Hàng ngàn người biểu tình Thái Lan đã kêu gọi Vua Maha Vajiralongkorn trả lại quyền kiểm soát tài sản hoàng gia trị giá hàng chục tỉ USD cho nhân dân, diễn biến mới nhất trong làn sóng phản đối nền quân chủ nước này.

Người biểu tình tập trung tại trụ sở Ngân hàng Thương mại Siam. Ảnh: EPA
Từ chiều 25-11, khoảng 8.000 người đã tập trung bên ngoài trụ sở Ngân hàng Thương mại Siam (SCB) ở phía Bắc thủ đô Bangkok, khiến nhà băng lớn nhất Thái Lan này phải đóng cửa. Những người biểu tình, bao gồm rất nhiều học sinh - sinh viên, chọn địa điểm này sau khi mục tiêu ban đầu của họ là Cục Tài sản Hoàng gia (CBP) đã bị cảnh sát rào chắn bằng container và dây thép gai. Thủ lĩnh biểu tình Parit “Penguin” Chiwarak yêu cầu mở cuộc điều tra về tài sản và cách chi tiêu của Nhà Vua.
Năm 2011, Tạp chí Forbes từng ước tính tài sản cá nhân của Vua Bhumibol Adulyadej ít nhất 30 tỉ USD, trở thành quốc vương giàu nhất thế giới thời điểm đó. Đến năm 2016, Thái tử Vajiralongkorn, nối ngôi sau khi Vua cha Bhumibol Adulyadej qua đời và bắt đầu nắm quyền quản lý khối tài sản hoàng gia, vốn đang do CPB kiểm soát. Tháng 7-2017, luật tài sản hoàng gia được sửa đổi, cho phép quốc vương được toàn quyền kiểm soát CPB. Gần một năm sau, Vua Vajiralongkorn yêu cầu chuyển toàn bộ tài sản thuộc CPB sang quyền sở hữu cá nhân của ông. Tổng giá trị tài sản hoàng gia không được công khai, nhưng ước tính con số đó lên tới hơn 30 tỉ USD. Vua Vajiralongkorn hiện là cổ đông lớn nhất của SCB, nắm giữ 23% cổ phần trị giá hơn 2,3 tỉ USD do ông đứng tên. “Cổ phần SCB không được thuộc về Vua mà phải là Bộ Tài chính Thái Lan, vì vậy cổ tức có thể được dùng để phát triển đất nước”, một người biểu tình tên Boss lên tiếng.
E ngại Điều 112
Người biểu tình Thái Lan xuống đường nhiều tháng qua nhằm đòi hỏi một số yêu sách như thay đổi Hiến pháp hay cải cách chế độ quân chủ, động thái được cho là vô cùng táo bạo tại một đất nước có truyền thống tôn kính hoàng gia. Trong luật hình sự Thái Lan, Điều 112 nghiêm cấm mọi hành vi xúc phạm cũng như làm ảnh hưởng đến danh tiếng của các thành viên chủ chốt trong hoàng gia. Theo đó, tội khi quân được áp dụng với những người nhạo báng, xúc phạm hay đe dọa nhà vua, hoàng hậu, thái tử và nhiếp chính. Đối tượng vi phạm sẽ đối mặt với mức án tù 3-15 năm cho mỗi tội danh. Quốc gia Đông Nam Á này theo chế độ quân chủ lập hiến từ năm 1932. Tuy chỉ đảm nhận nhiệm vụ mang tính nghi lễ, hoàng gia có ảnh hưởng lớn và được người dân kính trọng.
Liên quan đến luật chống phỉ báng hoàng gia được cho là nghiêm ngặt nhất thế giới, thủ lĩnh biểu tình “Penguin” cho biết cảnh sát đã yêu cầu vị này cùng 11 người khác ra trình diện vào ngày 1-12 để đối mặt với cáo buộc khi quân. Bởi trong bài phát biểu hồi tháng 9 và tháng 11, “Penguin” và các thủ lĩnh khác đã kêu gọi đặt chế độ quân chủ dưới sự kiểm soát của Hiến pháp Thái Lan, đồng thời dân chúng được phép kiểm tra khối tài sản kếch xù của hoàng gia. Theo các nhà nghiên cứu pháp lý, Điều 112 đã không được sử dụng để truy tố các cá nhân trong 2 năm qua. Đây là lần đầu tiên điều luật này được áp dụng trong làn sóng biểu tình nổ ra kể từ tháng 7 năm nay.
HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters)