11/06/2009 - 20:38

Nghị lực người phụ nữ tật nguyền

Chúng tôi gặp chị Phan Thị Bé Chính tại buổi phát xe lắc tay cho người khuyết tật (NKT), chị là 1 trong 10 người được nhận xe lắc hôm ấy. Để cảm ơn những nhà hảo tâm đã lặn lội đường xa từ TP Hồ Chí Minh xuống tặng xe, chị ca bài vọng cổ “Lời con chim xanh” do chính chị sáng tác. Ca từ buồn, giọng ca cũng buồn, nhưng ẩn chứa trong đó một nghị lực sống mạnh mẽ như chính cuộc đời của chị.

Tìm lối vào đời

Chị Phan Thị Bé Chính sinh ra trong một gia đình làm nông ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang có đến 8 anh chị em mà chị là con út. Khi sinh ra, chị cũng lành lặn, bình thường. Được 3 tháng tuổi, chị lên cơn sốt, mẹ chị đem đến thầy lang vườn chích thuốc, sau đó chị bị liệt 2 chân, tay trái bị khèo. Quá đau xót, cha mẹ đưa chị lên các bệnh viện ở TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh chữa trị nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Chị vừa khóc, vừa kể: “Tội cho cha mẹ lắm! Nhà thì ở trong đồng mà nghe ở đâu có thầy giỏi, thuốc hay là khăn gói bồng tôi đi chữa trị. Tiền cạn dần, cha mẹ phải bán 3 công ruộng để lo thang thuốc cho tôi, cuối cùng bệnh vẫn không hết. Tôi đành phải chịu cảnh tật nguyền”.

Ở nhà quanh quẩn mãi cũng buồn, thấy anh chị học bài, chị bập bỏm đánh vần, viết chữ, làm tính theo. Đến năm 12 tuổi, thấy con nằn nì quá, mẹ đành cõng chị đến trường học. Trường cách nhà 200m nhưng đường sình, cầu sắt trơn trợt, nhiều hôm cõng con về đến nhà, hai chân mẹ sưng phồng, đau nhức. Bù lại chị Chính rất thông minh. Đi học buổi đầu tiên ở lớp 1, khi cô giáo viết chữ trên bảng, chị đã đọc, viết được. Ngày hôm sau, cô chuyển chị lên lớp 2. Ở lớp 2, chị chỉ học 1 ngày rồi cô chuyển chị lên học lớp 3 vì thấy chị biết đọc, biết viết và làm được các phép tính đơn giản. Suốt cả năm học lớp 3, chị đứng nhất lớp. Nhưng mỗi lúc ra chơi hay đến giờ lao động, chị chỉ ngồi buồn nhìn các bạn. Đã thế, bạn bè còn chọc ghẹo, gọi chị là “Chính què”. Khi bạn bè trêu chọc, chị không hề rơi nước mắt, ai cũng tưởng cô bé Chính rất cứng cỏi, nhưng đêm về, chị trùm mền khóc thầm, không dám tâm sự với mẹ. Ba năm học cũng trôi qua nhanh, chị học xong tiểu học. Ngày đầu đến trường THCS để học, chị xót xa vì mẹ phải cõng chị đi suốt 2km. Năm ấy, mẹ ngoài 50 tuổi, sức đã yếu mà đường đi thì khó khăn. Thương mẹ quá, chị đành nuốt nước mắt, cắn răng nghỉ học. Những nỗi buồn trong lúc đi học trở thành nguồn cảm hứng cho chị viết bài vọng cổ “Lời con chim xanh”. Bài vọng cổ này được lan truyền trong cộng đồng NKT.

Chị Phan Thị Bé Chính, người ngoài cùng bên phải. 

Nghỉ học ở nhà buồn quá, chị xin cha mẹ cho đi học may. Cha chị chèo xuồng đưa con ra thị trấn tìm thầy để học nhưng nhìn bộ dạng tật nguyền của chị, không nơi nào chịu nhận. Không nản lòng, chị tìm cách học may qua bạn bè. Chị kể: “Mỗi lần mấy đứa bạn đi học may về ngang nhà là tôi rủ tụi nó vô nhà chơi, rồi học lóm nghề. Ban đầu chỉ dám xin mẹ miếng vải vụn, miếng trải bàn để cắt may thử”. Do hai chân bị tật nguyền nên chị phải kê thêm một cục gạch trên bộ vạt đặt dàn máy may lên, rồi chồm người lên máy may để có điểm tựa đạp. Chân tay trái rất yếu nên chị chỉ sử dụng chân phải và tay phải để đạp và may. Chỉ việc tập sử dụng máy may cho thành thục, chị cũng mất mấy ngày, mồ hôi, nước mắt chan hòa.

Trời không phụ lòng người, chiếc áo đầu tiên may từ miếng vải trải bàn, chị mặc thử ai cũng khen đẹp. Từ thành công bước đầu, chị cắt thử đồ bộ rồi quần tây, áo sơ-mi... Sau đó, chị còn nhận may đồ cả cho lối xóm, rồi nhận 4 học trò nghèo dạy may, nuôi cơm, dạy nghề cho họ miễn phí. Mỗi ngày, chị có thể may từ 2-3 bộ đồ bộ, còn quần tây, áo sơ-mi thì cắt may công phu hơn nên mỗi ngày chỉ được 1 bộ. May được một thời gian, nhận thấy nghề may tuy đủ sống nhưng không có dư nên chị chuyển sang nghề bán mỹ phẩm dạo, kiếm thêm thu nhập phụ nuôi cha mẹ già.

Lần lượt các anh chị có gia đình riêng, chỉ còn chị sống cùng cha mẹ già, cuộc sống, kinh tế gia đình cũng tạm ổn. Theo lời mai mối, chị nên duyên cùng một thanh niên bình thường. Thương anh gia cảnh nghèo khó, cha mẹ chị để hai vợ chồng chị sống chung với họ. Chị may đồ, anh thì làm ruộng phụ cha mẹ vợ, cuộc sống cứ thế êm đềm trôi đi. Rồi chị mang thai, cả nhà ai cũng mừng cho chị. Không ngờ, thai vừa được 5 tháng thì anh bỏ về nhà cha mẹ ruột. Chị buồn quá, ban ngày vẫn may bình thường, nhưng ban đêm khi mọi người đã ngủ, chị vừa khóc vừa viết nhật ký, rồi làm thơ, sáng tác ca cổ, nghe radio... cho khuây khỏa.

Cuộc sống mới

Năm 1998, chị sinh một bé gái bụ bẫm, xinh xắn. Khi có con, làm mẹ, nỗi buồn nguôi ngoai dần. Tháng 4-1999, tỉnh Cần Thơ phát động cuộc thi thơ dành cho người khuyết tật, chị tham gia và đạt giải nhì với bài “Ước mơ nho nhỏ”, giải khuyến khích với bài “Mẹ của tôi” (cuộc thi không có giải nhất). Điều may mắn nhất là trong cuộc thi này, chị làm quen với nhiều người cùng cảnh ngộ. Đặc biệt, chị làm quen với cô Bùi Thị Hồng Nga. Sau đó, cô Nga thành lập Câu lạc bộ NKT TP Cần Thơ, chị tham gia và trở thành một hội viên nhiệt tình, năng nổ. Thông qua những buổi sinh hoạt, chị tìm thấy niềm vui mới trong cuộc sống. Tháng 7-2002, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ cùng Câu lạc bộ NKT TP Cần Thơ tập hợp những NKT tập luyện gần 2 tháng trời. Ban ngày đi bán vé số, đêm đến chị hăng say luyện tập. Tại cuộc thi văn nghệ dành cho NKT toàn quốc, chị đạt Huy chương vàng với bài ca cổ “Bên mộ người đồng đội” và “Đàn sáo Hậu Giang”. Vui nhất là chị được tham quan hầu hết các thắng cảnh ở Huế. Đây là chuyến đi xa nhất và ấn tượng nhất trong cuộc đời chị.

Trở về từ Huế, chị làm bạn với chiếc xe lắc, hằng ngày cặm cụi đi bán vé số để nuôi con và cha mẹ già. Nhờ bà con thương tình ủng hộ nên ngày nào chị kiếm lời được 40.000-50.000 đồng. Ngày ngày, chị đi bán vé số về rồi hủ hỉ với cha mẹ và con gái. Nhắc đến con, gương mặt chị sáng hẳn lên, chị tự hào kể: “Con tôi có hiếu lắm. Tôi vừa đi bán vé số về là nó soạn quần áo, dầu gội, xà bông cho mẹ tắm, xong dọn cơm cho mẹ ăn, gom quần áo dơ đi giặt. Nó siêng học lắm, năm nào cũng được học sinh tiên tiến. Tôi chỉ mong có sức khỏe để nuôi con ăn học thành tài”.

Cuộc sống chưa hết khó khăn, cha mẹ đều trên dưới 80 tuổi, sức khỏe ngày càng yếu, nhưng lúc nào chị cũng tự an ủi mình được may mắn có cha mẹ già hết lòng thương yêu và cô con gái xinh xắn, hiếu thảo. Trên bước đường mưu sinh hằng ngày, mỗi khi gặp những NKT khó khăn, không có xe lăn, xe lắc, chị lại điện thoại đến cô Bùi Thị Hồng Nga để xin xe, xin tiền hỗ trợ cho những người đồng cảnh ngộ. Hôm gặp tôi, chị hớn hở khoe: “Nghe cô Nga nói, năm sau sẽ có cuộc thi văn nghệ toàn quốc dành cho NKT tổ chức tại Đà Nẵng. Mình sẽ cố gắng luyện tập để đem giải thưởng về cho Hội NKT TP Cần Thơ”.

Nhìn chị say sưa kể về mẹ, về con, về những người bạn khuyết tật còn đang gặp nhiều khó khăn với ánh mắt chứa chan tình cảm, tôi như được vui lây. Với một tâm hồn đẹp, niềm tin vào bản thân và cuộc đời với sức sống mãnh liệt, nhờ đó chị mới có được nguồn cảm hứng sáng tác nên những bài hát chan chứa tình người. Tôi thầm cầu chúc cho chị mạnh khỏe, tiếp tục lao động nuôi cha mẹ già và đứa con thơ, có được những sáng tác hay, nêu gương sáng, là điểm tựa, niềm tin đối với NKT.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết