02/05/2023 - 10:57

Ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc gặp khủng hoảng 

BẢO LAM
(Tổng hợp từ Korea JoongAng Daily, Allkop, Insider)

Sau thời gian dài tạo vị thế với những tác phẩm, nhà làm phim ấn tượng, thị trường điện ảnh Hàn Quốc tại khu vực châu Á chỉ đứng sau Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Ðộ và nằm trong top 10 thị trường điện ảnh toàn cầu. Tuy nhiên, hiện nay ngành công nghiệp điện ảnh xứ Kim Chi gặp khủng hoảng nghiêm trọng và có dấu hiệu sụt giảm.

“Bogota: City of the Lost” sản xuất từ năm 2020 đến nay chưa có lịch phát hành cụ thể.

Hội đồng Ðiện ảnh Hàn Quốc (Kofic), thông tin lượng khán giả đến rạp trong 3 tháng đầu năm 2023 chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước dịch COVID-19. Các rạp chiếu tại Hàn Quốc vắng khách từ khi dịch bệnh xảy ra và đến nay vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Ðáng lo ngại là lượng khán giả chỉ tăng với các phim quốc tế: “Avatar: The Way of Water” (Mỹ, 2021), “The First Slam Dunk”(Nhật, 2023), “Suzume” (Nhật, 2023).

Kofic phân tích nguyên nhân là thiếu phim nội địa tại rạp, khi các phim nội địa gần như mất hút. Thực tế, không phải các nhà làm phim ngừng làm việc mà là họ không biết khi nào phim mới được phát hành. Có khoảng 90 phim đã được sản xuất nhưng hiện nay vẫn chưa được ấn định thời gian ra rạp, trong đó có nhiều phim được quan tâm như: “Bogota: City of the Lost” có Song Joong Ki tham gia, “Wonderland” có Suzy và Park Bo Gum tham gia. Lee Ha Young, Giám đốc điều hành Công ty sản xuất Haha Films, nói: “Thị trường đang dần nhỏ hẹp và đầu tư cho phim ảnh có thể sẽ giảm xuống một nửa so với năm trước. Bước lùi này ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp điện ảnh, thị trường phim sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức hơn trong tương lai”.

Trong khi khán giả than phiền không có phim nội địa mới, thì việc phim bị trì hoãn ra rạp được các chuyên gia cho rằng bởi sự lớn mạnh của các dịch vụ trực tuyến. Hiện nhiều nội dung được phát trên các nền tảng trực tuyến thay vì ra rạp, kênh truyền hình. Thói quen của khán giả thay đổi do dịch bệnh và các dịch vụ trực tuyến được ưa chuộng hơn. Với dịch vụ trực tuyến, nội dung giải trí đa dạng, đặc sắc và có sức hút hơn, ví như những tác phẩm: “Squid Game”, “The Glory”, “Physical: 100”…

Một nguyên nhân nữa là phim điện ảnh chiếu rạp ngày càng bị rút ngắn thời gian phát hành, chỉ còn 2-4 tuần thay vì 45 ngày như trước đây. Lại thêm giá vé đang tăng. CJ CGV, MegaBox và Lotte Cinema đang trợ cấp để các phim nội địa được ra rạp sớm. Cụ thể, một số phim đã được phát hành như: “Rebound”, “Killing Romance”, “Dream”… Tuy nhiên đây không là giải pháp lâu dài vì còn rất nhiều phim đang đợi. Vì thế, các nhà làm phim kiến nghị chính phủ có quy định mới về thời gian phát hành ở rạp và nền tảng trực tuyến. Một số đơn vị sản xuất cũng đang thay đổi phạm vi hoạt động và phân phối trực tiếp để không quá lệ thuộc vào nhà phân phối và rạp như trước kia. Cụ thể, Barunson E&A đã mở rộng sang lĩnh vực đầu tư và phân phối, trong đó hướng đến các thị trường nước ngoài. Kwak Shin Ae, Giám đốc điều hành của Barunson E&A, cho biết: “Ngành điện ảnh đang gặp khó khăn nhưng phim Hàn Quốc vẫn có lợi thế cạnh tranh vì khán giả nước ngoài vẫn ưa chuộng nội dung Hàn. Chúng tôi đang tìm kiếm nhiều cách để mở rộng thị trường nước ngoài nhằm vượt qua khủng hoảng”.

Nội dung phim Hàn Quốc đang thu hút tại thị trường nước ngoài, khi những phim gần đây đứng đầu bảng toàn cầu của Netflix đều là phim Hàn. Vì thế, mới đây Netflix đã tuyên bố đầu tư 2,5 tỉ USD vào thị trường Hàn Quốc. Dẫu vậy, ngành công nghiệp điện ảnh quốc gia này vẫn đang xây dựng chiến lược riêng, không quá lệ thuộc vào nền tảng trực tuyến bởi cục diện khó khăn hiện tại một phần cũng bắt nguồn từ dịch vụ trực tuyến.

Chia sẻ bài viết