nông sản (cơ quan quản lý ĐVHD), thuộc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP Cần Thơ, việc quản lý, kiểm tra, xử lý tình trạng săn bắt, buôn bán ĐVHD đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân, TP Cần Thơ chưa thành lập Chi cục Kiểm lâm hoạt động đúng chức năng. Phòng Nông nghiệp và Chế biến Nông sản đảm nhận nhiệm vụ của Chi cục Kiểm lâm nhưng chỉ ở chức năng quản lý ĐVHD được phép chăn nuôi. Nghĩa là cấp sổ theo dõi và kiểm tra điều kiện chăn nuôi của các hộ dân chăn nuôi ĐVHD. Đồng thời cấp phép vận chuyển con giống khi các hộ nuôi có nhu cầu. Tuy nhiên, về việc kiểm tra, xử lý, tịch thu các ĐVHD buôn bán trái phép thì đơn vị này chưa có chức năng, chưa được phân bổ nhiệm vụ.

Ông Ngô Hùng Dũng, Quyền Trưởng Phòng Nông nghiệp và Chế biến Nông sản TP Cần Thơ, cho biết: “Do TP Cần Thơ chưa thành lập Chi cục Kiểm lâm nên việc kiểm tra, xử phạt, tịch thu ĐVHD buôn bán trái phép bị thả lỏng trong những năm qua. Phòng Nông nghiệp và Chế biến Nông sản phát hiện những trường hợp buôn bán ĐVHD trái phép thì lập biên bản và nhờ Chi cục Kiểm lâm các tỉnh lân cận hoặc Cơ quan Kiểm lâm vùng III hỗ trợ, xử lý. Sở NN-PTNT đã kiến nghị UBND TP Cần Thơ thành lập Chi cục Kiểm lâm để đơn vị này hoạt động theo đúng chức năng. Trong khi chờ đợi Chi cục Kiểm lâm thành lập, thành phố nên bổ sung chức năng kiểm tra, xử lý, tịch thu... ĐVHD buôn bán trái phép trên địa bàn TP Cần Thơ cho Phòng Nông nghiệp và Chế biến Nông sản. Được bổ sung nhiệm vụ này, chúng tôi mới có đủ cơ sở pháp lý kiểm tra, xử lý, tịch thu ĐVHD buôn bán trái phép trả về thiên nhiên”.

Hiện nay, Phòng Nông nghiệp và Chế biến Nông sản TP Cần Thơ quản lý và kiểm tra thường xuyên 25 điểm nuôi ĐVHD. Các loài ĐVHD nuôi chủ yếu là cá sấu nước ngọt, nhím, trăn... Đặc biệt, phòng đang quản lý 19 con gấu nuôi (của dân) được gắn chíp điện tử theo dõi. Các hộ chăn nuôi được cung cấp qui chế nuôi dưỡng, tập huấn kỹ thuật, thẩm định chuồng trại đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường... Những hộ nuôi khi có nhu cầu sẽ được cấp phép vận chuyển con giống, tiêu thụ sản phẩm. Mới đây, Phòng Nông nghiệp và Chế biến Nông sản kết hợp cùng Cảnh sát Môi trường, Công an TP Cần Thơ kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của 2 con khỉ nuôi tại nhà hàng Ninh Kiều (đường Hai Bà Trưng, TP Cần Thơ). Nhà hàng đồng ý giao 2 con khỉ này về khu bảo tồn. Đoàn kiểm tra cũng tiến hành làm việc với khu du lịch Mỹ Khánh (huyện Phong Điền) về tình trạng treo bảng bán mật gấu. Chủ cơ sở cũng cam kết tháo bảng và chấm dứt tình trạng này.

Ngoài công tác kiểm tra, xử phạt, chính quyền các cấp cần phối hợp cùng ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền đối với các hộ dân làm nghề săn bắt, kinh doanh ĐVHD; in, dán và phân phát các tài liệu có liên quan, đặc biệt là danh mục, hình ảnh của từng loại ĐVHD có nguy cơ tiệt chủng, cấm và hạn chế khai thác, buôn bán chúng, để người dân hiểu, tham gia chung tay ngăn chặn nạn săn bắt ĐVHD. Có như thế mới hy vọng cứu những loài ĐVHD khỏi nguy cơ tiệt chủng.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Theo Cơ quan Kiểm lâm vùng III (đơn vị hỗ trợ các tỉnh, thành chưa có Chi cục Kiểm lâm, thuộc Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn), hiện nay, số lượng các loài ĐVHD bị đe dọa nêu trong sách đỏ những năm qua không chỉ gia tăng về số lượng mà còn tăng về phân hạng đe dọa. Hiện Việt Nam đã có tới trên 700 loài động, thực vật đang bị nguy cơ tiệt chủng ở cấp độ Quốc gia. Một trong những nguyên nhân chính gây suy giảm nghiêm trọng loài ĐVHD dẫn đến tiệt chủng là tình trạng săn bán, buôn bán ĐVHD một cách ráo riết, tùy tiện.

Chia sẻ bài viết