23/10/2015 - 14:51

Nghiên cứu râu hải cẩu giúp cải tiến thiết bị hoạt động dưới nước

Sử dụng râu nhân tạo, các chuyên gia tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT-Mỹ) đã tìm hiểu kỹ năng săn mồi bậc thầy của hải cẩu cảng, qua đó có thể giúp cải tiến kỹ thuật các thiết bị giám sát môi trường dưới nước.

Công bố trên tạp chí Fluid Mechanics, nhóm nghiên cứu cho biết râu hải cẩu đóng vai trò quan trọng trong việc thông báo cho não dấu vết con mồi đã bơi qua 30 giây trước đó, ngay cả khi nó bị bịt mắt. Quan sát dưới kính hiển vi, các nhà khoa học nhận thấy râu hải cẩu có cấu trúc lượn sóng với mặt cắt ngang có hình elip và các yếu tố bất đối xứng. Để xác nhận cấu trúc phức tạp của sợi râu có liên quan với khả năng săn mồi, nhóm chuyên gia tạo ra phiên bản nhân tạo mô phỏng cấu trúc râu hải cẩu. Trên cơ bản, bộ phận này cảm nhận môi trường xung quanh theo hai cách, đó là vừa đáp ứng chuyển động của hải cẩu vừa dao động theo nguyên tắc zích-zắc để cảm nhận luồng nước xoáy từ con mồi.

Trong các thí nghiệm, họ phát hiện râu nhân tạo bắt đầu rung động ở cùng tần số dao động được tạo ra khi con mồi bơi qua, cho phép hải cẩu xác định dấu vết, kích thước và hình dạng đối tượng. Trong khi đó, cấu trúc lượn sóng của râu không chỉ giúp hải cẩu nhận biết mục tiêu mà còn cho phép nó di chuyển âm thầm và hạn chế làm động nước khi săn đuổi.

Theo nhóm nghiên cứu, khám phá mới về cơ chế hoạt động của râu hải cẩu có thể là cơ sở để cải tiến hiệu suất cho các ăng-ten hoặc cảm biến của thiết bị dùng theo dõi đời sống sinh vật biển hoặc truy tìm nguồn gây ô nhiễm dưới nước.

ĐƯỜNG THẤT
(Theo Hngn, Dispatchtimes, Gizmag)

Chia sẻ bài viết