23/09/2017 - 10:34

Người dân gặp khó khi không có văn phòng công chứng 

UBND TP Cần Thơ đã có quy định về việc chuyển giao thẩm quyền công chứng các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản cho các tổ chức hành nghề công chứng. Theo đó, các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản trên địa bàn thị trấn Cờ Đỏ (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) sẽ thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng. Khi TP Cần Thơ thực hiện việc chuyển đổi Văn phòng công chứng (VPCC) theo quy định Luật Công chứng năm 2014, VPCC Cờ Đỏ không đủ điều kiện hoạt động và đã ngừng hoạt động. Từ đó, người dân ở thị trấn Cờ Đỏ gặp khó khăn khi thực hiện công chứng các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản.

Giá trị pháp lý của hợp đồng công chứng

Bộ luật Dân sự năm 2015 và các luật chuyên ngành như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, đều có quy định một số hợp đồng về bất động sản bắt buộc phải công chứng. Các giao dịch về bất động sản được công chứng sẽ đảm bảo về hình thức theo quy định, tạo điều kiện để các giao dịch đó tiếp tục được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các bước tiếp theo.

Người dân làm thủ tục công chứng tại VPCC Đông Nam. Ảnh: CHẤN HƯNG

Luật Công chứng năm 2014 có quy định hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác. Theo Công chứng viên Nguyễn Văn Bê, VPCC Đông Nam (ở huyện Thới Lai), việc công chứng các giao dịch về bất động sản mang lại lợi ích cho các bên không chỉ về pháp lý mà còn về kinh tế, thương mại; hạn chế được ảnh hưởng, thậm chí là phá sản do những rủi ro tiềm ẩn từ các hợp đồng, giao dịch dân sự, thương mại không được công chứng. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ, những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu. Các hoạt động giao dịch được kiểm soát, hạn chế thất thu về thuế cho Nhà nước, các tranh chấp, khiếu kiện ít xảy ra hơn, giảm gánh nặng cho Tòa án và giúp thị trường bất động sản ổn định hơn rất nhiều.

Thủ tục, trình tự, chi phí công chứng được niêm yết công khai tại các văn phòng, tổ chức hành nghề công chứng. Theo Luật Đất đai năm 2013, Luật Công chứng năm 2014, các hợp đồng, giao dịch liên quan đến việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất do các tổ chức hành nghề công chứng có trụ sở trên địa bàn cấp tỉnh nơi có đất công chứng hoặc UBND cấp xã nơi có đất chứng thực. Đối với các địa phương đã thực hiện chuyển giao việc chứng thực thì các hợp đồng, giao dịch liên quan đến việc thực hiện quyền của người sử dụng đất được công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng.

Gặp khó khi không có VPCC

Ở huyện Cờ Đỏ, VPCC Cờ Đỏ được thành lập, đi vào hoạt động từ năm 2013, do Công chứng viên Nguyễn Thanh Tùng làm Trưởng Văn phòng. Sau đó, UBND TP Cần Thơ đã có quyết định quy định về chuyển giao thẩm quyền công chứng hợp đồng, các giao dịch liên quan đến bất động sản trên địa bàn thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ cho các tổ chức hành nghề công chứng.

Theo quy định của Luật Công chứng năm 2014, VPCC được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh, phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn. Trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày Luật Công chứng năm 2014 có hiệu lực thi hành, thì VPCC do một Công chứng viên thành lập theo quy định của Luật Công chứng năm 2006 phải chuyển đổi thành VPCC được tổ chức và hoạt động theo quy định. “VPCC do một Công chứng viên thành lập không thực hiện xong việc chuyển đổi trong thời hạn này thì UBND cấp tỉnh thu hồi quyết định cho phép thành lập, Sở Tư pháp thu hồi giấy đăng ký hoạt động công chứng...” (khoản 1, Điều 79 Luật Công chứng năm 2014).

Đối chiếu quy định trên, VPCC Cờ Đỏ không đáp ứng các điều kiện, nên đã ngừng hoạt động từ tháng 6-2017. Từ đó đến nay, các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản của người dân ở thị trấn Cờ Đỏ gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Thành Tơ, ở thị trấn Cờ Đỏ, cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn thị trấn Cờ Đỏ không có VPCC hoạt động. Vì thế, các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản, người dân phải đến VPCC ở huyện Thới Lai hoặc huyện Vĩnh Thạnh để công chứng. Từ đó, gây phiền hà, cũng như tốn kém thời gian, chi phí đi lại của bà con”.

Ông Lương Phát Đạt, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Cờ Đỏ, kiến nghị: “Chính quyền và ngành chức năng huyện, thành phố cần quan tâm, sớm có giải pháp khắc phục tình trạng này, tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện việc công chứng các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản”.

CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết