24/05/2023 - 21:34

Người Đức chữa cô đơn bằng nhà cho nhiều thế hệ 

MAI QUYÊN

Các dự án nhà ở mà già trẻ lớn bé sống chung với nhau đang được biết tới hơn ở Ðức bởi nhiều người tin tưởng sự đa dạng về độ tuổi giúp họ cải thiện cuộc sống, đặc biệt khi dân số già đi.

Bà Apel (bên trái) và các cư dân. Ảnh: DW

Ở thủ đô Berlin, có một khu nhà ở mới, hiện đại và rộng rãi với 351 căn hộ. Mỗi cư dân nơi đây đều có cuộc sống độc lập, nhưng trong tòa nhà có một khu vực sinh hoạt chung do 11 chủ hộ đồng tài trợ do không thích sống một mình trong thành phố lạ. Phòng với vị trí sáng sủa, được lắp đặt tivi và bếp nhỏ trở thành nơi các thành viên độ tuổi từ 13 đến 90 tuổi gặp nhau vào mỗi bữa sáng lúc 9 giờ.

Chia sẻ về thời gian sống ở đây, cư dân Heidemarie Mehlau, 80 tuổi cho biết rất thích nơi này vì luôn có người để trò chuyện. “Chúng tôi sống cùng nhau, bất chấp mọi khác biệt. Và đó là một điều tốt đẹp khi có một cộng đồng luôn ở bên hỗ trợ, đặc biệt những lúc bạn cần giúp đỡ hoặc bị ốm” - bà Mehlau cho biết. Sinh hoạt chung, bà Waltraud thậm chí coi việc được sống ở đây là may mắn như trúng số. Trước đây, cụ bà 71 tuổi thích cuộc sống yên tĩnh tại một ngôi làng ở nông thôn. Sau thời gian dài, bà muốn thay đổi và đã chọn dự án nhà ở trong thành phố nhưng mô hình giống như sống ở miền quê này. “Chúng tôi có thể giúp đỡ và chăm sóc lẫn nhau, trao đổi ý kiến về cuộc sống hàng ngày” - bà Waltraud mô tả.

Theo trang tin Deutsche Welle, bà Cornelia Apel là người khởi xướng mô hình nhà ở đa thế hệ nói trên. Ðược biết, người phụ nữ 65 tuổi này đã ấp ủ dự án từ hơn 10 năm trước nhưng việc tìm kiếm nhà phát triển sẵn sàng hỗ trợ là rất khó khăn. Bởi ở một nước châu Âu như Ðức, xây dựng khu nhà ở dành cho nhiều thế hệ vẫn là ngoại lệ. Cho đến đầu năm 2014, bà Apel đạt được thỏa thuận hợp tác với công ty nhà ở Berlin “Gesobau” và các thành viên trong nhóm sinh hoạt chung hiện nay là những người đã chuyển đến khu phức hợp đầu tiên vào đầu năm 2019.

Mô hình cho các xã hội già hóa nhanh chóng?

Về cơ bản, các cư dân vẫn có cuộc sống độc lập, chỉ là họ có nhiều hơn cơ hội tiếp xúc với các đối tượng độ tuổi khác nhau trong cộng đồng. Ngoài những lợi ích đã nêu, sự đa dạng về kinh nghiệm sống, giáo dục, sở thích và nghề nghiệp giữa các cư dân cũng tạo thêm cảm hứng và động lực cho mọi người. Một ưu điểm khác là các bậc cha mẹ đang đi làm có thể giảm bớt gánh nặng chăm sóc con cái. Ðến khi già, họ có thể tiết kiệm được nhiều chi phí hơn so với việc được đưa vào những cơ sở điều dưỡng.

Ingrid Meyer-Riegel, 86 tuổi, là người đã tham gia nhóm sinh hoạt chung ngay từ đầu. Bà cụ cho biết bản thân không còn “sợ ở một mình” và coi các dự án chung sống nhiều thế hệ là tiến bộ lớn bởi vì có quá nhiều người già cô đơn trong một xã hội ngày càng lão hóa và nhiều người độc thân như hiện nay. Còn với Joachim Wirtz, thành viên khác của nhóm sinh hoạt chung, việc trở thành một phần của dự án nhà ở nhiều thế hệ là một “tấm vé may mắn”. Sau khi dành cả đời sống trong những căn hộ chung cư, người đàn ông 74 tuổi này cho biết các cuộc trao đổi với thành viên trẻ hơn trong nhóm sinh hoạt chung hiện nay giúp tiếp thêm sinh lực ở tuổi già. Họ có thể trao đổi, thậm chí tranh luận về những vấn đề đang được quan tâm, chẳng hạn như bảo vệ khí hậu. “Không ai có thể khiến tôi rời đi” - Wirtz nói và cho biết không thể tưởng tượng được một cuộc sống không có cộng đồng đa dạng mà ông là một phần trong đó.

Trong những năm gần đây, xu hướng già hóa dân số ngày càng lan rộng trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước công nghiệp phát triển. Tại Đức, cơ quan thống kê Eurostat cho biết tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm 21,8% trong tổng dân số 83 triệu người. Ý là quốc gia có tỷ lệ này cao nhất Liên minh châu Âu (23,3%). Một trong những nước đang dẫn đầu thế giới hiện nay là Nhật Bản với tỷ lệ người trên 65 tuổi đã cán mốc 29,1%. Theo nhiều nghiên cứu, cảm giác cô đơn tăng dần theo tuổi tác. Cụ thể, khảo sát do Viện Nghiên cứu Forsa thực hiện vào năm 2021 đã đưa ra kết luận rằng cứ 5 người trên 75 tuổi thì có 1 người cảm thấy cô đơn trong khi nguy cơ bị xã hội cô lập phổ biến ở người trên 80 tuổi.

Chia sẻ bài viết