13/03/2021 - 20:13

Ngành sản xuất phim thay đổi 

Các đơn vị sản xuất phim của Hollywood đã khởi động trở lại sau thời dài “ngủ đông” do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, các đơn vị, cá nhân làm việc trong ngành phải thay đổi để thích nghi trong bối cảnh mới.

Bức tường LED trong công nghệ sản xuất phim hiện nay.

Bức tường LED trong công nghệ sản xuất phim hiện nay.

Việc sản xuất phim đã được cho phép hoạt động trở lại nhưng phải đúng quy định phòng ngừa dịch bệnh. Nhà thiết kế sản xuất Scott Chambliss - nổi tiếng với “Godzilla: King of Monsters” (2019), “Guardians of the Galaxy Vol.2” (2017) và “Star Trek” (2009) - cho biết: “COVID-19 và giãn cách xã hội đã định hình lại mọi thứ trong ngành. Chúng tôi phải thích nghi với nhiều điều chưa có tiền lệ, ví như cách dựng phim, chọn bối cảnh”. Những cảnh đám đông khó được thực hiện tập trung tại phim trường như trước, thay vào đó sẽ là cảnh ảo. Một số bối cảnh bắt buộc phải theo kịch bản cũng sẽ được hình thành trong một môi trường mới. Ví dụ như những bối cảnh đó sẽ được thêm nhiều cửa sổ hay những ống thông gió. Điều này khiến các nhà làm phim phải bỏ thêm công sức và tiền bạc, nhưng buộc phải làm để đảm bảo môi trường làm việc thông thoáng. “Những thay đổi này về lâu dài sẽ thành thói quen và có thể hình thành những tiêu chuẩn mới trong ngành sản xuất”, Scott Chambliss nói.

Tuy nhiên trên thực tế, vẫn có các nhà làm phim khó thích nghi. Đạo diễn hình ảnh Paul Cameron cho rằng: “Từ kinh nghiệm trong ngành, tôi cho rằng công việc sẽ quay về quy chuẩn cũ khi dịch bệnh qua đi. Chúng tôi không thể mãi mãi đặt máy quay trên một giá đỡ, rồi sử dụng thiết bị điều khiển từ xa để quay phim. Để hình ảnh phim đạt chất lượng, cần rất nhiều người hỗ trợ với những thao tác kỹ thuật cũng như tư duy nghệ thuật của con người”. Chuyên viên âm thanh Mark DeSimone nói: “Chúng tôi phải phối hợp cùng nhau qua những kết nối trực tuyến. Các biên tập viên phải làm việc ở nhà và kết nối với đạo diễn, tổ sản xuất ở trường quay. Các chuyên viên lọc thoại sẽ gửi các bộ điều khiển từ xa đến nhà các diễn viên, đồng thời phải tiếp tục kết nối qua các phần mềm làm việc trực tuyến với những ai tham gia ghi âm. Môi trường làm việc này không lý tưởng cho cảm xúc và thăng hoa cần có trong nghệ thuật”.

Dù có khó khăn, nhưng nhiều người vẫn đánh giá cao những đổi mới này. Jeremiah O’Driscoll, chuyên gia dựng phim, cho biết: “Đội ngũ hậu kỳ đa phần làm việc tại nhà và phải kết nối thông suốt, thường xuyên qua các hệ thống như: Slack, Zoom, BlueJeans. Tất cả mọi người đều phải tham gia vào các phiên làm việc. Tôi cho rằng nhờ thoát khỏi những ràng buộc về thời gian và những căng thẳng tại trường quay, tiết kiệm thời gian di chuyển mỗi ngày từ trường quay về phòng dựng, nên chất lượng công việc của tôi tăng lên rất nhiều. Điều này cũng có thể hình thành một quy chuẩn mới”. Lon Molnar, đồng chủ tịch của MARZ, cho biết: “Mô hình hiệu ứng hình ảnh hiện nay của ngành công nghiệp phim ảnh khiến quá trình sản xuất và hậu kỳ kéo dài. Lại thêm các mốc thời hạn dày đặc, gây áp lực với đội ngũ hậu kỳ. Vì thế khi tận dụng triệt để công nghệ và kết nối làm việc từ xa, sẽ đẩy nhanh tiến độ công việc. Vấn đề là đội ngũ phải đồng lòng thích nghi và hoàn thiện quy trình làm việc cũng như kỹ thuật để đảm bảo chất lượng”. Đồng quan điểm, Tom Williams, Giám đốc điều hành MPC Episodic, nói: “Dịch bệnh khiến chúng tôi nhìn lại phương thức làm việc trước đây và nhận ra rằng có thể làm việc theo nhiều cách thức khác mà chúng tôi từng nghĩ không khả thi, nhưng thực tế mang lại hiệu quả tốt hơn. Tất nhiên, mỗi cách làm việc đều có những ưu thế, khuyết điểm riêng. Chúng tôi sẽ cân nhắc để linh hoạt sử dụng tối đa hai phương thức này khi tình hình ổn định”.

Jonny Slow, Giám đốc điều hành Pixomondo, cho biết: “Rất nhiều dự án phim từ năm 2020 còn tồn đọng khiến lịch trình sản xuất năm 2021 rất áp lực về thời gian. Việc vận dụng công nghệ trong công việc là cần thiết và khi đã quen với cách thức làm việc này thì việc quay lại như trước kia là rất khó. Điều dễ thấy chính là việc di chuyển ít hơn, tiêu thụ ít năng lượng hơn, cộng tác dễ dàng hơn, có thêm thời gian để tập trung... Rõ ràng là ngành sản xuất phim có lợi hơn”. Steven May, Giám đốc công nghệ Pixar, bày tỏ quan điểm: “Trước tiên, sự sáng tạo sẽ tốt hơn khi làm việc trong môi trường trực tiếp, nhưng khi làm việc trong không gian ảo thì sự tương tác và truyền cảm hứng nhiều hơn. Thứ hai, các ứng dụng trực tuyến ảo như zoom cho phép nhìn thấy quá trình sáng tạo một cách bao quát hơn. Việc nhanh chóng chia sẻ và mời các bên có liên quan vào cuộc đối thoại ngắn dễ dàng hơn, trong khi điều này khó thực hiện hơn khi làm trực tiếp với trên hai người. Một thuận lợi khác là bằng cách lắng nghe qua hình thức họp chung trong không gian ảo, một bộ phận lớn trong đoàn làm phim sẽ hiểu rõ hơn về các quyết định sáng tạo đang diễn ra và cách thức làm việc của từng người đóng góp vào quá trình làm phim”.

Sự chuyển đổi cách thức làm việc đã buộc nhiều nhà cung cấp và sản xuất phim đầu tư cho công nghệ nhiều hơn. Garin Josey, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc vận hành William F.White International, cho biết: “Chúng tôi đang hỗ trợ sản xuất thử nghiệm phim trường ảo bằng cách sử dụng các bức tường LED, chương trình kỹ thuật số kết hợp kỹ xảo điện ảnh cổ điển. Bằng cách này, hiệu ứng bối cảnh như thật sẽ tốt hơn và hạn chế tối đa người ở trường quay, cũng như không phải quá lo lắng về bối cảnh”.

Sản xuất phim đang chuyển đổi để thích nghi với tình hình mới, dần hình thành quy chuẩn mới và có thể làm thay đổi ngành công nghiệp điện ảnh, thậm chí tạo bước chuyển đổi đột phá về cách thức làm phim trong tương lai.

BẢO LAM (Theo VFXVoice, Nytimes, Hollywoodreporter)

Chia sẻ bài viết