|
Công nhân Công ty cổ phần May Meko tăng tốc sản xuất cho các hợp đồng cuối năm. Ảnh: A. K |
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa ban hành một loạt chính sách quan trọng nhằm hỗ trợ các ngân hàng thương mại giảm lãi suất (LS) cho vay, tăng thanh khoản, gián tiếp hỗ trợ nền kinh tế. Theo đó, LS cơ bản giảm còn 13%/năm, trần LS cho vay trên thị trường đã giảm từ 21%/năm xuống còn 19,5%/năm. LS giảm trong thời điểm các doanh nghiệp đang tăng tốc hoàn thành kế hoạch năm là một tín hiệu vui cho nền kinh tế.
“DÂNG NƯỚC ĐẨY THUYỀN”
Cùng với việc giảm LS cơ bản, giảm trần LS cho vay trên thị trường từ 21%/năm xuống còn 19,5%/năm, NHNN đã hỗ trợ các ngân hàng thương mại giảm chi phí vốn, tiếp tục giảm LS cho vay thông qua việc tăng LS tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam đối với tổ chức tín dụng từ 5%/năm lên 10%/năm; giảm LS tái cấp vốn từ 15%/năm xuống còn 14%/năm; giảm LS tái chiết khấu từ 13%/năm xuống 12%/năm; giảm LS cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của NHNN Việt Nam đối với các ngân hàng từ 15%/năm xuống còn 14%/năm.
Ngoài ra, từ ngày 21-10-2008, NHNN thanh toán trước hạn 20.300 tỉ đồng tín phiếu NHNN dưới hình thức bắt buộc phát hành kể từ ngày 17-3-2008 theo nhu cầu rút trước hạn của các tổ chức tín dụng. Như vậy, sẽ có thêm 20.300 tỉ đồng sẵn sàng tung ra đáp ứng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trong thời gian tới. Các quyết định trên của NHNN được xem như động tác “dâng nước để đẩy thuyền”. NHNN đã tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng đảm bảo khả năng huy động vốn và thanh toán, hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả. Từ đó, giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, phát triển kinh doanh.
Theo Ngân hàng TMCP Ngoại thương chi nhánh Cần Thơ, ngân hàng này tiếp tục điều chỉnh giảm LS cho vay từ ngày 21-10-2008 với LS cho vay thông thường còn ở mức 19,5%/năm, LS cho vay doanh nghiệp giảm từ 19,5%/năm xuống còn 18,5%, LS cho vay ưu đãi giảm còn 17,5%/năm. Ông Mạc Lục Thanh, Phó Giám đốc Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (MHB) chi nhánh Cần Thơ cho biết: “MHB đã giảm LS cho vay xuống còn 19,5%/năm từ đầu tháng 10 và còn có nhiều chương trình cho vay với LS ưu đãi chỉ 18,5%/năm. Hiện tại, Tổng Giám đốc đã giao quyền cho các chi nhánh chủ động thực hiện chính sách LS theo chính sách khách hàng của MHB”.
Theo nhiều ngân hàng, từ trước khi NHNN có quyết định giảm LS cơ bản, các ngân hàng thương mại đã xây dựng lộ trình giảm LS cho vay và huy động để đẩy mạnh giải ngân phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong dịp cuối năm. Các ngân hàng còn dành hàng ngàn tỉ đồng cho doanh nghiệp vay với những chương trình cho vay có LS ưu đãi thấp hơn mức 19,5%/năm. Với các quyết định mang tính đồng bộ và mạnh mẽ của NHNN, chắc chắn LS sẽ còn giảm nhanh trong một vài ngày tới.
Ông Vũ Hoàng Nam, Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) chi nhánh Cần Thơ, cho biết: “Chấp hành quyết định của NHNN, từ ngày 21-10-2008, các hợp đồng tín dụng đều đã được điều chỉnh LS cho vay giảm còn tối đa 19,5%/năm. Còn việc điều chỉnh LS cho vay đối với từng sản phẩm tín dụng, từng nhóm đối tượng khách hàng cụ thể vẫn còn chờ quyết định mới từ hội sở. LS huy động trong thời gian tới chắc chắn cũng sẽ giảm nhưng vẫn phải theo lộ trình. Các ngân hàng vẫn đang nhìn nhau để quyết định về chính sách LS mới để đề phòng tình trạng khách hàng rút vốn trước hạn. Dự báo, LS huy động trong thời gian tới có thể dao động quanh mức 12-15%/năm, LS cho vay ở mức từ 15-18%/năm”.
NGÂN HÀNG VÀ DOANH NGHIỆP CÙNG TĂNG TỐC
Ông Trần Chí Gia, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần may Meko, cho biết: “May Meko vừa vay được từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu chi nhánh Cần Thơ 5,5 tỉ đồng với LS thấp, chỉ ở mức 8,4%/năm theo chương trình tài trợ xuất nhập khẩu. Hiện tại, chúng tôi đang tăng tốc sản xuất cho những đơn hàng vào cuối năm”. Năm nay, May Meko tuy gặp nhiều khó khăn nhưng hoạt động đạt hiệu quả cao hơn năm trước, lợi nhuận có khả năng tăng khoảng 30%. Đạt được kết quả này là nhờ doanh nghiệp linh hoạt đàm phán được với khách hàng tăng giá gia công thêm 15%, đồng thời cơ cấu lại bộ máy nhân sự, tinh giản bộ máy khoảng 20%. Bên cạnh đó, nhờ hệ thống máy móc hiện đại được công ty đầu tư từ năm 2007 đã phát huy hiệu quả, tăng năng suất 20%, đồng thời giúp tiết kiệm điện, nguyên vật liệu, nâng chất lượng sản phẩm.
Theo ông Trần Chí Gia, việc các ngân hàng linh động tìm được những nguồn vốn giá rẻ để cho doanh nghiệp vay với LS thấp rất có ý nghĩa trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình hiện nay. Qua đó, ngân hàng cũng đảm bảo an toàn và hiệu quả cho đồng vốn. Tuy nhiên, trên mặt bằng chung, LS ngân hàng giảm quá chậm, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế. Mức trần LS cho vay ở mức 19,5% vẫn còn quá cao, chưa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất.
Ông Vũ Hoàng Nam, Giám đốc Ngân hàng Á Châu chi nhánh Cần Thơ, cho biết: Chương trình cho vay tài trợ xuất nhập khẩu với LS thấp của ACB phân bổ cho chi nhánh Cần Thơ 70 tỉ đồng đã được giải ngân xong trong 2 tuần đầu của tháng 10. Chỉ tiêu từ nay đến cuối năm, ACB chi nhánh Cần Thơ có thể giải ngân thêm 30 tỉ đồng cho vay ngắn hạn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh. Mặc dù hiện nay nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp còn nhiều nhưng tăng trưởng dư nợ của ACB chi nhánh Cần Thơ đã đạt 24%, nên không thể để dư nợ vượt quá 30%.
Ngân hàng Xuất nhập khẩu chi nhánh Cần Thơ (Eximbank Cần Thơ) cũng đang đẩy mạnh chương trình cho vay tài trợ xuất nhập khẩu với LS thấp theo chủ trương từ hội sở. Ngoài ra, ngân hàng này cũng có chương trình tài trợ vốn lưu động để sản xuất kinh doanh với LS thấp nhất 17,5%/năm cho các doanh nghiệp có hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt. Ông Mạc Lục Thanh, Phó Giám đốc MHB chi nhánh Cần Thơ, cũng cho biết: MHB sẽ đẩy mạnh giải ngân hàng ngàn tỉ đồng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm.
Cùng với việc đẩy mạnh giải ngân, đáp ứng nguồn vốn cho nền kinh tế, vấn đề kiểm soát chất lượng, đảm bảo an toàn tín dụng cũng được ngành ngân hàng chú trọng. Thống đốc NHNN đã có Chỉ thị số 05/2008/CT-NHNN ngày 9-10-2008 về một số biện pháp đảm bảo an toàn, hiệu quả hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng. Trong đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng chú trọng các biện pháp ngăn ngừa rủi ro có thể xảy ra do tác động của khủng hoảng tài chính và dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu, tiếp tục mở rộng huy động vốn và tăng trưởng tín dụng với LS hợp lý, đồng thời đảm bảo khả năng thanh toán cho các nhu cầu chi trả cuối năm, nhất là dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2009. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và tiếp tục điều chỉnh cơ cấu tín dụng để tập trung vốn cho các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, nông nghiệp và nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án đầu tư khả thi, có hiệu quả và khả năng trả nợ đúng hạn.
Theo tinh thần chỉ đạo của Thống đốc NHNN, Eximbank Cần Thơ thực hiện việc rà soát, kiểm tra chất lượng tín dụng hàng ngày, không để nợ quá hạn phát sinh. Đến hết tháng 9-2008, tỷ lệ nợ quá hạn của chi nhánh vẫn trong mức cho phép, lợi nhuận của chi nhánh đạt gần 24 tỉ đồng, tăng so với cùng kỳ năm trước. MHB chi nhánh Cần Thơ cho biết, nhờ kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, lợi nhuận của MHB đến hết tháng 9-2008 cũng đạt khoảng 20 tỉ đồng. Một số chi nhánh ngân hàng khác trên địa bàn thành phố cũng cho biết lợi nhuận không giảm so với cùng kỳ năm trước.
XUYẾN CHI