12/07/2024 - 21:57

Nga phản ứng mạnh về kế hoạch tên lửa Mỹ - Đức 

Việc Mỹ mới đây công bố kế hoạch triển khai tên lửa tầm xa ở Đức lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh đã thổi bùng tranh cãi ngoại giao giữa Washington và Mát-xcơ-va, đồng thời gợi nhắc về cuộc khủng hoảng tên lửa ở châu Âu thập niên 1980.

Tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ khai hỏa từ một khu trục hạm. Ảnh: US Navy

Ngày 11-7, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói rằng Mát-xcơ-va đã đoán trước được động thái tên lửa nói trên của Mỹ - Đức mà ông mô tả là nhằm đe dọa Nga và làm mất ổn định hơn nữa mối quan hệ chiến lược và an ninh khu vực. Ông Ryabkov gọi động thái này “chỉ là một mắt xích trong chuỗi leo thang” và cho biết Điện Kremlin sẽ đưa ra phản ứng quân sự đối với quyết định của Mỹ và Đức. Theo phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov, Nga sẽ phân tích kỹ lưỡng những quyết định được đưa ra tại Mỹ, từ đó có biện pháp ứng phó phù hợp.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đáp trả: “Những gì chúng tôi sắp triển khai tới Đức là khả năng phòng thủ. Giống như nhiều năng lực phòng thủ khác đã được triển khai trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) suốt nhiều thập niên. Việc Nga đe dọa nhiều hơn sẽ không ngăn cản chúng tôi làm những gì cần thiết để giữ cho liên minh vững mạnh nhất có thể”.

Màn đấu khẩu trên diễn ra một ngày sau khi Mỹ và Đức, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington (Mỹ), tuyên bố sẽ bắt đầu triển khai tên lửa tầm xa ở Đức vào năm 2026 để thể hiện cam kết của họ với khối quân sự này và phòng thủ châu Âu.

Theo tờ Bild, tên lửa hành trình của Mỹ có tầm bắn xa và phá hủy các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ đối phương. Chúng có thể là các trung tâm chỉ huy, boongke và cơ sở radar. Tomahawk được phóng từ bệ phóng di động, tàu nổi hoặc tàu ngầm. Tầm bắn của tên lửa này lên đến 2.500km, tức là về mặt lý thuyết, chúng có thể vươn tới Mát-xcơ-va.

Việc triển khai tên lửa trên mặt đất có tầm bắn 500-5.500km đã bị cấm cho đến năm 2019 theo Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Hiệp ước này được ký kết vào năm 1987 bởi Tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. Vào năm 2019, Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi INF với lý do Nga vi phạm hiệp ước, điều mà Điện Kremlin bác bỏ.

Ký ức buồn về Chiến tranh Lạnh

Với kế hoạch bố trí tên lửa Mỹ, Thủ tướng Đức Olaf Scholz muốn liên kết chặt chẽ lực lượng vũ trang nước này với Washington đến mức không một chủ nhân mới nào của Nhà Trắng có thể chia tách.

Đức đã không có tên lửa mặt đất với tầm bắn hơn 500km trong hơn 30 năm qua, mà chỉ sở hữu tên lửa hành trình có thể bắn từ máy bay. Do vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói với đài truyền hình Deutschlandfunk rằng việc triển khai sẽ giải quyết “khoảng trống rất lớn” trong khả năng phòng thủ của Berlin.

Tuy nhiên, thỏa thuận cũng vấp phải sự phản đối dữ dội từ nhiều chính trị gia cực hữu và cực tả ở Đức, nơi việc triển khai tên lửa của Mỹ gợi lại những ký ức buồn về Chiến tranh Lạnh.

Việc triển khai tên lửa đạn đạo Pershing II của Mỹ tại Tây Đức vào những năm 1980 ở đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh từng dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối rộng khắp của những người theo chủ nghĩa hòa bình. Tên lửa Mỹ tiếp tục được triển khai thậm chí sau khi nước Đức thống nhất vào đầu thập niên 1990. Nhưng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ đã thu hẹp đáng kể số lượng tên lửa bố trí ở châu Âu khi mối đe dọa từ Nga giảm bớt. Lần lượt Đức, Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia và Bulgaria đã phá hủy các tên lửa, nằm trong số hơn 2.600 vũ khí bị loại bỏ ở châu Âu.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết