Gert-Jan Oskam (người Hà Lan) bị gãy cổ trong một vụ tai nạn giao thông năm 2011, dẫn tới bị liệt. Nhưng nay, anh đã có thể leo cầu thang và đi bộ hơn 100 mét sau khi được các bác sĩ cấy ghép thiết bị kết nối não và tủy sống, cho phép anh điều khiển đôi chân bằng suy nghĩ.
“Cây cầu kỹ thuật số” là sản phẩm mới nhất của các nhà thần kinh học ở Thụy Sĩ, những người từ lâu đã tìm cách phát triển giao diện não-máy để khắc phục tình trạng bại liệt. Mục tiêu của họ là sử dụng các tín hiệu không dây để tái kết nối não với các cơ bị vô dụng khi các dây thần kinh tủy sống bị đứt. “Lần đầu tiên sau 10 năm, tôi có thể đứng dậy và uống bia với bạn bè. Điều đó thật tuyệt vời. Tôi muốn sử dụng nó trong cuộc sống hàng ngày” - Oskam (40 tuổi) phấn khởi cho biết.
Trước đó, Giáo sư Jocelyne Bloch - bác sĩ giải phẫu thần kinh tại bệnh viện Đại học Lausanne - đã cấy các điện cực vào não của Oskam để phát hiện hoạt động thần kinh khi anh ta nghĩ đến việc cử động chân. Các tín hiệu này được xử lý bằng một thuật toán trên máy tính và biến chúng thành các xung điện, sau đó gửi đến các điện cực khác cấy trong cột sống của Oskam và kích hoạt các cơ để tạo ra chuyển động theo ý muốn. “Những gì chúng tôi có thể làm là thiết lập lại giao tiếp giữa não và vùng tủy sống kiểm soát chuyển động của chân, nắm bắt suy nghĩ của bệnh nhân và biến chúng thành cử động chân tự nguyện” - Giáo sư Grégoire Courtine tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ở Lausanne cho biết thêm.
Thiết bị mới tuy chưa tạo ra những bước sải nhanh và mượt mà, nhưng Oskam cho biết nó giúp anh di chuyển khá tự nhiên. Thiết bị này cũng giúp tăng cường phục hồi chức năng. Sau hơn 40 buổi huấn luyện, Oskam đã phục hồi được phần nào khả năng kiểm soát đôi chân của mình, ngay cả khi thiết bị tắt. Giáo sư Courtine tin rằng việc tái kết nối não bộ và cột sống sẽ giúp tái tạo các dây thần kinh cột sống, khôi phục phần nào tình trạng mất kiểm soát của bệnh nhân.
Nhà thần kinh học Anna Leonard tại Đại học Adelaide (Úc) nhận xét thiết bị là “một bước đột phá” trong việc cải thiện chức năng cho những người bị chấn thương tủy sống. Trước những lo ngại về nguy cơ nhiễm trùng, Giáo sư Bloch nói rằng rủi ro này rất nhỏ so với lợi ích to lớn mà nó mang lại, nên đáng để mạo hiểm.
T. TRÚC (Theo Nature, Guardian)