Để nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho người dân, ngành Nông nghiệp thành phố đã và đang phối hợp cùng với các địa phương triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển hợp tác xã (HTX) nông nghiệp sản xuất nông sản có giá trị và lợi thế cạnh tranh thị trường… Qua đó, đã giúp cho nhiều HTX nông nghiệp nâng chất hoạt động, liên kết với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn, để gia tăng giá trị nông sản và thu nhập cho thành viên HTX.

Thu hoạch na Thái tại HTX nông nghiệp Thân Thiện, quận Thốt Nốt.
Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ đã và đang triển khai nhiều chương trình thúc đẩy các HTX nông nghiệp chuyển đổi canh tác, sản xuất nông sản có lợi thế cạnh tranh thị trường và có giá trị kinh tế cao; đồng thời, lồng ghép nhiều chương trình, dự án hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp tiếp cận được nguồn vốn đầu tư trang thiết bị, máy móc, phục vụ sản xuất hàng hóa, nông sản đạt chất lượng an toàn, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng; kết hợp hỗ trợ HTX xây dựng thương hiệu, nhãn hiêu tập thể và liên kết với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, nông sản theo hướng tập trung, đạt tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong và ngoài nước. Hiện thành phố có 186 HTX nông nghiệp, trong đó có nhiều HTX tiêu biểu, sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, có sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc đạt chứng nhận OCOP từ 3-4 sao… đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường nội địa và xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho nông dân vào HTX.
Cùng với sự trợ lực từ ngành chức năng thành phố, nhiều HTX nông nghiệp ở TP Cần Thơ huy động nguồn vốn của thành viên, đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển thêm các dịch vụ cung cấp vật tư đầu vào, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sản phẩm cho thành viên. Điển hình là HTX nông nghiệp Thân Thiện, quận Thốt Nốt đã tích cực hỗ trợ 39 thành viên cùng với hơn 100 hộ nông dân chuyển đổi canh tác, trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, theo xu thế thị trường. Theo đó, ngoài 59ha của thành viên, HTX hiện có hơn 500ha liên kết, chuyên trồng các loại bắp Mỹ, đậu nành rau và na Thái… cung cấp cho các đối tác, doanh nghiệp trong và ngoài thành phố, giúp mang lại thu nhập ổn định cho thành viên và nông dân làm ăn với HTX.
Ông Huỳnh Văn Chiến, Giám đốc HTX nông nghiệp Thân Thiện, cho biết: Để giúp nhà nông nâng cao thu nhập, HTX đã tích hỗ trợ thành viên và bà con hợp tác với HTX chuyển đổi canh tác, lựa chọn các loại cây trồng vừa có giá trị kinh tế cao, vừa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Cùng đó, HTX còn tạo điều kiện cho nông dân vào HTX tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật sử dụng phân bón, cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh rau màu hay cây ăn trái do ngành chức năng địa phương và thành phố tổ chức, từ đó, giúp nông dân vào HTX nâng cao hiệu quả canh tác, tiết giảm chi phí sản xuất, nhưng vẫn đảm bảo cho cây trồng đạt năng suất và chất lượng theo yêu cầu thị trường. Không chỉ vậy, HTX còn huy động thành viên góp vốn, mở rộng các hoạt động kinh doanh, tổ chức các dịch vụ cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho thành viên và nhà nông, với giá rẻ hơn so với thị trường từ 5%; kết hợp cung cấp giống cây trồng và tổ chức, phân bổ diện tích gieo trồng cho thành viên theo thời vụ, dựa trên khối lượng và chủng loại nông sản mà HTX đã ký hợp đồng với đối tác… Đến nay, HTX nông nghiệp có năng lực cung ứng hơn 500 tấn phân, thuốc bảo vệ thực vật cho thành viên và các hộ liên kết; cung cấp trên 40 tấn nông sản các loại/ngày, đem lại nguồn thu nhập cao cho nhà nông.
Với sự trợ giúp của chính quyền địa phương, HTX nông nghiệp Thới Trinh, quận Ô Môn không chỉ duy trì được mô hình canh tác nhãn Ido theo hướng an toàn, mà còn liên kết với nhiều đối tác, doanh nghiệp tiêu thụ đầu ra cho thành viên. Qua đó giúp gia tăng giá trị nông sản và thu nhập của nhà vườn tham gia vào HTX. Ông Nguyễn Thành Nghi, Giám đốc HTX nông nghiệp Thới Trinh, chia sẻ: Với sự giúp sức của ngành Nông nghiệp thành phố và chính quyền địa phương, HTX ngày càng làm tốt các bước canh tác theo hướng VietGAP, để nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Cùng đó, nhãn Ido của HTX còn được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và HTX được cấp mã số vùng trồng với trên 34ha… Với các lợi thế hiện có, HTX có đủ điều kiện, ký kết hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp thu mua trong và ngoài thành phố, với giá cao hơn thị trường, giúp mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhà vườn vào HTX. Theo ông Nghi, hiện HTX có gần 60 thành viên với trên 57ha đất chuyên trồng nhãn Ido, với tổng sản lượng thu hoạch đạt từ 800-1.000 tấn/vụ/năm; ước tính mỗi hộ thành viên trong HTX có từ 6.000m2 đất trồng nhãn, với năng suất thu hoạch đạt từ 1-1,3 tấn/công (1.000m2), với giá bán hiện tại là 20.000 đồng/kg, sẽ mang lại thu nhập cho nhà nông trên 150 triệu đồng/vụ.
Cùng với sự hỗ trợ của thành phố, tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp phát triển sản xuất, phù hợp với lợi thế của từng địa phương, nhiều HTX đã chủ động áp dụng tốt các biện pháp canh tác mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP hay OCOP… đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Cùng với đó, nhiều HTX còn năng động tổ chức đa dạng các dịch vụ hỗ trợ thành viên, trở thành cầu nối hỗ trợ nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản… Song để các HTX nông nghiệp phát huy tối ưu vai trò dẫn dắt nhà nông, xây dựng được chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, ngành chức năng thành phố cần tăng cường triển khai các chương trình hỗ trợ, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về quản lý, điều hành cho HTX. Đặc biệt là hỗ trợ HTX tiếp cận các chính sách về nguồn vốn, khoa học công nghệ để các HTX có đủ nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường một cách hiệu quả; hỗ trợ các HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo mô hình chuỗi giá trị, từ đó không chỉ giúp các HTX nông nghiệp gia tăng năng lực hoạt động, mà còn góp phần thúc đẩy, phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực của các địa phương.
Bài, ảnh: MỸ HOA