04/05/2020 - 06:40

Người cựu chiến binh có duyên với nghề mộc 

Từng trải môi trường huấn luyện trong quân đội, rồi học Đại học Quản trị kinh doanh, có thời gian làm việc ở Công ty Dược-Vật tư y tế tỉnh Minh Hải (cũ), nhưng đến nay, nhiều người biết đến anh qua nghề xẻ gỗ, từng nhận được danh hiệu hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi do Hội Cựu chiến binh Việt Nam trao tặng. Đó là ông Nguyễn Văn Chiến, chủ xưởng gỗ Nguyễn Chiến, hội viên Hội Cựu chiến binh phường Ba Láng, quận Cái Răng.

Ông Chiến điều khiển máy xẻ gỗ.

Một ngày cuối tháng 4, chúng tôi có dịp ghé thăm cơ ngơi của ông Chiến ở phường Ba Láng, quận Cái Răng. Ấn tượng đầu tiên làm chúng tôi phải trầm trồ là mặt trong ngôi nhà, kể cả cầu thang, sàn nhà đều được ốp gỗ gần như hoàn toàn, đem lại cảm giác mát lạnh giữa cái nắng trưa oi bức. Càng bất ngờ hơn khi chúng tôi biết rằng toàn bộ công trình ốp gỗ này đều do ông tự làm trong khoảng nửa năm. Anh Chiến còn cho biết, công trình này vẫn đang dang dở và anh tiếp tục hoàn thiện thêm từng ngày.

Sinh năm 1967, trong gia đình trí thức ở tỉnh Cà Mau, từ nhỏ, ông Chiến đã được cha mẹ dẫn đến Cần Thơ lập nghiệp. Năm 1987, ông trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, lên đường tòng quân ở Sư đoàn huấn luyện 868, rồi chuyển về Trung đoàn Thông tin E29 và được kết nạp Đảng trước khi xuất ngũ vào năm 1990. Ông Chiến chia sẻ: “Chính thời gian trải nghiệm 3 năm ở môi trường quân đội đã giúp tôi tu dưỡng, rèn luyện được sức chiến đấu bền bỉ, tính nghiêm túc, kỷ luật nhưng chí tình chí nghĩa trong cuộc sống, tận tụy trong công việc. Có thể nói, đó là những hành trang quý giá giúp tôi vượt qua khó khăn trong việc phát triển nghề nghiệp và kinh doanh sau này”.

Năm 1996, sau khi nghỉ việc ở Công ty Dược-Vật tư y tế tỉnh Minh Hải (cũ), ông Chiến về Cần Thơ sinh sống ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều. Khi đó, mẹ anh là cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ phường, còn ba là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Lúc này, ông hỗ trợ một người bạn gần nhà kinh doanh cừ tràm, được một thời gian, ông gợi ý với bạn mua gỗ về cho ông bán. Kinh doanh quen, ông tự mở cơ sở kinh doanh riêng, rồi phát triển thêm xưởng mộc, nhận đóng đồ nội thất cho bà con trong xóm. Dần dà, ông tự tìm đầu mối mua gỗ cả trong và ngoài nước, mở xưởng cưa, tự xẻ gỗ thành phẩm bán cho các cửa hàng chuyên kinh doanh lĩnh vực vật tư xây dựng và đóng ghe, tàu. Hợp nghề, việc kinh doanh thuận lợi, hơn 10 năm sau ông đã sở hữu cơ ngơi với khối tài sản trị giá nhiều tỉ đồng, nhân công có lúc lên đến trên 60 người. Những tưởng việc kinh doanh xưởng gỗ đi vào quỹ đạo, mọi thứ nằm trong kiểm soát, bất ngờ, năm 2010, xưởng mộc với diện tích gần 1.000m2 của anh phát hỏa, toàn bộ số hàng hóa đang làm cho khách và 200m3 gỗ bị thiêu rụi, gây thiệt hại ước tính 7 tỉ đồng, chưa kể tiền bồi thường cho các hộ xung quanh bị ảnh hưởng do vụ cháy. Anh Chiến chia sẻ: “Tôi nhớ rất kỹ, đám cháy được phát hiện vào khoảng 2 giờ sáng ngày 8-5-2010, với ngọn lửa lớn, bốc cao đến nóc nhà nên chúng tôi không thể tự dập tắt được. Nhờ lực lượng cứu hỏa với 5 xe chữa cháy tích cực dập lửa nhưng đến khoảng 6 giờ 30 sáng ngọn lửa mới cơ bản được khống chế. May mắn vụ việc không gây thương vong về người, nhưng thiệt hại kinh tế của xưởng rất nghiêm trọng, khiến tôi gặp khó khăn trong một thời gian nhưng đó cũng là bài học nhắc nhở tôi cẩn trọng hơn nữa trong quản lý công nhân và công việc”. Sau sự cố, anh Chiến vẫn quyết tâm bám nghề mộc, làm lại từ đầu.

6 năm trước, ông Chiến dời hết cơ ngơi từ quận Ninh Kiều về phường Ba Láng, quận Cái Răng. Thấy đầu ra của gỗ xây dựng không còn nhiều, kể cả nội thất gỗ cũng thu hẹp đối tượng khách hàng, anh Chiến mở thêm xưởng ghe, nhận sơn, sửa ghe, xuồng cho bà con. Tuy nhiên, việc kinh doanh cũng không còn nhộn nhịp như trước. Cả xưởng cưa, xưởng mộc và xưởng gỗ của ông giờ chỉ còn khoảng 15 nhân công. Trong đó, chỉ 10 người làm xuyên suốt, 5 người còn lại làm thời vụ. Thấy vậy, anh Chiến linh hoạt làm thêm gian nhà nuôi yến ngay trong khuôn viên nhà riêng. Mấy tháng nay, anh Chiến cũng thúc đẩy kế hoạch làm thêm bãi kinh doanh vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, nghề mộc vẫn được anh ưu ái nuôi dưỡng và phát triển. Anh cho biết, xưởng mộc hướng đến đối tượng khách hàng là hộ gia đình với nhiều loại sản phẩm: cầu thang, cửa, kệ bếp, bàn, ghế, các loại tủ, giường gỗ,… Khách hàng đến đặt lẻ 1-2 món xưởng vẫn nhận và cố gắng làm hài lòng khách hàng.

Anh Nguyễn Chương Vương, nhà ở Ô Môn đã gắn bó, làm việc cho xưởng mộc và xưởng ghe của ông Chiến trên 14 năm. Anh Vương cho biết: “Tôi đến làm việc ở xưởng nhiều năm, được anh Chiến hướng dẫn thêm nhiều kỹ thuật trong nghề. Trung bình hằng tháng tôi nhận tiền công từ 8-9 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn có thêm tiền cơm hằng ngày và được thưởng khi xưởng có doanh thu tốt hay khách hàng phản hồi tích cực với chất lượng sản phẩm và thái độ phục vụ của chúng tôi. Chưa kể những lúc gia đình gặp khó khăn đột xuất, chúng tôi xin ứng lương vài tháng, anh Chiến cũng sẵn sàng cho mượn, không tính toán chi li. Vì vậy, rất nhiều nhân công gắn bó lâu năm với anh, người mới nhất ở xưởng cũng đã làm 3-4 năm”.

Nhiều năm trong nghề mộc, ông Chiến không chỉ phụ thuộc vào thợ mà luôn dành thời gian quan sát, học hỏi kỹ thuật của thợ. Vì thế, không khó hiểu khi biết ông Chiến có thể sử dụng rất tốt tất cả các dụng cụ, máy móc trong xưởng và có kiến thức, tay nghề tốt trong nghề mộc. Nhờ vậy, những lúc đơn hàng nhiều, ông xắn tay cùng làm với thợ để kịp tiến độ theo yêu cầu của khách. Và nhờ biết nghề, ông Chiến đã tận dụng thành công những mảnh gỗ vụn để làm đẹp cho ngôi nhà theo cách rất riêng của ông. Ông Nguyễn Phi Công, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh phường Ba Láng, cho biết: “Bên cạnh hội viên Phạm Gạch kinh doanh lò bún, hội viên Nguyễn Văn Chiến làm nghề mộc là mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Không những vậy, anh Chiến cũng là hội viên tích cực đóng góp cho hoạt động xã hội tại địa phương”.

Bài, ảnh: Mỹ Tú

Chia sẻ bài viết