30/05/2008 - 21:33

Đồng bằng sông Cửu Long

Người nuôi cá tra đang "sống dở, chết dở"!

Giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh, người nuôi cá tra ở ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ phá sản. Trong ảnh: Không có vốn, nhiều hộ nuôi cá tra ở phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ chỉ cho cá ăn cầm chừng.

Gần hai tháng qua, giá cá tra ở ĐBSCL liên tục sụt giảm. Nhiều ao cá tra của người dân đến kỳ thu hoạch nhưng không có doanh nghiệp mua, khiến người nuôi cá tra ở ĐBSCL lỗ nặng dẫn đến nguy cơ phá sản. Tình trạng này đã tác động bất lợi đến nhiều khâu khác trong chuỗi sản xuất cá tra như: cung cấp thức ăn, chế biến... Qua gần 13 năm phát triển, nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL chưa bao giờ lâm vào tình trạng “sống dở, chết dở” như hiện nay!

ĐẦU RA THUẬN LỢI, ĐẦU VÀO ÁCH TẮC

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý I-2008, cá tra của Việt Nam được xuất khẩu tới thị trường của hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (tăng so với 49 thị trường trong quý I-2007). EU, Nga, ASEAN và Ucraina là 4 thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, quý I-2008 xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 115,6 ngàn tấn với kim ngạch 265,2 triệu USD, tăng 43,4% về lượng và 28,2% về kim ngạch so với quý I-2007.

Tính toán sơ bộ của VASEP, giá xuất khẩu bình quân cá tra đông lạnh của Việt Nam trong tháng 4-2008 đạt 2,44 USD/kg, giảm 0,52 USD/kg so với cùng kỳ năm trước và tăng nhẹ so với tháng 3-2008. Và với những ưu điểm: thịt thơm, ngon, có hương vị đặc trưng, là thực phẩm thay thế cho các sản phẩm từ gia cầm, cá tuyết, cá rô phi... Đặc biệt, giá rẻ hơn nhiều so với giá các sản phẩm thủy sản xuất khẩu khác, nên sản phẩm cá tra đang rất được thị trường nước ngoài ưa chuộng.

Tuy nhiên, hơn hai tháng qua, thị trường cá tra nguyên liệu trong nước hoàn toàn trái ngược với những gì diễn biến ở thị trường xuất khẩu. Giá cá nguyên liệu liên tục sụt giảm. Đến ngày 30-5, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL loại thịt trắng chỉ còn 14.000 đồng/kg, cá thịt vàng, thịt hồng từ 12.800-13.700 đồng/kg.

Đâu là nguyên nhân chính dẫn đến những nghịch lý này? Ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ, phân tích: “Gần như có một tiền lệ là sau mỗi lần hội chợ thủy sản quốc tế, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam không có được tiếng nói chung, mạnh ai nấy chào giá. Điều đáng nói là đến nay chưa có một cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm và chưa có một đơn vị nào bị xử lý về hành vi phá giá”. Điều này, vừa làm sụt giảm uy tín chất lượng sản phẩm cá tra trên thị trường quốc tế, vừa gây thiệt hại lớn đến lợi ích kinh tế mà người nuôi cá phải gánh chịu.

Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến giá cá tra ở ĐBSCL biến động lớn chính là do sự khủng hoảng chung của thị trường tài chính. Nhiều ngân hàng siết chặt các khoản vay khiến doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản không có nguồn vốn thu mua cá trong dân. Đây lại là “lý do chính đáng” để các doanh nghiệp giảm giá, thậm chí từ chối mua cá khiến thị trường cá tra nguyên liệu càng thêm rối ren, phức tạp.

NGUY CƠ PHÁ SẢN ĐANG “RÌNH RẬP”

Hơn tuần qua, gia đình bà Lê Thị Đào, ở ấp Thới Bình B, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ như ngồi trên đống lửa. Bởi 6 hầm cá tra trên 620 tấn của gia đình bà đã đến thời kỳ thu hoạch, nhưng chưa có người mua dù đã gõ cửa nhiều doanh nghiệp ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ... Mỗi lần nhắc đến, bà Đào nói như mếu: “Tôi và các con tôi đã đầu tư gần cả chục tỉ đồng rồi. Bây giờ, giá cá chỉ còn 13.200 đồng/kg, mặc dù gia đình tôi nuôi bằng thức ăn tự chế, nhưng với giá bán này, tính ra đã lỗ khoảng 1.800 đồng/kg. Nếu có doanh nghiệp mua giá nào gia đình tôi cũng chấp nhận bán, chứ hết cầm cự nổi rồi”.

Ba năm gắn bó với nghề nuôi cá tra, từ 1 hầm đầu tiên, gia đình bà Đào đã phát triển được 6 hầm. Nhưng đằng sau sự phát triển này, tất cả “bằng khoán đỏ” của gia đình đều nằm trong ngân hàng cả. Hơn 2 tháng trước, bà Đào có làm đơn để gia tăng hạn mức vay thêm 1 tỉ đồng nhưng không được ngân hàng chấp nhận. Cùng thời điểm này, tất cả các đại lý bán cám, thuốc thú y thủy sản, đại lý xăng dầu... đều cắt các khoản tiền “gối đầu”. Ngay cả các chủ cho vay “bạc nóng” cũng không dám đầu tư cho người nuôi cá. Bao nhiêu tiền, vàng... dành dụm, gia đình bà Đào tiếp tục đầu tư hết vào việc nuôi con cá tra. Tiền thì hết, cá thì không bán được, bà Đào phải vay vàng trong họ hàng. “Gần 60 tuổi đời, chưa bao giờ tôi cảm thấy túng quẫn như hiện nay. Tiền nợ ngân hàng đã lên tới 1,5 tỉ đồng. Vừa rồi lại cố đất cho người ta giá 300 triệu đồng; mượn vàng trị giá cũng trên 300 triệu đồng; tiền vay “bạc nóng” ngày trước cũng cả trăm triệu đồng... Cuộc sống của gia đình tôi và hơn 30 lao động phụ, mai này không biết ra sao?”- bà Đào chua xót!

Đây là năm đầu tiên ông Lê Văn Mau, ở khu vực Thới Thạnh, phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ quyết định chuyển trên 4.000m2 đất trồng nhãn sang nuôi cá tra. Ông cho biết: “Tôi nợ ngân hàng gần 3 tỉ đồng rồi. Cá dưới hầm của tôi đã được khoảng 600 gam một con. Bình thường cho ăn khoảng 1 tấn thức ăn/ngày, giờ chỉ còn 750kg thôi nhưng giá thức ăn, thuốc thú y thủy sản... lại vừa mới tăng. Ngân hàng thì không cho vay, không biết tiền đâu mà xoay trở”. Tương tự như ông Mau, tại phường Thới An, quận Ô Môn, hơn hai tuần nay, nhiều hầm cá tra đã bị chủ nuôi bỏ đói, hoặc cho ăn cầm chừng. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Nuôi cá tra Thới An, cho biết: “Hiện tại, do phải trả tiền mặt khi mua thức ăn, trong khi đó nguồn vốn vay không có, 8/10 ao nuôi cá tra của HTX hơn tuần nay đã bị bỏ đói. Tình trạng này kéo dài, không chỉ riêng HTX mà nhiều hộ nuôi khác sẽ không có vốn tiếp tục đầu tư, không thể tái sản xuất”.

Theo Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ, với giá bán hiện nay, người nuôi cá tra ở ĐBSCL đã bị lỗ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Nếu tình trạng ách tắc về nguồn vốn, về đầu ra cho cá nguyên liệu kéo dài, có ít nhất 60% người nuôi cá tra bị thua lỗ dẫn đến nguy cơ phá sản...

Theo VASEP, nghề nuôi và chế biến xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL có ít nhất 13 năm phát triển và đã khẳng định được vị trí trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch thường trực VASEP, cho biết: “Nghề nuôi cá tra đi lên bằng chính sức của nông dân. Bởi Việt Nam chưa có hoạt động chuyên nghiệp tiếp thị cho con cá tra. Nhà nước đầu tư chưa đáng kể vào ngành cá tra... Sự phát triển con cá tra trong thời gian qua chỉ mang tính tự phát. Người nuôi tự đào ao nuôi cá, doanh nghiệp tự xây dựng nhà máy chế biến xuất khẩu không theo một quy hoạch hay sự quản lý nào về chuyên môn”. Và hậu quả tất yếu là: cạnh tranh không lành mạnh ở thị trường nước ngoài dẫn đến rối ren thị trường cá tra nguyên liệu ở trong nước mà người nuôi cá phải lãnh đủ!

Ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ, phân tích: “Phần lớn người nuôi cá tra đều phải vay ngân hàng mới đủ vốn đầu tư. Nếu người nuôi gặp sự cố, không có khả năng trả nợ, chắc chắn sẽ xảy ra tranh chấp, kiện tụng, ảnh hưởng đến an sinh xã hội của một bộ phận không nhỏ người dân ở vùng ĐBSCL”.

Theo VASEP, chuỗi sản xuất cá tra ở ĐBSCL được xác định gồm tác nhân sau: nhà máy chế biến xuất khẩu, trại nuôi, cơ sở dịch vụ (thức ăn, con giống, thuốc...), ngân hàng, công ty bảo hiểm, tổ chức chứng nhận... Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP, cho rằng: “Nếu một trong các tác nhân trong chuỗi sản xuất bị tác động ảnh hưởng đến khả năng phát triển bền vững, chắc chắn sự phát triển các tác nhân khác sẽ bị lung lay”. Chính vì thế, trong thời điểm hiện nay, nguy cơ phá sản của người nuôi cũng đồng nghĩa với nguy cơ phá sản của nhà máy chế biến, cửa hàng đại lý thức ăn, ngân hàng... Điều này cũng đồng nghĩa với nguy cơ phá sản nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL và cả nước.

“PHAO” CHO NGHỀ NUÔI CÁ TRA

Làm gì để cứu nguy cho nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL, nhất là trong thời điểm hiện nay? Ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ, kiến nghị: “Nhà nước cần có chính sách điều hành đảm bảo hoạt động tín dụng trở lại bình thường để cứu nguy cho các doanh nghiệp chế biến, cứu nguy cho người nuôi cá; có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp xuất khẩu được vay ngoại tệ. Đối với những hộ nuôi cá bị thua lỗ, ngân hàng nên chấp nhận khoanh nợ và cho vay tiếp để người nuôi có thể tái sản xuất và đảm bảo cho vay tối thiểu như mọi năm. Bộ NN&PTNT, các hiệp hội nghề cá... nên rút kinh nghiệm từ mô hình điều hành xuất khẩu gạo để hình thành, tổ chức mô hình xuất khẩu thủy sản”.

Về lâu dài, ông Nguyễn Minh Toại, Phó Chủ tịch UBND huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho rằng: Chính phủ cần quản lý đầu ra (xuất khẩu) để bình ổn thị trường xuất khẩu cá tra. Điều này được thể hiện ở việc không cho doanh nghiệp tự chào hàng hạ giá bán làm giảm giá trị con cá tra. Đồng thời, quy định mức giá giữa chăn nuôi, chế biến... có biên độ dao động phù hợp để thực hiện.

Vấn đề cấp bách hiện nay, các tác nhân trong chuỗi cung ứng sản xuất cá tra cần nhanh chóng liên kết, để có “tiếng nói chung” từ đó có kế hoạch đầu tư, phát triển nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL và cả nước. Bên cạnh đó, các ngành hữu quan cần sớm xây dựng, công bố các tiêu chuẩn cấp chứng nhận nuôi cá tra bền vững, song song với việc đầu tư xây dựng quảng bá thương hiệu, nâng giá trị sản phẩm cá tra ở ĐBSCL trên thị trường quốc tế.

Bài, ảnh: ĐÔNG TRIỀU

Chia sẻ bài viết