30/04/2011 - 20:37

Người kể sử làng

Học sinh say mê nghe ông Sáu Kỉnh
kể chuyện sử làng.

Người cựu chiến binh ấy được bà con vùng Dì Quán (gồm hai xã Ninh Quới và Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) gọi là “Pho sử sống của làng”. Người ta cũng hay “ghẹo” ông: Già mà còn “gân”, không nghỉ ngơi vui vầy bên con cháu. Đáp lại, ông Quách Kỉnh (Sáu Kỉnh), năm nay đã 83 tuổi, chỉ nhoẻn cười và tiếp tục dong ruổi đến các trường học kể chuyện sử cho học trò...

Trường THCS Ninh Quới một sáng mùa gặt. Ở một phòng học đã úa màu vôi, một ông lão mái tóc bạc, vận bộ đồ bà ba trắng, trên ngực là huy hiệu Cựu chiến binh và những tấm huân, huy chương, say sưa kể cho học sinh về trận đánh ác liệt ở Lá Viết Vàm vào năm 1973, do chính ông, lúc bấy giờ là Bí thư Đảng ủy xã Ninh Quới, chỉ huy thắng lợi. Ông kể say sưa, giọng hào sảng, lũ trẻ ngồi nghe mê mẩn. Đó là một buổi kể chuyện thường khi của ông Sáu Kỉnh. Tình yêu với quê hương, lòng cảm phục trước những người đã ngã xuống, sự tàn khốc của chiến tranh được ông Sáu truyền trực tiếp đến các học trò đầy cảm xúc.

Chuyện ông kể được những cô cậu học trò nhỏ say mê đến lạ. Câu chuyện sao gần gũi, thân quen tựa như dòng kinh, con rạch, cánh đồng quê mình; những nhân vật không ai xa lạ mà chính là ông bà, tổ tiên của chúng. Ông Sáu thường kết thúc câu chuyện: “Ông cha các con đã hy sinh để các cháu được cắp sách đến trường trên con lộ bon bon... Bởi vậy, các cháu phải ra sức học hành, sống tốt, xứng với quê hương”.

Kết thúc buổi nói chuyện, thầy Nguyễn Văn Dụ, Hiệu Phó Trường THCS Ninh Quới, tiễn ông Sáu: “May nhờ có bác Sáu, học trò của tụi con được một buổi học sử ý nghĩa”. Hàng chục em học sinh cũng quây quần bên ông Sáu tiễn ông về. Ông Sáu xoa đầu từng đứa, nắm chặt tay từng em quyến luyến...

* * *

Vào dịp kỷ niệm 30 - 4 năm 2007, ông Sáu Kỉnh được xã mời đi nói chuyện truyền thống ở tại Di tích Khu căn cứ Huyện ủy giai đoạn 1972-1975 trên địa bàn xã. Cách kể chân phương đầy tình cảm của người trong cuộc khiến bà con ngồi dõi theo từng lời. Có người đàn bà nghe ông Sáu kể xong, khóc: “Mèn ơi! Đó giờ tui chỉ biết chú Út tui là liệt sĩ chứ đâu ngờ chú anh dũng, gan dạ dữ vậy!”. Cái “nghiệp” kể chuyện sử của ông bắt đầu từ đó. Càng kể, ông càng thấy thiếu, bà con càng muốn nghe, muốn biết. Vậy là cuộc hành trình ấy cứ dài mãi về những câu chuyện cũ. Vào các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của địa phương hay ngày giỗ của các liệt sĩ, chính quyền và các trường học đều mời ông đến kể. Chính quyền hay nhà trường có nhã ý gửi ông Sáu tiền trà nước sau mỗi buổi nói chuyện, ông đều gạt phắt: “Mấy cô chú đừng làm vậy, dành tiền đó mà lo cho sắp nhỏ. Chuyện kể sử này là trách nhiệm và nghĩa vụ của những cựu chiến binh chúng tôi”. Bởi một trong những việc ông Sáu đã thề với đồng đội đã khuất của mình là nếu còn sống ông sẽ kể lại cho con cháu nghe chuyện xưa.

Lật giở từng trang trong xấp giấy được giữ gìn cẩn thận, ông Sáu khoe với chúng tôi: “Tôi cùng đồng đội Năm Lùn vừa thảo xong bản thảo cuốn “Lịch sử kháng chiến Ninh Quới”, gồm cả xã Ninh Quới và Ninh Quới A ngày nay”. Cuốn sách thuật lại khá đầy đủ, công phu và sinh động các sự kiện xảy ra trên mảnh đất Dì Quán trong cả hai cuộc chiến với những câu từ chân phương nhưng rất nhiều xúc cảm. Đến giờ, khi kể lại chuyện xưa, ông vẫn khóc, khóc cho đồng đội đã nằm xuống: thằng Út Tiễn Xã đội trưởng dễ thương lắm, thằng Bảy Bảnh du kích gan lì vô cùng, anh Sáu xã đội mẫu mực tựa như cha chú... giờ xương thịt chắc đã thành đất. Nhưng tên tuổi của họ vẫn còn “sống” qua những câu chuyện kể của ông Sáu.

* * *

Bữa cơm chiều với ông Sáu trên bộ ngựa trước hàng ba. Ngôi nhà cây lá cũ kỹ, đơn sơ mà ngăn nắp, gọn gàng như nếp sống của chủ nhân. Ông Sáu cười khà: “Sắp nhỏ đi học về rồi đó. Thấy tụi nhỏ không còn phải cực khổ lội bộ, bơi xuồng mà đi học nữa tôi mừng lắm! Mảnh đất vàng phải ươm hạt mầm đỏ!”.

Ở vùng Dì Quán này, ông Sáu có biệt danh “Ông Sáu xây cầu” vì có đến hàng chục cây cầu do ông vận động xây nên. Khoảng chục năm trước, vùng đất Dì Quán còn khó khăn, bắc qua kinh rạch chỉ là những cây cầu khỉ. Mùa nước nổi, đường làng bị ngập, trẻ em phải đến trường bằng những chiếc xuồng ba lá rất nguy hiểm. Thấy vậy, ông Sáu tính đến chuyện làm cầu. Ban đầu, chỉ bắc cầu bằng gỗ, lợp ván. Anh Lê Thanh Tá, Chủ tịch UBND xã Ninh Quới, kể: “Mùa nước, lục bình đặc kín kinh rạch. Ông Sáu ngồi trước mũi vừa bơi, vừa khom lưng đẩy lục bình cho xuồng qua, đi hết nhà này đến nhà khác xin cây, xin ván bắc cầu”. Bơi tới đâu, ông Sáu lại sang sảng: “Anh Bảy ơi! Có cây trộng trộng không, cho vài cây để tui bắc cầu cái nghe!”... Chỉ hơn 1 tháng, ông Sáu đã dựng được mấy cây cầu bắc ngang kinh Thủy Lợi, kinh Dì Quán, kinh Đình... Khoảng 5 năm nay, kinh tế khá giả hơn, ông Sáu lại vận động bà con làm cầu bê tông. Trong mỗi chiếc cầu, ông Sáu đều “mở hàng” bằng 1 tháng lương hưu của ông. Thấy sự nhiệt tình, hết lòng của ông Sáu nên bà con đâu ai nỡ chối từ. Giờ, cầu Đình, cầu Rạch Bà Chủ Ý, cầu Lộ Nhựa... trên địa bàn xã, xe cộ qua lại bon bon, làm sáng hẳn vùng quê. Dẫn chúng tôi đến cầu Dì Quán, ông Sáu nói: “Cây cầu này là tôi “liều” nhất đó. Cầu dài gần 40m, rộng 1,2m nhưng toàn là “thợ vườn” thi công nên cũng ngại. Nhưng rồi tôi cùng một số anh em trong tổ xây dựng bàn tính kỹ lưỡng, tìm tài liệu đọc thêm với quyết tâm xây cho bằng được với tiêu chí phải an toàn”.

83 tuổi đời, 49 tuổi Đảng, ông Sáu Kỉnh hiện là một trong những thành viên trong ban cố vấn của Đảng ủy và UBND xã Ninh Quới. “Ông cố vấn” luôn truyền cho thế hệ sau bằng “gan ruột”: Làm gì cũng phải nghĩ đến dân và quê hương, xứ sở...

* * *

Ai đó từng nói: “Cuộc đời mỗi người tuy dài mà ngắn, dài vì có khi gần cả trăm năm nhưng để làm việc có ích thì ngắn lắm, ngắn như trở bàn tay”. Bởi thế, có ai hỏi ông Sáu, giờ ở tuổi của ông, ông sợ điều gì nhất, ông không chút do dự mà đáp: “Sợ chết! Những câu chuyện sử làng của tôi còn dang dở, nên tôi tranh thủ từng giây phút để hoàn thành”. Mải mê kể chuyện người, ông Sáu ít khi cho ai biết ông tham gia cách mạng khi còn rất trẻ. Tròn 20 tuổi, ông đã là Ấp đội trưởng. Sau đó, ông làm: Xã đội trưởng rồi Bí thư Đảng ủy xã, Trưởng ban Kinh tế - Tài chính huyện Hồng Dân. Nhiều năm liền ông là Huyện ủy viên, Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hồng Dân... Năm 1985, ông về hưu. Ông Sáu Kỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, giai đoạn 2006-2010. UBND tỉnh Bạc Liêu tặng Bằng khen trong phong trào Thi đua yêu nước, giai đoạn 2006-2010, Bằng khen vì thành tích Dân vận khéo với mô hình vận động xây cầu nông thôn, cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết