03/02/2020 - 10:12

Nghề phiên dịch 

Phục vụ nhu cầu khách nước ngoài đến làm việc, du lịch, phiên dịch viên được xem là một trong những vị trí việc làm có môi trường làm việc năng động, đem lại thu nhập cao, có nhiều cơ hội giao tiếp, kết bạn và còn được đặt chân đến nhiều vùng đất mới. Tuy nhiên, một phiên dịch viên giỏi không chỉ nghe, nói giỏi ngoại ngữ là đủ.

Nghề nhiều áp lực

Chị Vũ Thu Hằng phiên dịch trong một Hội thảo quốc tế tổ chức tại TP Cần Thơ vào cuối năm 2019. Ảnh: ANH SƠN

Chị Vũ Thu Hằng, 37 tuổi, đang làm việc tại Học viện Tư pháp và là một phiên dịch viên tiếng Anh có nhiều năm kinh nghiệm, thường được mời hỗ trợ phiên dịch tại các hội nghị, hội thảo quốc tế cấp Trung ương. Chị Hằng bắt đầu vào nghề phiên dịch ngay khi vừa tốt nghiệp Cử nhân Ngôn ngữ Anh của Học viện Ngoại giao năm 2005. Chị chia sẻ: “Khi ra trường, đi làm, được giao phụ trách các dự án có yếu tố nước ngoài, tôi thường kiêm luôn nhiệm vụ phiên dịch nên sớm quen với nghề này. Những lần phiên dịch lúc mới vào nghề, tôi không tránh khỏi tâm lý lo lắng, hồi hộp đến mất ngủ. Sợ nhất là vốn từ và kinh nghiệm chưa đủ, không phiên dịch sát ý của diễn giả, sẽ vô tình làm ảnh hưởng đến chất lượng các buổi làm việc. Buổi phiên dịch đầu tiên dù không quá dài nhưng cũng đủ làm phiên dịch viên mới bước vào nghề “mệt bở hơi tai””.

Trước đây, có rất ít các khóa tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm về nghề phiên dịch. Vì thế, hầu hết các phiên dịch viên từ tuổi chị Hằng trở lên đều tự trang bị cho mình những kiến thức và kinh nghiệm qua quá trình tự học và làm việc thực tế để “nghề dạy nghề”. Một phiên dịch viên giỏi được đánh giá bằng việc có thể ghi nhớ tốt và tóm lược rồi dịch lại thật nhanh, ngắn gọn, súc tích, chính xác ý của diễn giả. Muốn làm tốt nghề, phiên dịch viên cần có năng khiếu và lòng yêu nghề để có đủ sự kiên trì và không dễ bị nản lòng trước khó khăn của nghề này. Năng khiếu có thể nói đến là sức cảm thụ ngôn ngữ và khả năng biểu cảm trong phiên dịch. Còn một vấn đề khác, phiên dịch giỏi rất cần sức khỏe tốt. Vì ngoài việc phải di chuyển thường xuyên theo các chuyến công tác, trong một buổi hoặc ngày làm việc, thường có nhiều diễn giả thay phiên nhau thì phiên dịch viên chỉ có một. Phải làm việc liên tục, phiên dịch viên dễ bị đuối sức nếu không biết cách phân chia công việc và chuẩn bị nền tảng sức khỏe hợp lý.

Chị Hằng cho biết: “Phiên dịch sợ nhất là gặp tình huống bị “quăng bom”, tức trong chương trình đã biết trước bất ngờ được bổ sung thêm một số nội dung khác mà phiên dịch viên không được cung cấp thông tin. Hoặc được giao phiên dịch những lĩnh vực hoàn toàn mới, phiên dịch chưa có thời gian tìm hiểu từ khóa, từ chuyên môn,… Những lúc này, mức độ thành công của hoạt động phiên dịch hoàn toàn phụ thuộc vào bản lĩnh, kiến thức sẵn có của phiên dịch viên. Và đương nhiên, mức độ rủi ro đối với phiên dịch viên cũng rất cao. Đó là chưa kể, thời gian làm việc của những chương trình có nội dung phát sinh sẽ kéo dài hơn so với kế hoạch, phiên dịch viên sẽ rất mệt.

Không ngừng học tập

Tiến sĩ Võ Minh Đức, công tác tại Trung tâm Ngoại Ngữ, Trường Đại học Cần Thơ, là giảng viên dạy tiếng Nhật và tiếng Anh và cũng là một biên, phiên dịch viên nhiều năm kinh nghiệm cả 2 ngoại ngữ này. Tiến sĩ Đức cho biết, năm 1996, khi đang học Đại học Sư phạm tiếng Anh tại Trường Đại học Cần Thơ, ông có duyên may được làm quen một giáo sư người Nhật Bản đang phụ trách dự án xây dựng Khoa Nông nghiệp tại trường. Vị giáo sư này và ông cùng trao đổi, chỉ dạy cho đối phương học tiếng mẹ đẻ của nhau. Càng học càng mê, thầy Đức còn âm thầm tự học thêm tiếng Nhật qua sách vở, internet, bạn bè. Từ 2006, Tiến sĩ Đức được nhà trường tạo điều kiện cho tham gia khóa học đào tạo giảng viên giảng dạy Ngôn ngữ - Văn hóa Nhật tại Nhật Bản trong 2 năm. Đến năm 2018, thầy tiếp tục được sang Nhật học giai đoạn 2 của khóa học này.  Tiến sĩ Võ Minh Đức cho biết: “Cứ sau mỗi lần học lại biết thêm nhiều điều mới, đôi lúc làm tôi có cảm giác kiến thức và những quy tắc sử dụng ngôn ngữ của người Nhật Bản học hoài cũng không hết. Từ cách sử dụng phương ngữ các vùng miền, đến ngôn ngữ giữa các thế hệ cũng có sự khác biệt. Muốn làm phiên dịch giỏi, người học cần liên tục cập nhật kiến thức về ngoại ngữ mình đang theo đuổi để có thể bắt kịp cách sử dụng từ vựng của người bản xứ”.

Tiến sĩ Võ Minh Đức chia sẻ: “Những lần đầu tiên tham gia phiên dịch, tôi bị sốc ngôn ngữ, do khách đến từ nhiều vùng miền khác nhau nên mỗi người một kiểu nói và khách còn nói rất nhanh, nghe không kịp. Rồi vốn từ còn hạn chế nên rất nhiều từ phương ngữ tôi phải mất thời gian xử lý lại cho dễ hiểu hơn. Đôi khi tôi còn phải sử dụng đến hình ảnh minh họa để hỗ trợ diễn đạt cho khách hiểu nhanh và đúng ý nhất”. Ngoài phiên dịch, Tiến sĩ Võ Minh Đức còn tham gia hỗ trợ nhiều sở, ngành và các quận, huyện biên dịch các tài liệu ngoại ngữ và phiên dịch khi có người nước ngoài làm việc trực tiếp. Đặc biệt, nhiều lần hỗ trợ ngành chức năng phiên dịch trong những vụ án mà phạm nhân là người nước ngoài giúp ông bổ sung nhiều kinh nghiệm sử dụng từ vựng ngoại ngữ. 

Theo thầy Đức, ngoài kiến thức, kỹ năng phiên dịch nhanh nhạy, phiên dịch viên giỏi đặc biệt cần tìm hiểu nhiều về văn hóa và kể cả tính cách của người bản xứ để có cách giao tiếp, ứng xử phù hợp. Có vậy, khách mới vui vẻ, sẵn sàng góp ý, chỉ dạy thêm nếu phiên dịch viên sử dụng từ chưa chuẩn. Ngoài ra, ngôn ngữ cũng biến đổi từng ngày, vì thế, phiên dịch viên cũng phải học liên tục. Ngược lại, nghề phiên dịch là con đường ngắn và thực tiễn nhất giúp phiên dịch viên bổ sung vốn từ và kinh nghiệm sử dụng ngoại ngữ.

Chị Hằng nhắn nhủ các phiên dịch viên trẻ, mới vào nghề: “Mắc lỗi là chuyện bình thường. Vì thế, phiên dịch viên mới bước chân vào nghề cần học cách bình tĩnh xử lý tình huống và đừng quá mặc cảm khi phiên dịch mắc lỗi. Vì chính những va vấp này, khi vượt qua, phiên dịch viên sẽ tích lũy được cho mình thêm nhiều kinh nghiệm để đủ sức bám trụ với nghề”.

MỸ TÚ

 

Chia sẻ bài viết