04/01/2021 - 09:07

Nghề làm chậu kiểng vào mùa Tết 

Chậu kiểng là vật dụng phụ trợ nhưng không thể thiếu đối với người trồng cây cảnh và hoa kiểng. Hiện nay, những người theo nghề này đang tất bật chuẩn bị sản phẩm để cung ứng ra thị trường, phục vụ người trồng hoa, kiểng trong dịp Tết Nguyên đán 2021.

Các sản phẩm do anh Tây làm ra, chuẩn bị giao cho khách hàng.

Các sản phẩm do anh Tây làm ra, chuẩn bị giao cho khách hàng.

Những ngày cuối năm, anh Huỳnh Phú Tây, chủ cơ sở sản xuất chậu cây cảnh ở khu vực Thới Hòa (phường Phước Thới, quận Ô Môn) tất bật với công việc. Anh Tây cho biết: “Thời điểm này, lượng khách hàng đến tìm mua chậu ngày một nhiều. Ðể kịp giao hàng cho khách, tôi tranh thủ làm thêm giờ và mướn người phụ giúp”.

Ban đầu, khi mới theo nghề, anh Tây gặp không ít khó khăn, nhất là đầu ra cho sản phẩm. Ðể giải quyết bài toán này, anh đi khắp nơi để giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng. Ngoài ra, anh còn đăng tải, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội. Dần dần, sản phẩm của anh được người tiêu dùng biết đến; khách hàng tìm mua chậu cũng đông hơn…

Ông bà ta thường ví von “Con chim quý thì phải ở lồng son” còn người chơi cây cảnh thì coi chậu và đôn chậu là một phần vô cùng quan trọng. Vì thế, nghề làm chậu kiểng cũng từ đó song hành với người chơi hoa cảnh. Nghề làm chậu kiểng phải tinh tế và rất đỗi công phu. Với đôi bàn tay điêu luyện, anh Tây xoa nhẹ mép chậu, liên tục xoay chuyển, đổ bê tông, tạo hoa cho chậu kiểng. Khi chậu đã đủ độ cứng, anh tháo khuôn ngoài, quét thêm một lớp mỏng xi măng, rồi tiến hành sơn, tỉ mỉ trang trí từng họa tiết, hoa văn, với màu sắc hài hòa. Từ năng khiếu hội họa và sở thích làm nghề chậu kiểng, đến nay, anh Tây đã tạo ra những mẫu chậu, đôn chậu mới lạ và đầy sáng tạo… Chị Nguyễn Thị Huyền (ở phường Trà Nóc, quận Bình Thủy), một trong những khách hàng của anh Tây, cho biết: “Ban đầu, tôi đến tham quan, mua một chậu kiểng lớn, có giá 2,5 triệu đồng. Ðã có lúc tôi nghĩ cái chậu này giá bán cao. Nhưng khi mua về, trồng cây mai vào, bạn bè đến nhà chơi, ai cũng khen chiếc chậu đẹp, tinh tế, góp phần tạo nên giá trị của gốc mai”…

Ðến một số cơ sở làm nghề chậu kiểng bằng xi măng trên địa bàn TP Cần Thơ, chúng tôi bắt gặp bầu không khí lao động khẩn trương, sôi nổi. Cạnh khu đất trống quanh nhà anh Nguyễn Hữu Phong (ở phường Thới An, quận Ô Môn) những chậu hoa thành phẩm được xếp thành hàng dài. Dưới ánh nắng óng ả, những chiếc chậu đủ màu đỏ, trắng... hòa cùng sắc xanh cây cảnh như tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp. Anh Phong có thâm niên nhiều năm với nghề làm chậu kiểng, bộc bạch: “Nghề làm chậu kiểng rất cần sự tinh tế và sáng tạo. Bởi có như vậy, chúng tôi mới đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người chơi cây cảnh”.

Giá bán mỗi chiếc chậu từ một, hai trăm ngàn đồng đến hai, ba triệu đồng, tùy từng loại. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, người làm nghề lời lãi không nhiều, nhưng có việc làm quanh năm, không lo thất nghiệp... Ông Trần Văn Ðức (xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai) đã gắn bó với nghề làm chậu kiểng nhiều năm, cho biết: “Tôi mua dụng cụ và vật liệu về làm chậu xi măng. Ban đầu, tôi dự tính làm chậu để trồng một số cây kiểng trong sân vườn. Nhiều người thấy tôi làm chậu đẹp thì hỏi mua. Từ đó, hơn 4 năm nay, tôi đã bén duyên với nghề này”. Lúc đầu, ông Ðức chỉ làm chậu nhỏ, dần dà quen tay, nắm vững kỹ thuật, ông chuyển sang sản xuất chậu có kích cỡ lớn hơn. Ðặc biệt, ông còn dành thời gian để thiết kế nhiều chiếc chậu có mẫu mã độc, đẹp. Sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, giá bình dân nên khách hàng tìm mua ngày càng đông…

Từ việc dám nghĩ, dám làm cộng với sự nhạy bén, biết nắm bắt nhu cầu thị trường, những người thợ làm nghề đúc chậu kiểng như anh Tây, anh Phong, ông Ðức… đã bén duyên với nghề. Mùa Tết này, họ lại hy vọng thị trường hoa cảnh, bonsai khởi sắc, để hàng làm ra bán được nhiều hơn để có nguồn thu khá hơn chăm lo cho gia đình một cái Tết sung túc.l

 Bài, ảnh: HIỂN DƯƠNG

Chia sẻ bài viết