TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Ðảng Tiến bước đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hôm 14-5 với 152 ghế tại Hạ viện 500 ghế. Kết quả đó có thể chưa chắc để tỉ phú Pita Limjaroenrat trở thành thủ tướng tiếp theo của Thái Lan, nhưng nó cho thấy vị thủ lĩnh trẻ đang trở thành ngôi sao sáng nhất trên chính trường khó doán định ở quốc gia Ðông Nam Á này.

Sự gần gũi của tỉ phú Pita Limjaroenrat với giới trẻ Thái Lan. Ảnh: Reuters
Pita Limjaroenrat là ai?
Ở tuổi 42, ông Pita trẻ hơn gần 30 tuổi so với nhà lãnh đạo hiện tại của Thái Lan là Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, người lên nắm quyền sau cuộc đảo chính hồi năm 2014. Ông Pita sinh ra trong một gia đình có nền tảng về chính trị ở Thái Lan. Cha của ông là Pongsak Limjaroenrat, từng giữ chức cố vấn của Bộ Nông nghiệp Thái Lan, trong khi chú ông là Padung Limcharoenrat, phụ tá thân cận của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Dù sinh ra ở Thái Lan nhưng ông Pita lớn lên ở New Zealand trước khi trở về quê hương và hoàn thành bằng đại học ngành tài chính ngân hàng tại Ðại học Thammasat. Ông sau đó tiếp tục lấy bằng thạc sĩ về chính sách công và kinh doanh tại Ðại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts của Mỹ. Tuy nhiên, ông nói rằng chính thời gian sinh sống tại New Zealand khi còn là một thiếu niên đã thực sự khơi dậy tình yêu của ông đối với chính trị.
"Tôi được chuyển đến sinh sống tại một nơi xa xôi hẻo lánh ở New Zealand. Tại đó, hoặc là bạn sẽ phải lựa chọn xem phim truyền hình dài tập của Úc, hoặc xem các cuộc tranh luận tại Quốc hội" - ông Pita nói với chương trình Aim Hour trên YouTube của Thái Lan. Nhà lãnh đạo đảng Tiến bước cho biết ông bắt đầu nghe các bài phát biểu của Thủ tướng New Zealand lúc bấy giờ là Jim Bolger trong lúc làm bài tập về nhà.
Trước khi trở thành đại biểu Quốc hội Thái Lan hồi năm 2018, ông Pita là một doanh nhân trẻ có sự nghiệp nổi bật. Ông tiếp quản công ty Agrifood chuyên kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp của cha lúc 25 tuổi, không chỉ thành công vực dậy công ty đang trên bờ vực phá sản mà còn đưa nó trở thành một trong những nhà sản xuất cám gạo hàng đầu châu Á. Ðáng chú ý, ông từng là giám đốc điều hành của dịch vụ Grab của Thái Lan và trước đó là cố vấn tại Nhóm Tư vấn Boston (Mỹ). Năm 2017, ông được tổ chức Tatler Asia đưa vào danh sách Gen.T, gồm những tài năng trẻ triển vọng nhất khu vực. Năm 2019, ông Pita tham gia chính trường với tư cách là ứng viên đảng Tương lai mới. Khi đảng này bị giải tán, ông nhanh chóng nhận được sự yêu mến của người dân Thái Lan nhờ hình ảnh trong sạch và là một người hoạt ngôn, thẳng thắn.
Sự trỗi dậy của ông Pita trên chính trường Thái Lan xuất hiện vào thời điểm một phong trào chính trị đang hình thành. Theo tờ First Post, người dân đã đổ xuống đường biểu tình, phản đối phán quyết nhằm giải tán đảng Tương lai mới. Vào cuối năm 2020, các cuộc biểu tình khổng lồ đã bùng phát, yêu cầu thủ tướng và lãnh đạo cuộc đảo chính quân sự năm 2014 là ông Prayuth từ chức và viết lại hiến pháp. Sau đó, trong một động thái gây chấn động cả Thái Lan, người biểu tình bắt đầu kêu gọi cải cách chế độ quân chủ, hủy bỏ điều cấm kỵ lâu đời là không được chỉ trích hoàng gia. Ông Pita nói rằng chính những sự kiện này đã giúp thúc đẩy cuộc bỏ phiếu thành lập đảng Tiến bước.
Nhiều khó khăn phía trước
Trong cuộc vận động tranh cử vừa qua, ông Pita cam kết đưa Thái Lan thoát khỏi "thập niên mất mát" của tăng trưởng kinh tế chậm chạp. Một phần của kế hoạch đó bao gồm đa dạng hóa nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch của Thái Lan và mở rộng vùng kinh tế trọng điểm ra bên ngoài thủ đô Bangkok. Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg News hồi tháng trước, ông Pita cho biết 3 điểm chính trong chương trình nghị sự của ông là "phi quân sự hóa, phi độc quyền hóa và phi tập trung hóa". Trong đó, 2 trong số những lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông đã thu hút được các cử tri trẻ tuổi. Ông đề xuất chấm dứt nghĩa vụ quân sự bắt buộc, xử lý các công ty độc quyền thống trị nền kinh tế Thái Lan và thúc đẩy thay đổi luật khi quân, một trong những đạo luật hà khắc nhất thế giới, phạt tù đến 15 năm đối với tội xúc phạm, phỉ báng, chỉ trích quốc vương hoặc thành viên hoàng tộc.
Ông Pita nói rằng hiến pháp mới nên được người dân soạn thảo, trong đó gồm các điều khoản ngăn cản công chức ủng hộ đảo chính và không cho phép miễn trừ trách nhiệm đối với những người lãnh đạo đảo chính. Không những vậy, đảng Tiến bước còn đưa ra nhiều gói phúc lợi, từ trợ cấp chăm sóc trẻ em đến hỗ trợ tài chính cho người cao tuổi, trị giá gần 20 tỉ USD.
Dù đảng Tiến bước giành được nhiều ghế nhất tại Hạ Viện, con đường trở thành thủ tướng Thái Lan tiếp theo của ông Pita vẫn không dễ dàng. Trước hết, ông sẽ phải tìm cách liên minh với các đảng khác, trong đó đặc biệt là với đảng Vì nước Thái của bà Paetongtarn Shinawatra, con gái út của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và là đảng về nhì trong cuộc tổng tuyển cử với 141 ghế. "Giờ là lúc để Thái Lan thay đổi. Sự hợp tác với các đảng đối lập là một cách hoàn hảo để đối phó những thách thức mà đất nước phải đối mặt. Chúng ta sẽ cùng thay đổi Thái Lan" - ông Pita cho biết trong cuộc họp báo tại trụ sở đảng Tiến bước hôm 15-5. Ông Pita nhấn mạnh việc đảng Tiến bước giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử đã đánh dấu một "ngày mới" cho Thái Lan và ông "sẵn sàng trở thành thủ tướng của tất cả người dân".

Ông Pita Limjaroenrat (giữa) vẫy tay chào người ủng hộ hôm 14-5. Ảnh: Reuters
Cụ thể, ngày 18-5, ông Pita cho biết đảng của ông sẽ làm việc với 7 chính đảng khác nhằm hình thành một liên minh có thể thành lập chính phủ. Liên minh 8 đảng này bao gồm đảng Tiến bước, Vì nước Thái, Thai Sang Thai, Thai Liberal, Prachachart, Fair, Plung Sungkom Mai và Peu Thai Ruamphalang. Liên minh 8 đảng theo kế hoạch của ông Pita sẽ có tổng cộng 313 ghế tại Hạ viện. Con số này đủ để liên minh do Tiến bước dẫn đầu chiếm đa số tại Hạ viện, nhưng không đủ để đảm bảo ông Pita được bầu chọn làm thủ tướng thứ 30 của Thái Lan nếu như ông không có được sự ủng hộ của tối thiểu 376 phiếu tại Quốc hội (bao gồm Hạ viện và 250 thượng nghị sĩ do quân đội bổ nhiệm). Hiện lãnh đạo đảng Vì nước Thái đã tuyên bố đồng ý tham gia liên minh do đảng Tiến bước đề xuất và khẳng định không có kế hoạch thành lập chính phủ với bất kỳ đảng chính trị nào khác.
Ðáng chú ý, đảng Tự hào Thái Lan, vốn giành nhiều ghế thứ 3 trong cuộc tổng tuyển cử ngày 14-5 với 70 ghế, tuyên bố sẽ không ủng hộ lãnh đạo đảng Tiến bước làm thủ tướng sắp tới của Thái Lan do lập trường của ông Limjaroenrat về cải tổ luật khi quân. Ðảng Tự hào Thái Lan nhấn mạnh sẽ không đồng hành với đảng Tiến bước trong việc thành lập một chính phủ liên minh, bởi chính sách của đảng Tiến bước là sửa đổi, thậm chí hủy bỏ luật khi quân.
Đảng Quốc gia Thái Lan thống nhất (UTN) của Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha chỉ về thứ 5 với 36 ghế tại Hạ viện. Tuy nhiên với số ghế này, UTN vẫn đủ điều kiện theo luật định (trên 25 ghế) để chính thức đề cử ông Prayuth là ứng viên thủ tướng khi Quốc hội Thái Lan nhóm họp vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 tới.
Dẫu vậy, trao đổi với truyền thông Thái Lan hôm 15-5 về tương lai của Thủ tướng Prayuth, Phó Chủ tịch UTN Thanakorn Wangboonkongchana cho biết: “Ông Prayuth vẫn chưa đề cập tới vấn đề này nhưng tôi cho rằng ông ấy có thể phải dừng lại”. Về phần mình, ông Prayuth chỉ cho biết ông “tôn trọng tiến trình dân chủ và kết quả bầu cử”, đồng thời kêu gọi mọi người cùng hợp tác để phát triển đất nước.