22/01/2021 - 08:27

Ngày đầu ông Biden làm chủ Nhà Trắng 

Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức trưa 20-1, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký 15 sắc lệnh hành pháp, trong đó đảo ngược nhiều chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump.

Tân Tổng thống Biden ký một loạt sắc lệnh hôm 20-1. Ảnh: Reuters

Tân Tổng thống Biden ký một loạt sắc lệnh hôm 20-1. Ảnh: Reuters

Khẩn trương giải quyết khủng hoảng khí hậu

Các sắc lệnh, nhằm hiện thực hóa cam kết hành động nhanh chóng trong ngày đầu tiên trên cương vị tổng thống Mỹ, bao gồm khởi động tiến trình đưa Washington trở lại tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, hủy bỏ giấy phép xây dựng đường ống dẫn dầu gây nhiều tranh cãi Keystone XL từ Canada sang Mỹ, tạm ngừng các hoạt động cho thuê đất để khai thác dầu và khí đốt trong Khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia Alaska. Những sắc lệnh này sẽ đánh dấu sự khởi đầu của quá trình đảo ngược chính sách quan trọng đối với Mỹ, quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.

Theo Hiệp định Paris được gần 200 nước ký hồi năm 2015 nhằm kiềm chế tình trạng nóng lên toàn cầu, cứ mỗi 5 năm các quốc gia phải điều chỉnh cam kết ngăn chặn phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, cuối năm ngoái, Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi hiệp định này với lý do nó không công bằng khi cản trở việc phát triển ngành công nghiệp sản xuất nội địa.

Trong quá trình tranh cử, ông Biden hứa đưa Mỹ đạt mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050 để phù hợp với nỗ lực của thế giới mà theo giới khoa học là cần thiết để tránh những tác động khủng khiếp của sự ấm lên toàn cầu, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đầu tư lớn vào năng lượng sạch. Các chuyên gia nhận định mục tiêu của ông Biden đầy tham vọng nhưng vẫn có thể đạt được. Việc bắt đầu tái gia nhập Hiệp định Paris của ông cũng phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng Mỹ sẵn sàng hợp tác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và muốn khôi phục vai trò lãnh đạo như trước đây.

Bởi vậy, Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đặc biệt là Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đều hoan nghênh quyết định tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của chính quyền ông Biden. Ông Guterres cho rằng LHQ mong muốn Mỹ đi đầu đẩy nhanh nỗ lực toàn cầu hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải, bao gồm thực thi các đóng góp của Washington trong việc hướng tới các mục tiêu tham vọng vào năm 2030 và hỗ trợ tài chính cho vấn đề khí hậu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của LHQ về biến đổi khí hậu COP26 tại Anh năm nay.

“Bình minh mới” cho quan hệ xuyên Đại Tây Dương

Kêu gọi người dân đoàn kết

Trong bài phát biểu quan trọng sau lễ tuyên thệ nhậm chức tại Đồi Capitol, tân Tổng thống Joe Biden đã đưa ra thông điệp kêu gọi toàn bộ người dân Mỹ đoàn kết để giúp nước Mỹ vượt qua giai đoạn khó khăn chưa từng có trong lịch sử hiện nay, đồng thời cam kết sẽ là tổng thống của tất cả người dân Mỹ, kể cả những người đã không ủng hộ ông trong chiến dịch tranh cử vừa qua.

Phát biểu ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức tại Đồi Capitol, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định chính đoàn kết đã giúp chiến thắng sự chia rẽ trong suốt lịch sử của Mỹ, từ cuộc nội chiến, Đại suy thoái, chiến tranh thế giới và cả vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001. Chính vì vậy, nước Mỹ sẽ có nhiều việc phải làm để sửa chữa, khôi phục, hàn gắn và xây dựng để vượt qua khủng hoảng và thách thức và bắt đầu một thời kỳ mới, nơi người dân Mỹ có thể xích lại gần nhau để làm những điều lớn lao, quan trọng và vì những điều tốt đẹp hơn. 

Trong bài diễn văn nhậm chức, tân Tổng thống Biden cam kết sẽ nỗ lực khôi phục quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh và củng cố vai trò lãnh đạo toàn cầu của Washington sau 4 năm thực hiện chính sách “Nước Mỹ trước tiên” dưới thời người tiền nhiệm Trump.

Phát biểu này sẽ làm “mát dạ” giới chức châu Âu, bởi trước đó họ đã bày tỏ hy vọng về mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền mới tại Mỹ. Trong đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ca ngợi việc ông Biden chính thức nhậm chức tổng thống xứ cờ hoa như một “bình minh mới” cho lục địa già và Washington. EU và Mỹ có quan hệ chặt chẽ về văn hóa, lịch sử, kinh doanh và quốc phòng, nhưng Tổng thống Trump đã tìm cách quay lưng với EU cũng như ủng hộ việc Anh rời khỏi khối này. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã chúc mừng Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris. Trên trang Twitter cá nhân, ông Michel viết: “Tôi trông đợi được hợp tác với ông Joe Biden. Ðã đến lúc chúng ta phải làm trẻ hóa mối quan hệ EU - Mỹ”.

Thủ tướng Ðức Angela Merkel cũng gửi lời chúc mừng tới Tổng thống Biden cùng Phó Tổng thống Harris trong ngày nhậm chức. Theo người phát ngôn Chính phủ Ðức Steffen Seibert, bà Merkel mô tả việc ông Biden nhậm chức như một “lễ hội của nền dân chủ Mỹ” và kỳ vọng vào một chương mới trong mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Ðức và Mỹ.

Châu Á háo hức

Trên trang Twitter cá nhân. Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi viết: “Tôi xin gửi những lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới ông Joe Biden trong lễ nhậm chức tổng thống thứ 46 của Mỹ. Tôi mong đợi sẽ được hợp tác với ông nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Ấn Ðộ - Mỹ”.

Từ Tokyo, Thủ tướng Suga Yoshihide cũng gửi lời chúc mừng tới tân tổng thống Mỹ. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cho biết Nhật Bản và Mỹ là các đồng minh được ràng buộc chặt chẽ bởi các thỏa thuận chung. Ông Suga viết: “Tôi mong chờ được hợp tác với ông cũng như nội các của ông nhằm củng cố liên minh của chúng ta và hiện thực hóa một khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ hy vọng sẽ sớm sang thăm Mỹ, có thể là vào tháng 2, để gặp ông chủ mới của Nhà Trắng.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng gửi lời chúc mừng đến người đồng cấp Biden, nhấn mạnh quan hệ đồng minh giữa Seoul và Washington sẽ phát triển thậm chí mạnh mẽ hơn thông qua sự hợp tác trong hàng loạt vấn đề còn tồn tại. Trên tài khoản Twitter, Tổng thống Moon Jae-in viết: “Chúc mừng ông Joe Biden nhân lễ nhậm chức. Nước Mỹ đã quay trở lại. Sự khởi đầu mới của nước Mỹ sẽ khiến nền dân chủ trở nên lớn mạnh hơn...Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ nhằm duy trì hòa bình và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên và trong khu vực”.

Trong khi đó, Thủ tướng Úc Scott Morrison trên trang Twitter cá nhân viết: “Chúc mừng Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris trong lễ nhậm chức”. Ông Morrison khẳng định: “Ðồng minh Mỹ - Úc chưa bao giờ quan trọng hơn thế này. Tôi chúc cả hai thành công trong thời gian đương nhiệm và mong chờ được làm việc chặt chẽ với chính quyền mới của Mỹ”.

Vị trí đầu tiên trong nội các được xác nhận

Thượng viện Mỹ ngày 20-1 đã xác nhận bà Avril Haines giữ chức Giám đốc Tình báo Quốc gia, trở thành quan chức đầu tiên trong nội các của ông Biden được xác nhận. Cùng ngày, tân tổng thống Mỹ cũng bổ nhiệm Giám đốc Học viện Ngoại giao Mỹ Daniel Smith giữ cương vị quyền Ngoại trưởng. Ông Smith tạm thời giữ chức vụ này đến khi Antony Blinken - người được Tổng thống Biden đề cử làm Ngoại trưởng Mỹ - được Thượng viện công nhận. Trong khi đó, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang New York Charles Schumer cũng vừa trở thành lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mỹ, sau khi 3 thượng nghị sĩ mới đắc cử của đảng Dân chủ tuyên thệ tại cơ quan lập pháp này.

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết