16/08/2009 - 21:03

Người thắp lửa phong trào

Đặng Văn Mẫn là một trong những điển hình thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2009.

Đó là Đặng Văn Mẫn (25 tuổi), Bí thư Chi đoàn ấp Thạnh Lộc, Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Xã Trắc, thuộc xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Không chỉ năng động, sáng tạo trong công tác Đoàn mà anh còn xung kích trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo công ăn việc làm, giúp đoàn viên thanh niên có cuộc sống ổn định, tránh xa các tệ nạn xã hội...

Đồng hành, chia sẻ cùng nhà nông

Ở tỉnh Kiên Giang, thời gian qua đã xuất hiện nhiều mô hình thanh niên liên kết cùng nhau phát triển kinh tế nông thôn. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Xã Trắc (thuộc xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp) là một trong những mô hình như thế. Theo cách nói của một lão nông ở đây, thì hợp tác xã (HTX) này rất “chịu chơi”, bởi nông dân có thể thiếu chịu, đến mùa thu hoạch mới thanh toán mà không phải trả lãi suất...

Là địa phương nằm cách xa trung tâm huyện, người dân ở ấp Thạnh Lộc, xã Thạnh Đông, sống chủ yếu bằng nghề nông, luôn gặp khó khăn về vốn. Trong khi đó, các đại lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn thường bán với giá khá cao, kéo theo chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận của người sản xuất sẽ giảm. Xuất thân trong gia đình nông, hiểu và thấy được điểm bất hợp lý này, Mẫn luôn suy nghĩ tìm giải pháp khắc phục. Muốn liên kết đoàn viên thanh niên (ĐVTN) làm kinh tế, Mẫn trình bày ý tưởng của mình tại cuộc họp lệ chi đoàn. Và, mặt hàng mà anh nhắm đến đó là vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu... Nghe xong, nhiều ĐVTN tỏ vẻ ngán ngại, do dự... Nhưng qua đợt tập huấn về Luật Hợp tác xã, ĐVTN hiểu tường tận hơn nên đã tán thành với ý tưởng của Mẫn. Được sự quan tâm, giúp đỡ của Xã đoàn, Đảng ủy và UBND xã Thạnh Đông, HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Xã Trắc được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 10-2008. Được anh em tín nhiệm bầu chọn làm Chủ nhiệm HTX, Mẫn trăn trở với ý nghĩ: “Với vai trò đầu tàu, phải làm gì để HTX ngày một ăn lên làm ra, không làm ảnh hưởng đến uy tín của chi đoàn và sự tín nhiệm của anh em”.

Ban đầu, HTX có 12 xã viên, trực tiếp canh tác với tổng diện tích 30ha đất, và 12 xã viên này cũng là lượng khách hàng cố định, đầu tiên của HTX. Kế đó, từng xã viên sẽ vận động người thân, bà con và bạn bè ủng hộ. Bên cạnh thuận lợi trên, HTX cũng gặp không ít khó khăn, nhất là về vốn. Giải quyết bài toán này, Mẫn và một số xã viên đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình hoặc mượn của người thân đi thế chấp vay ngân hàng số tiền 500 triệu đồng. Với phương châm “đồng hành và chia sẻ cùng nhà nông”, Mẫn bàn bạc và đi đến thống nhất thực hiện chiến thuật kinh doanh như: Hạ giá bán đồng loạt các mặt hàng xuống từ 2.000 đến 3.000 đồng, so với các đại lý khác trên địa bàn. Đồng thời, chấp nhận bán chịu, không tính lãi cho nông dân, đến mùa vụ mới thanh toán... nhằm thu hút khách hàng. Để thực hiện thành công chiến thuật của mình, các xã viên một lần nữa tăng vốn, bằng cách đáo hạn ngân hàng, tăng diện tích đất thế chấp. Có được nguồn vốn 1,2 tỉ đồng, chiến thuật kinh doanh của Mẫn bắt đầu phát huy tác dụng.

Theo thống kê của HTX, trong vụ đông xuân năm 2009, HTX đã cung ứng vật tư nông nghiệp cho 40 nông dân, với tổng số tiền 500 triệu đồng. Còn trong vụ xuân hè vừa qua, lượng khách hàng tăng đáng kể, có khoảng 100 nông dân tìm đến mua. Sau khi trừ đi các chi phí, HTX sẽ thu về lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng. Điều đáng nói, qua HTX người dân tiết kiệm được một khoản chi phí sản xuất, giúp tăng thu nhập. Nông dân Nguyễn Văn Bảy cho biết: “Gia đình tôi canh tác 20 công đất. Do thiếu vốn, nên tôi phải đi vay mượn tiền bên ngoài, với lãi suất cao để mua phân bón, thuốc trừ sâu phục vụ cho sản xuất. Nhưng từ khi có HTX, tôi giảm bớt gánh nặng về vốn”. Theo tính toán của ông Bảy, chi phí cho vụ xuân hè năm 2008 tổng cộng khoảng 24 triệu đồng. Cũng với lượng phân thuốc như vậy, vụ xuân hè năm nay, ông mua ở HTX này thì tiết kiệm được từ 3 đến 4 triệu đồng. Không riêng gì ông Bảy, nhiều bà con khác cũng rất phấn khởi trước cách làm ăn linh hoạt của những ông chủ trẻ tuổi này. Không dừng lại đó, Mẫn ấp ủ dự tính trong thời gian tới sẽ xây dựng nguồn quỹ tín dụng nội bộ, để hỗ trợ vốn cho xã viên làm kinh tế gia đình. Mặt khác, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở địa phương.

Ông Trần Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Thạnh Đông, cho biết: “Ngoài việc cung ứng vật tư nông nghiệp, hiện nay, HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Xã Trắc còn bán các loại giống lúa nguyên chủng xác nhận, do Phòng Nông nghiệp huyện cung cấp. HTX ra đời không chỉ giúp nông dân giảm chi phí trong sản xuất, tăng thu nhập, mà còn thiết thực góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương”.

Năng động, sáng tạo!

Không chỉ làm kinh tế giỏi, Mẫn còn rất năng động, sáng tạo trong công tác Đoàn. Trước đây, học xong lớp 11, Mẫn đành gác việc học lại về phụ giúp gia đình làm ruộng. Sau đó, Mẫn tham gia công tác ở ấp, phụ trách Phó công an. Những lúc nông nhàn, thanh thiếu niên địa phương không biết đi đâu và làm gì, ngoài chuyện tụ năm tụ bảy nhậu nhẹt say sưa, rồi gây rối, làm mất an ninh trật tự ở xóm ấp. Năm 2007, Mẫn được bầu làm Bí thư Chi đoàn ấp Thạnh Lộc. Trở thành thủ lĩnh của ĐVTN trong ấp, đối diện với không ít khó khăn, thách thức Mẫn quên ăn, quên ngủ, gác lại công chuyện gia đình để lao vào công việc. Từ sáng sớm đến chiều tối, Mẫn lân la đến từng nhà gặp gỡ thanh niên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ; đồng thời phối hợp với chính quyền, ban ngành đoàn thể trên địa bàn mở các lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp, thu hút thanh niên tham gia. Nhớ lại trong những ngày đầu tham gia hoạt động Đoàn, đôi mắt của Mẫn như ngời lên niềm vui. Anh kể: “Đường sá đi lại khó khăn, không có địa điểm tập trung sinh hoạt, chúng tôi phải mượn phòng học hay nhà của thanh niên nào đó trong xóm để tổ chức vui chơi, múa hát. Nhớ nhất là những lần cùng ĐVTN đi đào đất, đắp đường hay bắc cầu trong những buổi trưa nắng gắt. Ai nấy nhễ nhại mồ hôi, nhưng lao động rất nhiệt tình và hăng say, tạo được sự đồng thuận trong dân”.

Nhờ sự năng động, sáng tạo, Mẫn đã thắp lửa niềm tin vào lực lượng ĐVTN, góp phần đưa chi đoàn từ không hoạt động trở thành chi đoàn đạt danh hiệu vững mạnh trong nhiều năm liền. Mẫn chia sẻ kinh nghiệm: “Muốn ĐVTN tham gia vào các hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu niên của địa phương, người cán bộ Đoàn phải miệng nói tay làm, phải sâu sát, nắm bắt nguyện vọng, tâm tư, tình cảm của ĐVTN, động viên họ vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống thường nhật”. Tuy nhiên, để thu hút đông đảo ĐVTN tham gia và hoạt động Đoàn hiệu quả, trong thời buổi kinh tế thị trường là một bài toán khó, ngoài việc phối hợp mở các lớp tập huấn kiến thức về sản xuất nông nghiệp (như: kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi thú y...) Mẫn còn đứng ra tín chấp cho ĐVTN vay vốn, tạo điều kiện để ĐVTN chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Điển hình như trường hợp của Nguyễn Chí Tâm. Trước đây, gia đình Chí Tâm gặp khó khăn, không có ruộng đất sản xuất, chỉ được nền nhà và một phần đất trống khoảng 1.000m2. Năm 2007, Chí Tâm được chi đoàn ấp đứng ra bảo lãnh vay 15 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, Chí Tâm chí thú làm ăn, cải thiện được thu nhập và vươn lên trong cuộc sống. Nói về cách làm của mình, Chí Tâm cho biết: “Nhận được nguồn vốn vay, tôi tận dụng phần đất trống để phát triển kinh tế: Trên mặt nước tôi chăn nuôi vịt; dưới ao thì nuôi cá tra và ba ba. Cứ như thế, sau vài tháng nuôi, tôi có được một khoản thu nhập kha khá”. Không dừng lại đó, Chí Tâm còn dành dụm tiền mua trâu để kéo lúa thuê cho bà con trong xóm. Nhờ cần cù, chịu khó trong lao động, cũng như thực hiện mô hình làm ăn có hiệu quả nên kinh tế gia đình tạm ổn, Chí Tâm dành nhiều thời gian hơn cho công tác xã hội và công tác Đoàn.

Anh Nguyễn Thanh Cường, Phó Bí thư Huyện đoàn Tân Hiệp, cho biết: “Thời gian qua, HTX này hoạt động rất có hiệu quả, đây là điểm sáng trong phong trào thanh niên làm kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội. Đạt được thành tích này là nhờ vai trò đầu tàu của Đặng Văn Mẫn. Nét nổi bật ở Mẫn là dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đề xuất và đưa ra những mô hình làm ăn mới, giúp ĐVTN có công ăn việc làm ổn định, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương”. Thời gian qua, Mẫn nhận rất nhiều giấy khen của Xã đoàn, Huyện đoàn và Bằng khen của UBND tỉnh. Năm 2007, Mẫn vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng và là một trong 6 thanh niên điển hình của tỉnh, được cử tham dự Đại hội “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2009”, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức tại Hà Nội. Mẫn nhớ nằm lòng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với lực lượng ĐVTN: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”. Đây là động lực tinh thần, giúp Mẫn vững bước vượt qua những lúc khó khăn trong cuộc sống cũng như trong công việc.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết