13/08/2017 - 11:15

Nghe cô Tuyết tản mạn miền Tây 

“Chút tiếc nuối tuổi thơ, chút rạo rực xuân thì, chút bồi hồi hiện tại… Tất cả, tất cả đã đưa đứa trẻ ngày nào ngẩn ngơ theo từng cơn mưa bông sao đi qua những chặng đường muôn màu muôn vẻ của cuộc sống, đi qua những vui buồn được mất với bao nỗi ngậm ngùi”. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tuyết viết đôi dòng lời ngỏ như vậy, rồi lặng lẽ đưa người đọc vào một thế giới tự tình của “Tản mạn miền Tây”.

Giới văn chương Cần Thơ chẳng lạ nhà văn Nguyễn Ngọc Tuyết bởi tài viết lách và quảng giao, với cách gọi thân thương: “Cô Tuyết”- bởi cô là giáo viên về hưu. 70 tuổi, cô Tuyết vẫn thường cùng các bạn văn chương dọc miền đất nước để trải nghiệm và nuôi nấng cảm xúc, để thương yêu và trìu mến cuộc sống. “Tản mạn miền Tây” ra đời trong những hồi ức và những nhớ thương như thế.

Với những tản mạn như “Một thời bánh Tây”, “Bánh xèo ơi!”, “Ngày Tết nhớ chuối ngào gừng”… cô gọi đó là “Vị xưa”. Đọc “Vị xưa” của cô Tuyết sao nghe hương quê ngày xưa vẫn còn thổn thức, chợt thèm thuồng như chờ chiếc bánh mẹ làm trong chái bếp quê nghèo. Cô kể cho người đọc biết về bánh mì Ông Mập rồi nay là bánh mì Ba Cô vang danh; về những xâu mứt chùm ruột ngoại làm mà mỗi lần thưởng thức là “hình như chút hương mùa cũ lại về theo làn gió xuân bay”…

Nhớ “Vị xưa” rồi nhớ luôn “Nhớ thương mùa cũ”- tên phần hai của quyển sách. Nỗi nhớ ấy sao nhẹ nhàng mà đằm sâu tình nghĩa. Nhớ mái đình xưa rộn ràng hát bội Kỳ yên, nhớ chiếc giỏ lùn của bà, của mẹ, rồi nhớ cả mùa bông gòn bay bay trắng một góc trời, nhớ bông ô môi tím rụng, nhớ mùa nước nổi vàng bông điển điển… Cơ hồi nỗi nhớ, có tên, không tên nhưng lại là khắc họa cho một miền Tây đi xa thấy nhớ ở gần thấy thương.

Có muôn vẻ của hạnh phúc, và hạnh phúc với cô Tuyết thật giản đơn: Ấy là có một miền ký ức để hoài niệm, nuôi nấng tâm hồn để rồi: “Nhắm mắt lại, tiếng rao hàng của chị bán tàu hủ buổi trưa, bà bán xôi buổi sáng sớm, chú bán bánh mì ban đêm lại vang lên, thân quen ấm cúng như nhắc tôi: “Mình đang ở quê nhà”!” (trang 103).

Đúng như cách gọi của cô Tuyết, 31 bài viết trong quyển sách không hẳn là tản văn, chưa thành bút ký mà thực sự là những tản mạn, đầy ngẫu hứng và cảm xúc. Bằng ngôn từ đậm đà miền Tây, cô Tuyết kể bằng sự trải nghiệm của đời người và sự chiêm nghiệm của người đã bước sang tuổi “cổ lai hy”. Sự tinh tế, nhẹ nhàng, không cường điệu trong mỗi bài viết đã thu hút độc giả, dù chuyện cô Tuyết kể nhiều người đã biết, đã thấy.

Người đọc còn nghe trong mỗi bài viết ấy nét rưng rưng khi những “vị xưa”, “mùa cũ” nay đã không còn hoặc phai nhạt ít nhiều; nghe đau đáu những nét đẹp xưa cũ nay đã nhạt nhòa: “Ôi những ngôi nhà cổ bên đường, sao xao xuyến lòng người là vậy! Và tôi, buổi sáng nay sao lòng cứ mênh mang một nỗi hoài cổ đầy ngậm ngùi, nhớ tiếc khôn nguôi…”.

Đọc “Tản mạn miền Tây” của cô Tuyết khi mùa nước nổi đang tràn đồng miền Tây, gấp quyển sách lại, nhấp ngụm trà trong buổi sớm mai mà nghe như hương đồng gió nội đang ùa về trên từng con chữ…

DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết