27/03/2018 - 08:52

Ngành học nào sẽ “nóng”? 

Dù mùa tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ)năm 2018 mới khởi động, nhưng qua thông tin từ những đợt tư vấn tuyển sinh của các trường có thể thấy không ít thay đổi trong việc lựa chọn ngành, nghề của thí sinh. Và, để giúp thí sinh chọn lựa ngành nghề phù hợp, cần sự hợp tác từ nhiều phía.

Khối ngành kỹ thuật - công nghệ, cơ khí “lên ngôi”

Nguyễn Văn Phú, đang học lớp 12 ở huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Năm học lớp 10- 11, em muốn học ngành kinh tế để có thể làm việc ở công ty, doanh nghiệp hay ngân hàng. Khi lên lớp 12, em thấy học ngành công nghệ thông tin hoặc quản trị mạng sẽ dễ tìm việc làm hơn. Khi dự Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2018 ở Trường ĐH Cần Thơ vừa qua, em càng quyết tâm dự tuyển vào khối ngành công nghệ thông tin bởi nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp ở ngành này nhiều, sức học của em phù hợp”. Bà Nguyễn Ái Nhân (ở huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), có con gái đang học lớp 12, cho biết: “Hai con trai tôi đều học CĐ. Một đã ra trường và đi làm, một đang học năm thứ 2 ở Cần Thơ. Tôi đang tìm hiểu các ngành nghề của trường CĐ, trường nghề vì sức học của cháu ở mức trung bình. Hơn hết, thời gian học CĐ, nghề ngắn hơn, tiết kiệm chi phí mà cơ hội tìm việc cao”. 

Học sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa dự buổi tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp 2018. Ảnh: B.KIÊN
Học sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa dự buổi tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp 2018. Ảnh: B.KIÊN

Quan điểm chọn trường, ngành của Phú và bà Nhân cũng là suy nghĩ chung của nhiều học sinh, phụ huynh. Thạc sĩ Phan Thị Thùy Trang, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường CĐ Nghề Cần Thơ, cho biết: “Mặc dù vẫn còn tâm lý chuộng học ĐH, nhưng vài năm gần đây, định hướng chọn ngành học của học sinh chuyển biến rõ nét, chọn học nghề dễ tìm việc làm, phù hợp năng lực. Một số trường phổ thông ở TP Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng đã chủ động liên hệ để tham quan cơ sở vật chất của trường, nhằm giúp học sinh cọ xát thực tế, định hướng chọn ngành nghề phù hợp năng lực, điều kiện kinh tế gia đình”. Theo cô Trang, năm nay, trường dự kiến tuyển 840 học sinh, sinh viên cho các ngành nghề CĐ, trung cấp hệ chính quy. Trong đó, Cắt gọt kim loại, Hàn, Cơ điện tử… là những ngành mà doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động cao.

Khối ngành kỹ thuật - công nghệ, cơ khí sẽ “lên ngôi” trong mùa tuyển sinh năm 2018. Đó là nhận định chung của cán bộ quản lý các trường ĐH, CĐ. Theo Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, trong định hướng chọn ngành nghề của học sinh năm nay, dự đoán các ngành “nóng” sẽ là: Điện, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ thông tin; nhất là Công nghệ thông tin- ngành đang rất hút nguồn nhân lực trong cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Tiến sĩ Công nói: “Năm 2018, trường dự kiến có thêm ngành mới là Công nghệ sinh học; năm học 2019-2020 có thêm 1 ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Trước khi mở ngành học mới, trường đều nghiên cứu nhu cầu xã hội, năng lực và chiến lược phát triển đào tạo của trường”.

Cần hợp tác từ nhiều phía

Qua tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2018 của các đơn vị, trường ĐH, CĐ và ở các trường THPT, có thể nhận thấy tuy học sinh có chuyển biến trong chọn lựa ngành nghề, nhưng các em chọn ngành, trường theo cảm tính hoặc phong trào. Những yếu tố tác động đến sự chọn lựa ngành nghề của học sinh thường là gia đình, bạn bè, năng lực bản thân… Nhiều học sinh còn khá mơ hồ về ngành nghề mình sẽ chọn học; hoặc chọn học các ngành kinh tế, quản lý siêu thị với lý do công việc nhẹ nhàng, môi trường thoáng mát (!).

Hằng năm, vào mùa tuyển sinh, có nhiều kênh thông tin, nhiều địa phương, nhiều trường, nhiều tổ chức mở các đợt hướng nghiệp - tuyển sinh; thông tin tư vấn, hướng nghiệp ngày càng cụ thể, đi vào chiều sâu. Nhờ đó, học sinh có kiến thức để chọn ngành và xác định công việc sau khi ra trường. Tuy nhiên, công tác tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh vẫn còn nhiều điều phải bàn. Thông thường, vào đầu tháng 3 hằng năm công tác tư vấn tuyển sinh mới “nở rộ” lên tại các trường, nên chưa thể “thấm sâu” đối với thí sinh. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - phụ huynh học sinh từ rất sớm.

Theo Tiến sĩ Đỗ Thị Tuyết Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, thí sinh nên chọn ngành theo năng khiếu, đam mê, sở thích, khả năng (học tập, tài chính...) của chính mình, đồng thời đáp ứng nhu cầu xã hội thì mới phát huy năng lực cá nhân để đạt được thành công trong học tập và công việc. Cô Nhung nói: “Các thí sinh không nên “tham” chọn học quá nhiều môn học để dự thi, cũng như chọn nhiều khối thi, tránh phân tán việc học”. Tiến sĩ Dương Thái Công cũng cho rằng, thí sinh dự tuyển vào các trường ĐH nói chung, của trường nói riêng cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh, đối chiếu năng lực, sở thích và điều kiện kinh tế của bản thân để chọn ngành, trường phù hợp. Đồng thời cũng cần có sự vào cuộc của phụ huynh học sinh, các nhà quản lý ở trường THPT trong việc tư vấn, định hướng kỹ các ngành nghề cho thí sinh.

***

Xu hướng chọn ngành năm nay vẫn “nóng” ở khối A và đặc biệt là nhóm ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Đây là điều phù hợp với xu thế phát triển chung. Tuy nhiên, cần phải giúp các em hiểu rằng: không có ngành nghề nào không cần thiết trong xã hội và chọn ngành nghề phù hợp với bản thân mới là điều quan trọng.

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết