13/09/2019 - 10:32

Ngoại trưởng Pompeo - ngôi sao đang lên trong Nhà Trắng 

Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao vẫn chưa lên tiếng bình luận. Tiết lộ với CNN, nguồn tin thân cận từ chính quyền cũng không rõ Tổng thống Donald Trump sẽ cân nhắc nghiêm túc việc này như thế nào. Theo kịch bản trên, Ngoại trưởng Pompeo sẽ là nhân vật thứ hai trong lịch sử sau Henry Kissinger đảm nhiệm cùng lúc hai chức vụ trong chính quyền Mỹ.

Sự thân mật giữa Tổng thống Trump (phải) và Ngoại trưởng Pompeo. Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, một số quan chức cảnh báo tập trung quyền lực theo “mô hình Kissinger” có thể là “con dao hai lưỡi” đối với ông Pompeo, đặc biệt khi chính trị gia 55 tuổi đang nắm giữ vai trò cốt cán trong chính quyền như hiện nay. Trước đó, sự ra đi chóng vánh của ông Bolton được nhiều người coi là dấu hiệu cho thấy vị thế cố vấn an ninh quốc gia có thể giảm dần trong tương lai. Nhưng số khác ngược lại tin tưởng ông Pompeo sẽ sớm lấp vị trí ông Bolton, thậm chí chủ nhân Nhà Trắng sẽ hài lòng với lựa chọn này.

Là người có nhiều mối quan hệ ở Quốc hội Mỹ và các cơ quan chính phủ, ông Pompeo được xếp vào nhóm chóp bu ở Washington. Bắt đầu từ ghế Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) khi ông Trump lên nắm quyền đầu năm 2017 và được chọn làm ngoại trưởng vào tháng 3-2018, ông Pompeo đã vượt qua các cố vấn đối ngoại khác như cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson, cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley và 3 vị Cố vấn An ninh Quốc gia gồm Michael Flynn, HR McMaster và John Bolton để trụ vững ở Nhà Trắng. Trong quá trình xây dựng mối quan hệ thân cận với tổng thống, vị nghị sĩ có 3 nhiệm kỳ liên tiếp giờ đã là một trong những nhân vật quyền lực và có ảnh hưởng nhất chính quyền Trump hiện nay.

Khảo sát ý kiến của hàng chục quan chức đã và đang làm việc cho chính phủ cùng một số chuyên gia chính sách đối ngoại, trang VOX của Mỹ tiết lộ 3 nguyên tắc giúp ông Pompeo đi đầu trong các vấn đề lớn như CHDCND Triều Tiên, Afghanistan, Iran cùng Venezuela. Theo đó, nguyên tắc đầu tiên là không công khai bất đồng với Tổng thống Trump và bảo vệ lãnh đạo trong nhiều vấn đề. Ngay chính chủ nhân Nhà Trắng cũng từng thừa nhận cả hai rất “hợp rơ” và có cùng suy nghĩ. Nói như Thomas Wright, chuyên gia chính sách đối ngoại Mỹ tại Viện Brookings, Ngoại trưởng Pompeo sẽ thể hiện suy nghĩ của ông nhưng cũng sẵn sàng đổi hướng theo quan điểm của tổng thống trong bất cứ vấn đề chính trị hoặc an ninh quốc gia nào. Điển hình như việc ông bác bỏ đánh giá bất lợi của CIA nhắm vào Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman trong vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại tại lãnh sự quán nước này ở Thổ Nhĩ Kỳ khi Tổng thống Trump có những động thái cho thấy Washington đứng về phía Riyadh.

Lý do khác giúp Mike Pompeo thành công “giữ ghế” trong Nhà Trắng còn nằm ở việc ông hiểu bản chất thiết yếu trong chương trình nghị sự của tổng thống và không ngại xây dựng chính sách đối ngoại làm hài lòng nhóm cử tri theo triết lý bảo thủ ủng hộ ông Trump. Nguyên tắc còn lại chính là tạo dựng vòng tròn các nhân vật thân tín để đẩy lùi đối thủ. Lấy diễn biến hiện nay, nhiều chuyên gia nhận định trường hợp đối thủ Bolton bị sa thải cộng thêm quan hệ gần gũi với nhiều nhân vật quyền lực khác như Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, Giám đốc CIA Gina Haspel là điều kiện giúp ông Pompeo có không gian tranh thủ quyền lực hơn nữa.

Cũng vì biết “lấy lòng’’ lãnh đạo như vậy nên ông Trump không muốn Ngoại trưởng Pompeo ra tranh ghế thượng nghị sĩ theo đề xuất của một số lãnh đạo đảng Cộng hòa.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết