01/05/2023 - 17:37

Người nuôi tôm ở Kiên Giang thiệt hại nặng do nắng nóng kéo dài 

Bài, ảnh: HIẾU THUẬN

Nắng nóng kéo dài, dịch bệnh phát sinh, thức ăn tự nhiên trong ruộng không có, khiến nhiều diện tích tôm nuôi ở Kiên Giang bị thiệt hại nặng.

Người nuôi tôm ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, lo lắng vì tôm nuôi thiệt hại nặng.

Tại xã Tây Yên A, huyện An Biên, những ngày này người nuôi tôm sú dùng nhiều cách để thu hoạch tỉa bớt tôm trên nền đất lúa nhằm giảm thiệt hại do tôm chết. Anh Nguyễn Quốc Nam ở xã Tây Yên A, cho biết năm nay nắng nóng kéo dài khiến vuông tôm sinh nhiều rong, tôm nhỏ còn sống nhưng không mạnh, tôm lớn không đủ nguồn thức ăn, suy kiệt, bệnh rồi chết. Nhiều hộ nuôi tôm trong xóm phải mua ốc cho ăn thêm… “Hiện tôm đang đạt 60-70 con/kg gần như chết hết. 30 công tôm của gia đình tôi giờ thu tỉa cũng chỉ được 10kg tôm sú/đêm, giảm 50% sản lượng so với cùng kỳ năm trước. Năm nay, 10 hộ nuôi tôm, thành công 2-3 hộ là mừng lắm rồi...” - anh Nam nói.

Anh Phạm Chí Thương, ở xã Ðông Thái, cho biết: “Gia đình tôi nuôi 1,4ha tôm sú. Hiện nhiệt độ và độ mặn tăng cao, trong khi mực nước trong ao giảm khoảng 20cm có thể làm tôm sốc nhiệt chết. Tuy mực nước trong vuông giảm nhưng tôi không dám bơm nước trực tiếp từ sông vào do sợ lây nhiễm bệnh, tôm chết nhiều hơn”. Hiện anh Thương còn 2ha tôm nuôi đã hơn 2 tháng, kích cỡ từ 40-50 con/kg, dự kiến hơn 1 tháng nữa sẽ thu hoạch. Do đó anh phải thường xuyên túc trực ngoài vuông tôm theo dõi, kịp thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Hiện người nuôi tôm ở địa phương đang tìm nhiều cách cứu tôm như tạt khoáng, bơm nước lên ao nuôi để đạt độ sâu, cào hến cho tôm ăn thêm, đặt lú tỉa bớt tôm giảm mật độ lấy ô xy cho tôm dễ thở hơn. Ông Nguyễn Linh Bảo, Giám đốc Hợp tác xã Thuận Phát, xã Tây Yên A, cho hay: “Có nhiều nguyên nhân nuôi tôm sú trên nền đất lúa không thành công như độ mặn của nước không đạt, nhưng nguyên nhân chính do nắng nóng kéo dài, nguồn thức ăn tự nhiên trong ruộng nuôi không có, tôm thiếu thức ăn, bị bệnh rồi chết...”.

Theo ông Nguyễn Ðình Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang, hiện toàn tỉnh đã thả nuôi gần 126.000ha tôm nước lợ, sản lượng ước đạt 23.449 tấn. Một số địa phương trên địa bàn tỉnh có diện tích nuôi tôm do nắng nóng kéo dài làm thay đổi môi trường sống đột ngột, ảnh hưởng đến sức đề kháng của tôm nên mầm bệnh dễ tấn công gây ra dịch bệnh. Trong đó có 308ha tôm bị nhiễm bệnh, 137ha tôm bị sốc môi trường nước. Tôm chết do bệnh đốm trắng chiếm gần 94%… “Do đó bà con tuyệt đối không xả thải nước tôm bệnh chưa xử lý theo hướng dẫn của ngành thú y ra môi trường, làm lây lan dịch bệnh. Ðồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn nuôi tôm, hướng dẫn phòng bệnh và sử dụng tôm giống được kiểm dịch. Ngay thời điểm này, người nuôi cần chủ động khai báo dịch bệnh với chính quyền, trạm thú y ở địa phương để được hỗ trợ kịp thời” - ông Xuyên khuyến cáo.

Ông Xuyên cho biết thêm: Ðối với các ao nuôi tôm công nghiệp, để giảm thiệt hại cho tôm cần bố trí thêm dàn quạt nước, sục khí thường xuyên để cung cấp đủ ô xy cho tôm. Ðồng thời kết hợp sử dụng thêm các chế phẩm sinh học giúp ổn định môi trường ao nuôi, bổ sung vào thức ăn cho tôm các khoáng chất, vi sinh đường ruột, vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho tôm. Ngành chuyên môn trong tỉnh đã phối hợp các địa phương tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh trên tôm. Người dân làm mô hình tôm - lúa không nên thả tôm nuôi với mật độ dày trong thời điểm nắng nóng, đặc biệt xử lý mầm bệnh trong ao kỹ trước khi thả mới.

Chia sẻ bài viết