07/11/2023 - 08:58

Nghị quyết Thông qua Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

VII. PHƯƠNG ÁN PHÂN BỔ VÀ KHOANH VÙNG ÐẤT ÐAI

1. Ðến năm 2030, theo chỉ tiêu phân bổ tại Quyết định số 326/QÐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ, tổng diện tích đất tự nhiên là 144.040 ha, trong đó: đất nông nghiệp khoảng 104.807 ha; đất phi nông nghiệp khoảng 39.233 ha. Quy hoạch thành phố Cần Thơ đề xuất nhu cầu chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2030 có thay đổi so với chỉ tiêu được giao, với diện tích đất nông nghiệp khoảng 85.191 ha (giảm khoảng 19.616 ha) và đất phi nông nghiệp khoảng 58.849 ha (tăng khoảng 19.616 ha).

2. Kiến nghị Chính phủ phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất và khoanh vùng đất đai theo đúng nhu cầu sử dụng đất tại quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các dự án có sử dụng đất theo các phụ lục kèm theo Quy hoạch này.

3. Ðảm bảo việc sử dụng đất có hiệu quả, tiết kiệm; đảm bảo cho sự phát triển bền vững; tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực cho sự phát triển của thành phố. Việc bố trí sử dụng đất đai linh hoạt, hợp lý trên cơ sở cân đối nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực phù hợp với chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và định hướng quy hoạch thành phố.

4. Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, phê duyệt quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện phù hợp với phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất trong quy hoạch thành phố để làm căn cứ thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định pháp luật đất đai.

VIII. PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ ÐA DẠNG SINH HỌC; KHAI THÁC SỬ  DỤNG, BẢO VỆ TÀI NGUYÊN; PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ ỨNG PHÓ BIẾN ÐỔI KHÍ HẬU

1. Phương án bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học

a) Phân vùng bảo vệ môi trường:

Phân vùng bảo vệ của thành phố Cần Thơ theo 03 vùng để làm cơ sở triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường, bao gồm:

- Vùng bảo vệ nghiêm ngặt: toàn quận Ninh Kiều và các Khu dân cư tập trung ở đô thị của quận Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt; nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt; khu vực bảo vệ của di tích lịch sử văn hóa.

- Vùng hạn chế phát thải: khu dân cư tập trung ở đô thị các trung tâm huyện, xã; hành lang bảo vệ nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

- Các vùng bảo vệ khác: các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện hữu, cụm cảng; các vùng còn lại trên địa bàn thành phố quản lý.

b) Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học:

- Bảo tồn và phát huy các giá trị đặc biệt về thiên nhiên, đa dạng sinh học về các nguồn gen, loài sinh vật và hệ sinh thái trên địa bàn thành phố nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường và giá trị đa dạng sinh học.

- Ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học, khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; phát triển nghiên cứu khoa học phục vụ bảo tồn, gìn giữ, đa dạng sinh học, phục hồi cảnh quan bị suy thoái. Khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước, khoáng sản và nguồn lợi thủy sản.

- Duy trì và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen được bảo tồn. Phát triển hoạt động du lịch sinh thái và giáo dục môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

c) Bảo vệ môi trường tại các khu xử lý chất thải, nghĩa trang:

- Tại các khu xử lý chất thải: được bố trí đảm bảo khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường theo các quy chuẩn hiện hành; có hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, sử dụng công nghệ tiên tiến và hiện đại.

- Tại các nghĩa trang: phù hợp với quy hoạch; có vị trí, khoảng cách đáp ứng yêu cầu về vệ sinh môi trường, cảnh quan khu dân cư, không gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh.

d) Phát triển mạng lưới quan trắc:

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về môi trường và đầu tư hạ tầng trang thiết bị về quan trắc môi trường tự động và liên tục; phát triển cơ sở hạ tầng, thiết bị, mạng lưới quan trắc cho từng loại môi trường; xây dựng trạm quan trắc môi trường tự động: quan trắc môi trường nước mặt, quan trắc định kỳ môi trường nước dưới đất, quan trắc môi trường không khí, quan trắc định kỳ môi trường đất, quan trắc định kỳ môi trường trầm tích.

2. Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên

a) Thành phố Cần Thơ không có các loại khoáng sản thuộc đối tượng thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản cấp
quốc gia.

b) Ðối với loại khoáng sản thuộc phạm vi quản lý của thành phố:

- Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản dựa trên quan điểm phát triển bền vững, thực hiện theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở dự báo nhu cầu, tiếp tục khai thác hai mỏ cát hiện hữu tại khu vực Trường Thọ và khu vực Thới An đến khi hết thời hạn cấp phép sẽ thực hiện đóng cửa mỏ theo quy định. Thực hiện thủ tục cấp phép đối với hai mỏ cát Tân Lộc và Phước Lộc thuộc quận Thốt Nốt (đúng theo quy định của pháp luật) và triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản các khu vực mỏ: Phước Lộc 2 thuộc phường Tân Lộc quận Thốt Nốt; Trà Nóc thuộc phường Trà Nóc quận Bình Thủy và phường Phước Thới quận Ô Môn; Phú Thứ - Tân Phú thuộc phường Phú Thứ và phường Tân Phú quận Cái Răng; Tân Phú thuộc phường Tân Phú quận Cái Răng.

- Thành phố Cần Thơ đã khoanh định các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản nằm rãi rác, không tập trung tại các quận, huyện. Trong quá trình triển khai thực hiện, tùy theo yêu cầu thực tiễn, các khu vực cấm hoạt động khoáng sản, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản có thể được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và quy định của pháp luật. 

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết