Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
Sau một thời gian tăng lên ở mức cao, gần đây giá nhiều loại phân bón đã giảm mạnh trở lại, giúp nông dân "nhẹ gánh" khi bước vào vụ sản xuất thu đông 2023.
Nông dân vơi bớt nỗi lo
Phân bón được bày bán tại Cửa hàng vật tư nông nghiệp Xuân Khánh ở huyện Thới Lai.
Các loại phân bón chiếm tỷ trọng khá lớn trong chi phí sản xuất nhiều loại cây trồng. Do vậy, nhiều nông dân khá vui khi gần đây giá nhiều loại phân bón đã giảm mạnh trở lại, nhất là đối với các loại phân bón vô cơ như DAP, Urê, NPK và Kali.
Anh Nguyễn Văn Dưỡng ngụ ấp Thạnh Phước, xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Hiện tôi đã xuống giống gieo trồng lúa vụ thu đông 2023 và bắt đầu mua các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để phục vụ canh tác lúa. Nhìn chung, giá nhiều loại thuốc BVTV vẫn bình ổn nhưng giá hầu hết các loại phân bón đều có xu hướng giảm so với các tháng trước. Đáng chú ý, giá nhiều loại phân lạnh (Urê) và phân tiêu (DAP) đã giảm từ vài chục ngàn đồng đến cả trăm ngàn đồng/bao 50 kg. Tôi rất mừng khi giá phân bón giảm mạnh giúp nông dân giảm bớt chi phí đầu tư, từ đó cũng giảm bớt nỗi lo về rủi ro trong sản xuất và có cơ hội nâng cao lợi nhuận". Ông Nguyễn Văn Vui ngụ khu vực Tân Phước, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, cũng cho biết: "Vào đầu vụ lúa hè thu 2023 vừa rồi, tôi mua phân DAP xanh Hồng Hà với giá lên đến hơn 1.200.000 đồng/bao, còn nay giá chỉ còn khoảng 980.000 đồng/bao. Nhiều loại phân Đạm, NPK và Kali cũng giảm giá mỗi bao từ vài chục ngàn đồng đến cả trăm ngàn đồng so với cách nay vài tháng. Nông dân rất vui khi giá nhiều loại phân bón đã giảm đáng kể trở lại khi bước vào vụ sản xuất lúa thu đông 2023 và mong giá tiếp tục giảm thêm trong thời gian tới bởi nhìn chung giá nhiều loại phân bón vẫn còn ở mức cao".
So với cách nay hơn 1 tháng, các loại phân bón vô cơ như Urê,DAP, NPK và Kali đã giảm thêm ít nhất từ 20.000-100.000 đồng/bao và đang ở mức thấp nhất trong nhiều tháng qua, nhất là đối với các loại phân bón DAP. Giá DAP Philippines và DAP Hàn Quốc tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ đang ở mức 1.100.000-1.200.000 đồng/bao. Còn DAP Trung Quốc loại hạt xanh (DAP xanh Hồng Hà) ở mức 950.000-990.000 đồng/bao; DAP Trung Quốc loại hạt nâu và vàng ở mức 780.000-850.000 đồng/bao. Giá Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ và nhiều loại Urê nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia và Malaysia tại nhiều nơi đang ở mức 470.000-530.000 đồng/bao. Giá NPK 16-16-8 (Phú Mỹ, Cà Mau, Bình Điền, Việt Nhật) từ mức 740.000-800.000 đồng/bao. NPK 20-20-15 Ba Con Cò và Bình Điền ở mức 1.000.000-1.100.000 đồng/bao. Giá phân bón Kali (Canada, Israel, Nga) đang phổ biến từ 600.000-650.000 đồng/bao. Giá phân bón giảm do nguồn cung dồi dào, có sự canh tranh của nhiều thương hiệu và do giá trên thế giới giảm mạnh trở lại.
Giá còn giảm
Với tình hình nguồn cung dồi dào và sức tiêu thụ phân bón tại nhiều nơi đang chậm, giá nhiều loại phân bón có khả năng còn giảm trong thời gian tới. Theo nhiều doanh nghiệp và chủ cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ, sức tiêu thụ nhiều loại phân bón trong vụ thu đông hằng năm thường không bằng vụ đông xuân và hè thu do diện tích sản xuất lúa trong vụ này thường luôn ở mức thấp hơn rất nhiều. Đồng thời, nhu cầu bón phân cho các loại cây ăn trái và nhiều loại cây trồng khác trong vụ thu đông cũng giảm do nông dân hạn chế bón phân cho cây trồng, nhất là khi tới đây bước vào các tháng mùa nước nổi. Hiện nay, nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái cũng ít có nhu cầu mua phân bón do nhiều loại cây ăn trái đang bước vào mùa thu hoạch trái. Dự kiến, tới đây khi vườn cây đã thu hoạch trái, nông dân mới mua phân bón để giúp cây phục hồi và chuẩn bị cho mùa trái mới. Tuy nhiên, hiện nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái và trồng rau màu có xu hướng giảm mua các loại phân bón vô cơ, thay vào đó nhà vườn lại tăng cường mua các loại phân bón hữu cơ có giá rẻ hơn để sử dụng. Đồng thời, nhiều nhà vườn cũng tận dụng rơm rạ, phân của các loại vật nuôi và sử dụng các phế, phụ phẩm trong nông nghiệp nói chung để làm phân bón hữu cơ phục vụ cho các loại cây trồng nhằm tiết kiệm chi phí.
Anh Bùi Xuân Khánh, Chủ một cửa hàng vật tư nông nghiệp Xuân Khánh ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: "Giá nhiều loại phân bón có khả năng còn giảm thêm nữa, nhất là đối với các loại phân bón vô cơ. Gần đây, nông dân không chỉ sử dụng phân bón tiết kiệm mà còn sử dụng các loại phân bón hữu cơ nhằm giảm sử dụng phân bón hóa học có giá cao, nhất là đối với những nông dân trồng cây ăn trái và rau màu. Hiện trên thị trường cũng có bày bán rất nhiều loại phân bón hữu cơ dạng nước và dạng viên nén đóng bao 25kg hoặc 40kg, khá thuận lợi cho người sử dụng. Giá các loại phân bón hữu cơ như hữu cơ cá, dơi, gà… đang chỉ ở mức từ 260.000-350.000 đồng/bao, tùy loại".
Giá nhiều loại phân bón nhập khẩu cũng giảm so với trước. Thêm vào đó, các loại phân bón được sản xuất trong nước cũng rất dồi dào và có sự cạnh tranh giữa nhiều thương hiệu sản phẩm cả đối với phân bón vô cơ và hữu cơ. Do vậy, nông dân cũng có nhiều cơ hội để lựa chọn trong sử dụng nhằm giảm chi phí tiền phân bón mà hiệu quả sản xuất vẫn đạt cao. Theo anh Nguyễn Vĩnh Anh ngụ ấp Trường Tây, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, gia đình anh hiện có 13 công vườn trồng sầu riêng và vú sữa nên hằng năm có nhu cầu sử dụng một lượng phân bón khá lớn. Những năm gần đây, khi thấy giá nhiều loại phân bón vô cơ tăng cao, anh đã đẩy mạnh chuyển sang sử dụng các loại phân bón hữu cơ để bón cho cây, đặc biệt là phân hữu cơ cá dạng viên nén. Trong các vụ cây ăn trái vừa qua, lượng phân hữu cơ được anh sử dụng để bón cho cây chiếm tới 2/3, còn lại 1/3 là sử dụng phân bón vô cơ. Cách làm này không chỉ giúp giảm chi phí tiền phân mà hiệu quả sản xuất được nâng cao nhờ vườn cây phát triển bền vững, cho năng suất, chất lượng trái tốt. Nhìn chung, thời gian qua giá các loại phân bón hữu cơ cũng ít biến động tăng so với phân bón vô cơ.
Mong muốn giá phân bón tiếp tục giảm mạnh thêm nữa, nhiều nông dân cũng kiến nghị ngành chức năng tiếp tục quan tâm tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường nhằm đảm bảo chất lượng các loại phân bón bán trên thị trường, ngăn ngừa hàng giả và kém chất lượng.