14/04/2024 - 08:32

Nghiên cứu mở rộng phạm vi chống ngập vùng lõi đô thị Cần Thơ 

Dự án 3 vốn vay Ngân hàng Thế giới góp phần chống ngập, bảo vệ vùng lõi đô thị TP Cần Thơ dự kiến kết thúc vào tháng 6-2024. Thành phố đang nghiên cứu, đề xuất Dự án chống ngập, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị của Cần Thơ trên cơ sở phát triển Dự án 3 và nhằm mở rộng phạm vi chống ngập cho vùng lõi đô thị thêm 2.770ha.

Công trình kè sông Cần Thơ thuộc Dự án 3 đang phát huy hiệu quả chống ngập và đảm bảo cảnh quan đô thị khu vực trung tâm thành phố.

Mở rộng phạm vi chống ngập

Theo đánh giá của các ngành chức năng thành phố, vào mùa mưa hằng năm, nhất là từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch, nhiều khu vực ở TP Cần Thơ bị ngập sâu từ 0,3-1m. Trong những năm gần đây, tình trạng ngập ở khu vực đô thị thành phố ngày càng nghiêm trọng, nhất là khu vực nội ô thành phố thuộc địa bàn quận Ninh Kiều, Bình Thủy. Tình trạng ngập đã gây ảnh hưởng, trở ngại lớn cho nhiều hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố như hoạt động giao thông, kinh doanh buôn bán, sản xuất nông nghiệp, vệ sinh môi trường và bộ mặt cảnh quan đô thị ở thành phố...

Xuất phát từ thực trạng ngập ngày càng nghiêm trọng trên diện rộng ở TP Cần Thơ, ngày 20-7-2012 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP Cần Thơ (tại Quyết định số 1721/QĐ-BNN-TCTL). Quy hoạch này với mục tiêu đề xuất các giải pháp thủy lợi (công trình và phi công trình) nhằm giải quyết cơ bản tình trạng ngập úng trên địa bàn TP Cần Thơ. Về giải pháp công trình, đầu tư xây dựng các công trình nhằm kiểm soát nước lũ, triều và tiêu úng bằng hệ thống đê bao, các cống dưới đê, van ngăn triều đồng thời kết hợp với các trạm bơm để tiêu nước ra sông; trong đó đê bao lớn vùng trung tâm của TP Cần Thơ bao gồm các quận Ninh Kiều, Bình Thủy và một phần của quận Ô Môn và huyện Phong Điền, với diện tích khoảng 17.724ha theo các sông rạch chính là sông Hậu, sông Cần Thơ, rạch Tắc Ông Thục và kênh Ô Môn...

Thời gian qua, TP cần thơ đã tích cực triển khai thực hiện Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (Dự án 3) vốn vay Ngân hàng Thế giới, có tổng mức đầu tư hơn 9.167 tỉ đồng và dự án dự kiến đến ngày 30-6-2024 sẽ kết thúc. Dự án này góp phần chỉnh trang đô thị, bảo vệ vùng lõi trung tâm quận Ninh Kiều và Bình Thủy trước rủi ro do ngập lụt, tăng cường khả năng kết nối giữa khu vực trung tâm thành phố và các khu vực đô thị mới phát triển (các công trình giao thông trọng điểm), phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tăng cường năng lực của chính quyền thành phố trong việc quản lý rủi ro thiên tai…

Đến nay, hợp phần 1 của Dự án 3 (kiểm soát ngập lụt và vệ sinh môi trường) đã đầu tư các hạng mục công trình như trên 6,1km tuyến kè dọc theo tuyến sông Cần Thơ; trên 3km kè dọc theo rạch Cái Sơn, Mương Khai; kết hợp với các hạng mục công trình khác của dự án như các âu thuyền (Cái Khế, Hàng Bàng), các cống ngăn triều (Đầu Sấu, Rạch Sao, Rạch Ranh, Rạch Súc, rạch Nước Lạnh, rạch Phó Thọ, rạch Cây Dừa, rạch Bà Lễ, rạch Trần Ngọc Quế, rạch Tham Tướng), các van ngăn triều và các trạm bơm nhằm giảm các nguy cơ liên quan đến tình trạng ngập lụt tại khu vực đô thị trung tâm TP Cần Thơ (kiểm soát ngập cho trên 2.657ha vùng lõi các quận Ninh Kiều, Bình Thủy). Dự án đã và đang dần hoàn thiện để đưa vào khai thác sử dụng; ngày 30-10-2023 dự án đã vận hành thử nghiệm các cống, âu thuyền và đã phát huy rõ rệt hiệu quả chống ngập vùng nội ô thành phố trong đợt triều cường rằm tháng 9 âm lịch.

Mới đây, Ban cán sự Đảng UBND thành phố đã báo cáo Dự án chống ngập, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị của TP Cần Thơ với lãnh đạo Thành ủy Cần Thơ. Dự án chống ngập, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị của TP Cần Thơ trên cơ sở phát triển dự án bảo vệ vùng lõi khu vực trung tâm thành phố (Dự án 3) mở rộng phạm vi chống ngập cho thành phố. Mục tiêu, nhiệm vụ của dự án này là chống ngập vùng nội ô thành phố, nhằm phát triển đô thị bền vững, tăng cường khả năng thích ứng của đô thị; giảm sự tổn thương do ngập lụt, sạt lở tại trung tâm TP Cần Thơ; bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; kết hợp chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, sạch đẹp; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, có tác dụng lan tỏa lớn, tạo động lực phát triển bền vững cho thành phố.

Thời gian thực hiện dự án, dự kiến trong giai đoạn 2024-2030. Dự án có diện tích chống ngập vùng nội ô thành phố khoảng 2.770ha (quận Ninh Kiều và Bình Thủy) được giới hạn như phía Đông giáp rạch Khai Luông và tuyến quốc lộ 91; phía Tây giáp tuyến quốc lộ 91B; phía Bắc giáp sông Trà Nóc và đường Nguyễn Viết Xuân; phía Nam giáp tuyến hẻm 91 (dự án 3 đã đầu tư). Cụ thể các tuyến đê bao gồm: phía Đông có tổng chiều dài 10.120m (trong đó tuyến giáp rạch Khai Luông dài 5.570m và tuyến quốc lộ 91 dài 4.550m), phía Tây có tổng chiều dài 6.700m (giáp tuyến quốc lộ 91B), phía Bắc có tổng chiều dài 6.300m (giáp sông Trà Nóc và đường Nguyễn Viết Xuân), phía Nam có tuyến hẻm 91 (đã đầu tư trong dự án 3). Dự án ngoài mở rộng phạm vi chống ngập cho vùng lõi đô thị Cần Thơ, còn có tác dụng lan tỏa lớn, tạo động lực phát triển bền vững cho thành phố.

Sớm hoàn thiện báo cáo dự án

Các sở, ban ngành đã có ý kiến góp ý để hoàn thiện đối với Dự án chống ngập, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị của TP Cần Thơ. Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, cho biết: Về phương pháp và phạm vi chống ngập của dự án, Sở Giao thông vận tải hoàn toàn thống nhất; do đó phương pháp phân ô để chống ngập theo dự án là hợp lý và phù hợp với Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP Cần Thơ đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua. Phương pháp chống ngập này cũng đã được thực tiễn chứng minh ở Dự án 3: phương pháp kè, kết hợp cống ngăn triều, trạm bơm.

Theo ông Lê Tiến Dũng, vùng lõi thành phố có nhiều cơ sở, công trình hạ tầng kỹ thuật quan trọng nên cần ưu tiên tập trung chống ngập trước là hợp lý, Dự án 3 đã làm gần 2.700ha, tiến tới đây dự án này sẽ thêm khoảng 2.700ha nữa. Ngoài ra, dự án cũng đề xuất tận dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật đang chuẩn bị đầu tư giống như đê bao, chẳng hạn như quốc lộ 91 (đoạn km0-7) Sở Giao thông vận tải đang triển khai đầu tư xây dựng vừa mang tính chất giải quyết bài toán giao thông và giải quyết cho chống ngập, quốc lộ 91B cao trình cũng đảm bảo chống ngập…

Tại buổi làm việc nghe Ban cán sự Đảng UBND thành phố báo cáo Dự án chống ngập, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp chỉnh trang đô thị của TP Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ nhấn mạnh: Thực hiện dự án này trên cơ sở có quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong chương trình chống ngập, thích ứng biến đổi khí hậu của thành phố đã được phê duyệt; đề nghị Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện báo cáo dự án, để khi trình cấp có thẩm quyền; đồng thời báo cáo đánh giá hiệu quả các dự án chống ngập, biến đổi khí hậu của giai đoạn vừa qua thành phố đã thực hiện; đánh giá thực tế, lấy ý kiến các nhà khoa học, cộng đồng dân cư; làm rõ thêm tính cấp bách, quan trọng của dự án như tình hình ngập, sạt lở, vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị, những tác động phát triển kinh tế - xã hội; những cơ sở quy hoạch định hướng phát triển thành phố.

Bài, ảnh: ANH KHOA

 

Chia sẻ bài viết