28/12/2011 - 21:01

Ngư dân bám biển

Ngư dân Trà Vinh tích cực bám nghề, bám biển. (Trong ảnh: Những mẻ cá đánh bắt được từ lưới rê hỗn hợp)

Mấy năm gần đây, nghề khai thác biển đã gặp không ít khó khăn do diễn biến bất thường về thời tiết, đặc biệt là trước những cơn “bão giá” xăng, dầu. Tuy nhiên, trong cái khó, ngư dân Trà Vinh đã được hỗ trợ kịp thời của Nhà nước và họ biết liên kết lại để ra khơi, ổn định sản xuất...

* Nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân

Dù quy mô không lớn, với khoảng 1.350 tàu khai thác hải sản, tổng công suất gần 74.000 CV, nhưng nghề khai thác hải sản ở tỉnh Trà Vinh là nghề truyền thống đã tạo việc làm và là nguồn sống của hàng ngàn gia đình. Năm 2011, tổng sản lượng khai thác hải sản của tỉnh Trà Vinh ước đạt trên 78.398 tấn, đạt 100% kế hoạch của tỉnh đề ra. Thành quả này có sự đóng góp không nhỏ từ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong việc giúp ngư dân cải tiến ngư cụ, phương tiện hậu cần, hỗ trợ giá dầu, hệ thống thông tin... để ngư dân an tâm, mạnh dạn ra khơi trước những khó khăn chung.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, sau 3 năm triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ giá dầu, mua mới, đóng mới tàu cá, hỗ trợ bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho ngư dân, toàn tỉnh đã hỗ trợ gần 26 tỉ đồng. Ngoài ra, ngư dân trong tỉnh còn được hưởng nhiều sự hỗ trợ hiệu quả khác, như: hỗ trợ trang bị 500 máy thu trực canh dự báo thời tiết trên biển, máy được trang bị hoàn toàn miễn phí cho ngư dân. Đây là thiết bị thu radiô để nhận các bản tin dự báo thời tiết, tình hình ngư trường... Việc hỗ trợ được tiến hành đúng đối tượng và mức hưởng hỗ trợ đúng quy định, không có trường hợp sai sót. Ngư dân được nhận hỗ trợ từng bước khắc phục những khó khăn trong hoạt động khai thác thủy sản, mạnh dạn bám biển. Nhờ đó, ngư dân phấn khởi, an tâm bám biển, đẩy mạnh sản lượng khai thác.

Cùng với những hỗ trợ nói trên, ngư dân trong tỉnh Trà Vinh còn được tiếp cận với những kỹ thuật, phương thức đánh bắt hải sản hiện đại, giúp nghề khai thác đạt hiệu quả hơn. Cụ thể, ngành nông nghiệp Trà Vinh đã hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề lưới rê truyền thống sang nghề lưới rê hỗn hợp, cải hoán hầm bảo quản hải sản... Bà Lê Thị Kim Phượng, ở ấp Vĩnh Hưng, xã Long Đức, TP Trà Vinh, cho biết: Năm 2010, tôi được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh chuyển giao kỹ thuật đánh bắt thủy sản bằng lưới rê hỗn hợp. Tuy chi phí cho giàn lưới rê hỗn hợp cao hơn 30% so với lưới thường nhưng thu được đến 70% cá đạt trọng lượng 4 - 16 con/kg, có giá trị kinh tế cao... Thời gian khai thác trung bình chỉ mất khoảng 4 giờ/ngày so với lưới truyền thống là 10 giờ/ngày, giảm được chi phí nhiên liệu và số nhân công... Từ hiệu quả của mô hình, hiện nay đã có thêm 75 ngư dân trong tỉnh mua sắm giàn lưới rê hỗn hợp và được Trung tâm Khuyến Nông - Khuyến ngư tỉnh tập huấn kỹ thuật ra khơi đánh bắt. Ông Trần Văn Thọ, ở xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành, cho biết: Mô hình cải hoán hầm tàu bằng Polyurethane vừa nhẹ, bền, kín nên bảo quản hải sản được tươi sạch lâu ngày và giảm tiêu nước đá từ 20 - 30 % cho mỗi chuyến biển. Nhờ vậy, ngư dân kéo dài thời gian đánh bắt thêm 9 - 15 ngày, tăng thêm sản lượng.

* Liên kết để ra khơi

Dù được hỗ trợ nhiều từ chính sách nhưng 2 năm qua, nghề khai thác hải sản vẫn gặp không ít khó khăn do giá cả thị trường tăng cao, nhất là giá dầu. Trước thực tế này, nhiều ngư dân trong tỉnh Trà Vinh biết phát huy sức mạnh tập thể, liên kết trong hoạt động khai thác để ổn định sản xuất. Việc thành lập tổ, đội liên kết hỗ trợ nhau đánh bắt trên biển không chỉ nâng cao hiệu quả mà còn góp phần quan trọng vào việc giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Chi Cục phó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Trà Vinh, Trần Văn Sang, cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh Trà Vinh đã thành lập được 36 tổ hợp tác với 150 tàu tham gia. Mỗi tổ hợp tác có từ 5 - 7 tàu khai thác, cùng đánh bắt chung một ngư trường và dành ra một tàu để làm nhiệm vụ hậu cần, tiếp tế nhiên liệu, vận chuyển hải sản,... Ngoài ra, tổ hợp tác còn hỗ trợ lai dắt khi đi và về, lúc di chuyển tìm ngư trường khác đánh bắt để tiết kiệm chi phí nhiên liệu, tương trợ nhau khi gặp giông bão trên biển...

Anh Nguyễn Văn Hải, ở làng cá Định An, huyện Trà Cú, có hơn 30 năm làm nghề khai thác hải sản xa bờ, cho biết: Tổ hợp tác đánh bắt hải sản của anh có 5 tàu, công suất từ 360 - 380 CV. Thông thường, mỗi tàu đi khai thác biển khoảng 15 ngày phải quay về hết lương thực, hết dầu, hết nước đá... hoặc đã đánh bắt đầy tàu. Mỗi chuyến đi về mất khoảng 5 ngày, tính ra 4 tàu ở lại đã tiết kiệm được 1/3 thời gian để dành cho đánh bắt. Nếu không có tàu hậu cần để chuyển cá về, mẻ cá đánh bắt đầu tiên khi về đến bến đã mất gần 20 ngày sẽ không còn tươi, bán không được giá. Ngược lại, có chuyên một tàu hậu cần, thì mẻ cá đầu tiên về đến đất liền chỉ có 5 ngày, sản phẩm còn tươi ngon, bán được giá cao.

Theo số liệu khảo sát của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Trà Vinh, đối với tổ hợp tác làm nghề cào đôi có công suất từ 300 - 400 CV/chiếc, mỗi cặp tàu sau chuyến biển sẽ tiết kiệm được từ 60 - 80 triệu đồng; đối với tổ tàu làm nghề lưới vây, lưới rê... công suất từ 180 đến 220 CV cũng tiết kiệm được từ 25 - 50 triệu đồng. Ngoài ra, việc thành lập tổ hợp tác khai thác hải sản còn tránh được chuyện tranh giành ngư trường đánh bắt, tăng tinh thần trách nhiệm của ngư dân trong việc tham gia bảo vệ ngư trường, giữ gìn an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Bài, ảnh: THỪA THỊNH

Ngư dân Trà Vinh tích cực bám nghề, bám biển. (Trong ảnh: Những mẻ cá đánh bắt được từ lưới rê hỗn hợp)

Chia sẻ bài viết