12/05/2021 - 21:55

Ngoại giao sân vận động! 

Trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc tạo ra thiện chí và giành quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên bằng cách bỏ tiền xây dựng và cải tạo các cơ sở hạ tầng thể thao ở một số quốc gia châu Phi.

Tổng thống Ouattara phát biểu tại sân vận động mang tên ông. Ảnh: World Crunch

Từ hoành tráng

Gần đây nhất, tại Bờ Biển Ngà, Trung Quốc đã “móc hầu bao” xây dựng Sân vận động Olympic Ebimpé, hay còn gọi là Sân vận động Alassane Ouattara, có sức chứa lên tới 60.000 người. Mới đây, nơi này theo lệnh của Tổng thống Alassane Ouattara đã tiếp đón một số chính trị gia cũng như nhiều ngôi sao nhạc pop châu Phi đến biểu diễn. Sân vận động này cũng được sử dụng để tổ chức Vòng Chung kết Cúp các quốc gia châu Phi (CAN) vào năm 2023.

Thật ra, đó không phải là sân vận động duy nhất mà Trung Quốc bỏ tiền xây dựng tại Bờ Biển Ngà. Bắc Kinh cũng đang chi 242 triệu USD để tài trợ xây dựng các sân vận động ở phía Bắc và phía Nam nước này. Tuy nhiên, Alassane Ouattara đến nay vẫn giữ vị trí đặc biệt bởi “ngốn” hơn 157 triệu USD. Wan Li, Ðại sứ Trung Quốc tại Bờ Biển Ngà, gọi đây là “viên ngọc của sự hợp tác hữu nghị” giữa 2 nước, thậm chí xem nó là “sân vận động lớn nhất và được trang bị tốt nhất mà Trung Quốc từng tài trợ và xây dựng ở châu Phi”. Còn Tổng thống Ouattara thì tuyên bố: “Ðây là một trong những điều tốt đẹp nhất mà đất nước chúng tôi đạt được trong lĩnh vực thể thao”.

Với chính sách ngoại giao sân vận động, Trung Quốc trong 5 thập kỷ qua đã xây dựng và cải tạo gần 100 sân vận động trên khắp lục địa đen. Mục tiêu cuối cùng của Bắc Kinh là tăng cường quan hệ song phương, ký kết các hợp đồng lớn, tiếp cận đặc quyền các nguồn tài nguyên thiên nhiên và giành được sự ủng hộ của các nước châu Phi tại Liên Hiệp Quốc.

Còn nhớ Bắc Kinh hồi năm 2015 đã vội vã công bố kế hoạch cải tạo Trung tâm Thể thao Quốc tế Moi (Nairobi) chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama chuẩn bị có bài phát biểu tại đó.

Đến bỏ hoang

Tuy nhiên, sau sự hào nhoáng và sôi động ban đầu, đa số các sân vận động đều có xu hướng bị bỏ quên. Trong đó, Sân vận động Engong có sức chứa 20.000 người ở phía Bắc Gabon là trường hợp điển hình. Cũng là “món quà” từ Trung Quốc, khu phức hợp này gồm một sân tennis, 3 sân bóng rổ và một sân điền kinh được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế. Năm 2017, Engong được sử dụng tổ chức Bảng C của CAN nhưng hiện nó đã bị bỏ hoang. Các bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội còn cho thấy Engong trở nên lộn xộn, cỏ dại mọc um tùm. Theo Itamar Dubinsky, chuyên gia nghiên cứu tại Ðại học bang Oregon (Mỹ), ngày càng có nhiều cuộc biểu tình phản đối các sân vận động do Trung Quốc xây dựng, bởi họ nhận thấy rằng không có thứ gì gọi là quà tặng miễn phí.

Song, sự lo ngại của dân chúng không làm chậm việc xây dựng các sân vận động do Trung Quốc rót vốn. Trong 2 thập kỷ qua, chính sách ngoại giao sân vận động của Bắc Kinh được áp dụng tại các quốc gia như Rwanda, Cộng hòa Dân chủ Congo, Kenya, Uganda, Djibouti và Mauritania. Giới lãnh đạo các nước này được quyền tiếp cận các khoản vay khổng lồ từ Trung Quốc, được ký kết các hợp đồng đổi tài nguyên lấy cơ sở hạ tầng cũng như được nhận những món quà xa xỉ, tiền mặt và tài khoản nước ngoài với điều kiện phải cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ðài Loan.

TRÍ VĂN (Theo World Crunch)

Chia sẻ bài viết