24/03/2019 - 13:37

Ngược dòng sông Đà 

Tùy bút PHAN HOÀNG

 

Mùa xuân 2019, chúng tôi có dịp trở về sông Đà - huyết mạch quan trọng vùng Tây Bắc nước ta. Đây là con sông thiêng liêng của Việt Nam, gắn liền lịch sử cội nguồn dân tộc với truyền thuyết về Lạc Long Quân - Âu Cơ, Hùng Vương, thánh Tản Viên. Sông Đà còn là nguồn cảm hứng của nhiều văn nghệ sĩ, đặc biệt là hai bậc tiền bối Tản Đà và Nguyễn Tuân, với những tác phẩm giá trị.

Những vùng đất tuyệt đẹp hai bên bờ sông Đà.

Những vùng đất tuyệt đẹp hai bên bờ sông Đà.

Sông Đà - nguồn cảm hứng trữ tình

Nói tới sông Đà mọi người hay nghĩ tới thủy điện Hòa Bình, công trình lớn một thời cả nước hướng về, gần đây lại có thêm thủy điện Sơn La, Lai Châu. Sông Đà còn là địa chỉ văn hóa gắn liền với sự khai sáng và thăng trầm của lịch sử dân tộc.

Sông Đà chảy vào địa phận Việt Nam còn có tên gọi sông Bờ hay Đà Giang, lúc ầm ào ghềnh thác, lúc lượn lờ bãi bồi, sông đi qua các tỉnh thành: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Nội. Địa hình dọc theo sông Đà chủ yếu núi cao vực thẳm hiểm trở, độ dốc dòng chảy lớn, lòng sông sâu, đậm phù sa. Khi vừa chảy qua khỏi tỉnh Hòa Bình, sông Đà bị dãy núi Ba Vì chắn ở phía hữu ngạn, phải đổi dòng lao lên phía Bắc chạm chân núi Đá Chông, trước khi hợp với sông Thao và sông Lô tạo thành một dòng chảy sông Hồng đổ ra biển.

Lịch sử chống Pháp cho biết năm xưa lãnh tụ khởi nghĩa Nguyễn Quang Bích từng lập căn cứ địa kháng chiến bên sông Đà. Những vần thơ hào hùng của vị quan yêu nước cũng cất lên từ đây. Đến khi đắm mình vào thế giới văn chương hiện đại, những trang viết về dòng sông thiêng này của nhà thơ Tản Đà và nhà văn Nguyễn Tuân gây ấn tượng mạnh mẽ trong tâm thức tôi.

Đối với nhà văn Nguyễn Tuân, vùng Tây Bắc với sông Đà kỳ bí vốn quen thuộc với ông từ thời chín năm kháng chiến chống Pháp. Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông cùng đồng nghiệp đã có dịp trở lại nơi đây bằng chuyến đi thực tế dài ngày vào năm 1958, sống cùng đồng bào các dân tộc, bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân xây dựng cầu đường. Kết quả là tác phẩm nổi tiếng “Sông Đà” gồm 15 tùy bút đặc sắc và 1 bài thơ dang dở đã được trình làng hai năm sau đó, thể hiện phong cách nghệ thuật độc đáo và tình yêu con người, thiên nhiên, đất nước của bậc tài danh Nguyễn Tuân.

Hơn một năm trước, vào mùa xuân Mậu Tuất 2018, tôi cùng nhà thơ Nguyễn Quyến, một người sinh trưởng ở Hòa Bình cùng bạn bè nương theo con sông Đà lên vùng non nước Tây Bắc. Trải nghiệm của tôi gắn liền những câu văn tài hoa quyến rũ của nhà văn Nguyễn Tuân, nhất là tùy bút “Người lái đò sông Đà” với vẻ đẹp ngôn từ tinh tế hòa cùng vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và lãng mạn. Sông Đà trữ tình và thơ mộng nhưng cũng đầy hiểm trở và hung bạo. Nhiều thác ghềnh dữ dội, như câu ca “Đường lên Mường Lễ bao xa / Trăm bảy cái thác, trăm ba cái ghềnh”. Bằng sự khảo cứu công phu từ nguồn tư liệu khan hiếm bấy giờ, nhà văn Nguyễn Tuân còn sớm cho biết nguồn gốc sông Đà. Từ những chuyến điền dã, nhà văn Nguyễn Tuân  ghi lại tên 50/73 con thác lớn nhỏ trên sông Đà từ núi rừng Lai Châu đến Chợ Bờ của Hòa Bình, nơi in dấu vua Lê Thái Tổ thân chinh đánh giặc trở về năm 1432.

Đặc biệt, nhà văn Nguyễn Tuân còn dự cảm những vùng đất đai hoang vu ven sông Đà của Tây Bắc trong tương lai sẽ được con người khai phá, đường sá được mở, làng mạc và phố xá cùng những công trình sẽ mọc lên với đầy ắp tiếng cười hòa điệu thiên nhiên. Điều đó bây giờ đã thành hiện thực. Bên cạnh những công trình thủy điện lớn mang lại nhiều lợi ích cho đất nước, nhiều vùng dân cư đông đúc cũng đã hình thành ven sông Đà, thành lập nên xóm làng, thị trấn, thị xã, thành phố. Và điều gây ấn tượng là hàng loạt cây cầu đã lần lượt được bắc qua sông Đà, nối liền các vùng chia cắt với nhau như cầu Hang Tôm mới nối huyện Nậm Nhùn của tỉnh Lai Châu với thị xã Mường Lay của tỉnh Điện Biên, cầu Đồng Quang nối huyện Thanh Thủy của tỉnh Phú Thọ với huyện Ba Vì của thành phố Hà Nội, cầu Trung Hà nối huyện Tam Nông của tỉnh Phú Thọ với huyện Ba Vì của Hà Nội. Và nhiều cây cầu khác ở Sơn La, Hòa Bình: Pá Uôn, Vạn Bú, Tạ Bú, Tạ Khoa…

Như dự cảm của nhà văn Nguyễn Tuân, miền Tây Bắc đất nước gần đây đã chuyển mình, vươn vai lớn mạnh như nước sông Đà dâng nhanh mùa lũ!

Mạch nước sông Đà tim róc rách

Nếu như mùa xuân Mậu Tuất 2018 chúng tôi đi dọc sông Đà hướng phía thượng nguồn, thì mùa xuân Kỷ Hợi 2019 trở lại sông Đà phía hạ nguồn, nơi ngã ba hợp với sông Lô và sông Thao thành sông Hồng. Lần này nhà thơ Nguyễn Quyến lỡ hẹn, đi cùng tôi là Đại tá - nhà thơ Quang Hoài và hoạ sĩ Trần Đỗ Nghĩa, những người gắn bó với miền trung du và núi rừng Tây Bắc.

Về phía hạ nguồn sông Đà chảy giữa Hà Nội và Phú Thọ, qua nhiều dấu tích gắn liền với truyền thuyết nòi giống Rồng Tiên. Bên tả ngạn là vùng đất Tổ với kinh đô Phong Châu nước Văn Lang xưa của các vua Hùng. Tương truyền, đây là nơi sinh ra mẹ Âu Cơ và sau đó kết duyên với cha Lạc Long Quân, sinh trăm trứng nở trăm con, rồi chia hai đàn con, nửa theo mẹ lên núi, nửa theo cha xuống biển. Đây cũng là nơi Hùng Vương dựng nghiệp, đến đời thứ 18 thì nhường ngôi cho Thục Phán - An Dương Vương.

Còn phía hữu ngạn sông Đà gắn liền với truyền thuyết về thánh Tản Viên với câu chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh cùng những huyền tích khác. Đây cũng là nơi sinh ra Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu, bậc thi bá giữ vị trí cầu nối giữa thơ cũ và thơ mới từ đầu thế kỷ XX của nền văn học Việt Nam hiện đại, mà năm 2019 kỷ niệm 130 năm ngày sinh và 80 năm ngày mất của ông (1889-1939). Chính nhà văn Nguyễn Tuân đương thời trân trọng viết về bậc đàn anh: “Trong chốn tao đàn Tản Đà xứng đáng ngôi chủ súy, trong hội tài tình Tản Đà xứng đáng ngôi hội chủ, mà làng văn làng báo xứ này ai dám ngồi chung một chiếu với Tản Đà?”.

“Sông Đà núi Tản đúc nên ai,

Trần thế xưa nay được mấy người?

Trung hiếu vẹn tròn hai khối ngọc,

Thanh cao phô trắng một nhành mai.

Bạc tiền gió thoảng thơ đầy túi,

Danh lợi bèo trôi rượu nặng vai”.

Ấy là tâm sự trong bài thơ “Phút giao thừa của nhà thi sĩ” của Tản Đà. Cuộc đời phóng túng và nghèo khó, đôi lúc đến tuyệt vọng của cụ Tản Đà là hình ảnh tiêu biểu cho một thế hệ kẻ sĩ bất lực trước thời cuộc, lấy thơ và rượu làm nguồn giải sầu. Quê ông xưa là làng Khê Thượng huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây nay thuộc xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Đây là vùng quê trù phú nằm bên sông Đà, xa xa là dãy núi Ba Vì với ngọn Tản Viên sừng sững. Sông Đà núi Tản không chỉ là nơi chôn nhau cắt rốn, được Nguyễn Khắc Hiếu lấy làm bút danh, mà còn là quê hương văn học, đi sâu vào tâm thức và thấm đẫm trên mỗi trang viết của ông. Trong tác phẩm “Giấc mộng lớn”, thi sĩ Tản Đà từng viết: “Hằng khi dưới bóng tà dương, bên nọ sông Đà, bên kia núi Tản, một mối cảm tình thanh thượng lơ thơ như tơ liễu chiều xuân”.

Thi sĩ Tản Đà vẫn chất chứa niềm tin vào sự hội tụ của non nước, núi sông: “Dù như sông cạn đá mòn/ Còn non còn nước hãy còn thề xưa/ Non xanh đã biết hay chưa/ Nước đi ra bể lại mưa về nguồn”. Và sự phát triển hôm nay của vùng đất Tây Bắc có lẽ đã minh chứng cho niềm tin ấy.

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
sông Đà