Dọc tỉnh lộ 922 thuộc địa bàn ấp Đông Lợi, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, là những ngôi nhà khang trang, thoáng mát của các chị em chuyên nghề gia công sản phẩm quần áo may sẵn. Sau thời gian bôn ba rời quê tìm việc, khi hồi hương, các chị vững vàng tay nghề, ổn định thu nhập, chăm lo phát triển kinh tế, vun vén hạnh phúc gia đình.
Nghề may gia công giúp chị em chị Hồng Gấm (người ngồi phía trước) tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Gian nhà rộng của chị Trần Thị Hồng Gấm luôn rộn vang tiếng nói cười, khiến không khí lao động thêm hào hứng. Chị Hồng Gấm vừa nhận nguyên liệu về, nhanh tay phân phối cho chị em và chốt ngày hoàn tất lô hàng. Đơn hàng đợt này ráp áo thú cưng, tuy không quá khó nhưng cần sự kỹ lưỡng, tỉ mỉ, đảm bảo sản phẩm không bị lỗi. Chị em may theo công đoạn, chị Gấm khéo tay nên đảm nhận các công đoạn, chi tiết khó. Chị Gấm cho biết, sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, dịch vụ may gia công bắt đầu nhộn nhịp, đơn hàng liên tục nên các chị phải tập trung may để kịp ngày giao hàng. Cứ 3 ngày hay 1 tuần, chị Gấm đảm trách giao sản phẩm và nhận nguyên liệu.
Khoảng 20 năm trước, gia cảnh khó khăn, chị Gấm cùng chị thứ hai (chị Nhung) và em thứ tư (chị Lụa) theo bạn bè rời quê, đi xa tìm việc làm. “Chân ướt chân ráo” 3 chị em chị Gấm thuê trọ, dò hỏi đăng ký vào công ty may ở TP Hồ Chí Minh. Qua thời gian thử việc, các chị làm công nhân chính thức, nhanh chóng thạo việc, giỏi nghề, với mức lương tăng ca đảm bảo cuộc sống, chăm lo gia đình, mỗi năm còn tích lũy được số vốn. Tranh thủ buổi tối, các chị nhận may áo sơ mi, vừa thêm thu nhập, vừa trau dồi nghề. Trong thời gian này, chị Gấm lấy chồng làm chung công ty và sinh con. Năm 2010, sau thời gian vừa làm vừa chăm sóc chồng hồi phục sức khỏe do tai nạn giao thông, chị Gấm quyết định cùng chị em hồi hương lập nghiệp. Chị Gấm bày tỏ: “Tuy tất bật lao động mưu sinh nhưng lúc nào chị em tôi cũng đau đáu nỗi nhớ quê. Tôi tự nhủ đến thời điểm thích hợp sẽ quay về nhà”.
Thời gian đầu về quê, các chị nấu rượu, nuôi heo kiếm sống, chờ vào làm việc tại công ty may. Anh em bạn rể thì rủ nhau theo các công trình xây dựng làm hồ. Riêng chị Gấm nghĩ, đã đến lúc phải tự lập nghiệp, nên nhờ người quen giới thiệu mối mang để nhận may hàng gia công, vừa kiếm sống, vừa có thời gian gần gũi, chăm sóc mẹ già sau 10 năm bươn chải, tha hương. Chị Nhung nói: “Từ khi tôi kết nối các cơ sở nhận hàng may gia công, chị em tập trung làm tại nhà. Nguồn hàng liên tục, ổn định, thu nhập mỗi người từ 6 triệu đồng/tháng, chi tiêu hợp lý cũng có dư hơn lúc trước”.
Để cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, chị Gấm được Hội LHPN xã giới thiệu vay 95 triệu đồng vốn ưu đãi, đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, đảm bảo năng suất, tiến độ. Chị Gấm nói: “Hơn 10 năm hợp đồng nhận may hàng gia công, tôi luôn giữ uy tín nên mối mang lâu dài, bền vững. Tôi được ưu tiên nguồn hàng không gián đoạn, nhờ vậy đảm bảo việc làm cho chị em. Đối với những đơn hàng gấp, cả nhà cùng “tăng ca” để hoàn thành đúng hẹn”. Chị Lụa cho biết: “Trong cuộc sống, chị Gấm hết lòng yêu thương, giúp đỡ chị em, còn trong công việc thì quyết đoán, quy tắc lắm. Sản phẩm làm ra đảm bảo kỹ thuật từ đường may, nếp gấp, không xuề xòa được”. Chị Gấm tranh thủ hướng dẫn em trai và các cháu may các công đoạn để dần thạo nghề và yêu quý đồng tiền do công sức làm ra. Từ nguồn thu nhập tích lũy, các chị lần lượt cất nhà khang trang liền kề nhau, vui sống thuận hòa, hiệp lực vượt khó, thoát nghèo. Chị Gấm bộc bạch: “Cuộc sống gia đình chị em no đủ, hạnh phúc, các cháu thuận lợi học hành, tôi rất vui và thấy sự nỗ lực trau dồi, duy trì nghề nghiệp của mình lâu nay thật ý nghĩa”.
Chị Trần Thị Tường Vi, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Hiệp, nói: “Mô hình may gia công của chị Hồng Gấm giúp các thành viên trong gia đình ổn định việc làm, thu nhập, từng bước vươn lên khấm khá. Thời gian tới, khi nguồn nguyên liệu dồi dào, ổn định, Hội Phụ nữ xã sẽ nghiên cứu phối hợp mở rộng mô hình may gia công, góp phần tạo việc làm tại chỗ cho nhiều người, hạn chế tình trạng tha hương tìm việc”.
Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG