23/06/2019 - 13:47

Nga, Trung “tranh nhau” ở Trung Á 

Trong bối cảnh Mỹ tìm cách thoát khỏi cuộc chiến ở Afghanistan, Trung Á đang đứng trước một kỷ nguyên mới khi mà Nga và Trung Quốc ra sức tranh ảnh hưởng tại một khu vực không còn bị Washington chi phối.

Binh sĩ Trung Quốc tại Trung Á. Ảnh: WSJ

Theo các chuyên gia, cả hai nước đều cảnh giác trước các lực lượng Hồi giáo trong khu vực, trong khi Trung Quốc muốn bảo vệ hàng tỉ USD mà các công ty nước này đầu tư vào khu vực theo sáng kiến “Vành đai, Con đường - BRI” do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng. Trong những năm gần đây, Mát-xcơ-va và Bắc Kinh đã có những bước đi mạnh mẽ hơn nhằm bảo vệ lợi ích của họ trước sự suy yếu của Chính phủ Afghanistan, sự bành trướng của phiến quân Taliban trên khắp Afghanistan, mối đe dọa của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng như các nhóm phiến quân Hồi giáo khác.

Kể từ khi được chính quyền Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm làm Đặc phái viên Mỹ về Afghanistan hồi tháng 9 năm ngoái, Zalmay Khalilzad đã cố gắng lôi kéo Mát-xcơ-va và Bắc Kinh vào nỗ lực đàm phán nhằm giải quyết toàn diện cuộc chiến kéo dài gần 18 năm tại Afghanistan, ngăn cản 2 cường quốc Á-Âu này trở thành kẻ phá hoại vào thời điểm mối quan hệ giữa Washington với Mát-xcơ-va và Bắc Kinh bị kéo căng trên nhiều mặt trận. Và nỗ lực của ông Khalilzad dường như đã được đền đáp. Theo đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây ca ngợi nỗ lực của Nga-Mỹ trong tiến trình hòa bình ở Afghanistan. Nhà lãnh đạo xứ sở bạch dương hy vọng tiến trình này sẽ tạo ra kết quả tốt đẹp. Bình luận của Tổng thống Putin được đưa ra giữa lúc Trung Quốc tổ chức các cuộc hội đàm với phái đoàn Taliban do thủ lĩnh số 2 Mullah Abdul Ghani Baradar làm trưởng đoàn tại thủ đô Bắc Kinh.

Trong những năm gần đây, cả Nga và Trung Quốc đều mở rộng mối quan hệ với Taliban cũng như Chính phủ Afghanistan. Mát-xcơ-va tăng cường quan hệ với các nhóm chính trị và thành viên Quốc hội Afghanistan, đồng thời bắt đầu triển khai các bước nhằm kiểm soát vấn đề an ninh ở Afghanistan vốn do Mỹ đảm trách. Cụ thể, giới chức Nga hồi năm ngoái đã gây áp lực đối với chính quyền Kabul khi có kế hoạch tiến hành không kích nhằm vào nơi trú ẩn của IS tại tỉnh Jowzjan. Song, kế hoạch này đã bị vô hiệu hóa sau khi Washington mạnh mẽ phản đối và khẳng định với Chính phủ Afghanistan rằng sức mạnh không quân Mỹ đủ để giải quyết mối đe dọa từ IS. Trong khi đó, Trung Quốc do muốn tìm cách củng cố tình hình an ninh xuyên biên giới và bảo vệ các khoản đầu tư của mình trong khu vực nên hồi đầu năm 2017 đã cam kết chi 85 triệu USD để thành lập một lữ đoàn lục quân do Afghanistan chỉ huy ở  tỉnh Đông Bắc  Badakhshan.  Còn tại nước láng giềng Tajikistan, Trung Quốc hồi năm 2015 đã ký các thỏa thuận bí mật với chính quyền Dushanbe nhằm cho phép Bắc Kinh tân trang hoặc xây dựng từ 30-40 đồn biên phòng tại khu vực biên giới giáp Afghanistan. Theo thỏa thuận, lính biên phòng Trung Quốc sẽ thay thế lính biên phòng Tajikistan kiểm soát khu vực lãnh thổ dọc theo biên giới Tajikistan-Afghanistan.

Nói về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Trung Á, Đại sứ Nga tại Bắc Kinh Andrey Denisov trong cuộc phỏng vấn với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong cho rằng đây không phải là mối đe dọa đối với Mát-xcơ-va. Theo ông Denisov, sự tham gia của Trung Quốc tại Trung Á chủ yếu là về kinh tế, và Nga muốn thấy sự hội nhập hơn nữa giữa BRI với Trung Á. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng sự cạnh tranh về mặt địa chính trị và mối hiềm khích lịch sử có thể khiến Nga và Trung Quốc đối chọi nhau tại Afghanistan nói riêng và Trung Á nói chung. “Thật khó mà tưởng tượng Nga chấp nhận Trung Quốc tiến về hướng Tây để bảo vệ vành đai kinh tế” - bà Miller, người từng là quyền đặc sứ Mỹ tại Afghanistan và Pakistan, nhận định.

TRÍ VĂN (Theo WSJ, SCMP)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
NgaTrungTrung Á