Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý III-2021 của Vụ Dự báo, Thống kê (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN)) cho thấy các nhóm tổ chức tín dụng (TCTD) dự báo dư nợ tăng 4,7% trong quý III và tăng 13,1% trong năm 2021. Mức kỳ vọng tăng trưởng này giảm so với lần điều tra trước, do các TCTD dự báo tác động của dịch COVID-19 đang ảnh hưởng khó lường vào các tháng cuối năm. Dù vậy, các TCTD cũng cam kết sẽ đồng hành cùng khách hàng để duy trì sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Ngân hàng đảm bảo thanh khoản và cam kết đồng hành cùng DN.
Kỳ vọng của nhà băng
Theo Vụ Dự báo, Thống kê, các TCTD tiếp tục kỳ vọng lạc quan đối với nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng trong quý III và cả năm 2021. Trong đó, nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “tăng” nhiều hơn nhu cầu tiền gửi và thanh toán. Huy động vốn toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 5,5% trong quý III và tăng 11,9% trong năm 2021. Thanh khoản hệ thống ngân hàng dự báo duy trì ở trạng thái tốt trong quý III và cả năm 2021. Có đến 67,6% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn và 73,3% kỳ vọng cải thiện hơn trong cả năm 2021. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước và các NHTM cổ phần lớn vẫn duy trì sự lạc quan về tốc độ phục hồi kinh doanh. Các TCTD cũng nhận định: “Ðiều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” cùng với “Chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của NHNN” tiếp tục là nhân tố quan trọng giúp cải tiện tình hình kinh doanh của các TCTD trong cả năm 2021.
Mặc dù vẫn còn 7,7% TCTD lo lắng giảm nhẹ về kết quả kinh doanh, nhưng trong quý III này, có 56,8% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng so với quý II. Tính chung cả năm 2021, có 85,4% TCTD kỳ vọng tỷ giá của NHNN tiếp tục là những nhân tố quan trọng giúp cải thiện tình hình kinh doanh trong cả năm nay. Ðiều đó cũng là kỳ vọng của doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN xuất nhập khẩu, nhất là trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đầu ra, đầu vào đều gặp khó khăn.
Các TCTD đều xác định đồng hành cùng DN để đạt “mục tiêu kép” mà Chính phủ đề ra. NHNN chỉ đạo các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và các TCTD tăng cường các giải pháp huy động vốn và mở rộng tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng, nghiêm túc thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và Thông tư số 03/2021/TT-NHNN của NHNN nhằm tiếp tục hỗ trợ DN, người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết, thực hiện chỉ đạo của NHNN, trong 6 tháng đầu năm nay, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các TCTD trên địa bàn thành phố tiếp tục ổn định. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 đã gây khó khăn cho nền kinh tế nên nguồn vốn huy động chỉ tăng 2,25% so với cuối năm 2020, đáp ứng được 78,76% nguồn vốn cho vay. Dư nợ cho vay thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 tăng 9,18% (dư nợ khoảng 113.283 tỉ đồng), cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2020, góp phần tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Ngoài ra, NHNN Chi nhánh thành phố thường xuyên tham dự các cuộc họp, hội nghị do các sở, ngành của thành phố tổ chức, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến tín dụng ngân hàng cho các DN. Tổ hỗ trợ DN trong quan hệ tín dụng với ngân hàng trên địa bàn luôn lắng nghe để giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN trong quan hệ vay vốn với ngân hàng, nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Ða phần các DN trên địa bàn hiện nay đều có quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng, luôn duy trì thường xuyên và ổn định.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Theo Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm cả nước tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng năm 2020, tuy nhiên thấp hơn so với cùng kỳ các năm 2018, 2019. Mặc dù cả 3 khu vực đều có mức tăng trưởng, nhưng diễn biến phức tạp và khó lường của đại dịch COVID-19 đòi hỏi việc triển khai các giải pháp để đảm bảo “mục tiêu kép” mà Chính phủ đề ra cần phải đồng bộ và hiệu quả hơn.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP (ngày 29-6-2021) về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Trong đó, Chính phủ giao NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp về tín dụng để hỗ trợ DN, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thực hiện Nghị quyết 63 của Chính phủ, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tiếp tục gỡ khó cho khách hàng, tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, DN; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP (ngày 1-7-2021) về một số Chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Chính phủ yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành và cơ quan liên quan ban hành thông tư hướng dẫn theo trình tự, thủ tục rút gọn cho Ngân hàng Chính sách xã hội vay tái cấp vốn tối đa 7.500 tỉ đồng với lãi suất 0%/năm, thời hạn tái cấp vốn 12 tháng và không có tài sản đảm bảo để người sử dụng lao động vay trả lương cho người lao động... Ðiều kiện ràng buộc là người sử dụng lao động không có nợ xấu ở các TCTD tại thời điểm vay vốn, thời hạn vay dưới 12 tháng.
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, sự hỗ trợ kịp thời của các TCTD chính là “liều thuốc” giúp DN vượt qua khó khăn, tiếp tục trụ vững trên thị trường, góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Theo ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, chi nhánh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng theo hướng mở rộng quy mô tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng. Tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất và các lĩnh vực ưu tiên, chính sách tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh; đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng, hạn chế tín dụng đen. Các TCTD trên địa bàn đang tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13-3-2020 và Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2-4-2021 của Thống đốc NHNN... Khi chính sách được triển khai đồng bộ và hiệu quả sẽ góp phần rất lớn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bài, ảnh: GIA BẢO