05/05/2018 - 07:24

Nga lo vấn nạn phân biệt chủng tộc tại World Cup 

Là một cầu thủ bóng đá da đen được sinh ra và lớn lên ở thành phố St. Petersburg, Bryan Idowu, vốn có cha là người Nigeria, hiểu rất rõ về nạn phân biệt chủng tộc ở Nga. Anh đã phải vất vả đối phó vấn nạn này trên đường phố và trên cả sân cỏ. Tháng tới, Idowu có thể sẽ tham gia World Cup 2018 tại Nga trong đội hình của Nigeria.

Bryan Idowu nói về chuyện bị phân biệt chủng tộc với AP. Ảnh: AP
Bryan Idowu nói về chuyện bị phân biệt chủng tộc với AP. Ảnh: AP

Idowu được người hâm mộ môn thể thao vua biết đến sau khi ghi bàn vào lưới Argentina hồi tháng 11 năm ngoái. Và nếu được chọn chơi cho Nigeria mùa World Cup năm nay, Idowu có thể một lần nữa đối đầu với các cầu thủ Argentina.

Khi còn là một cầu thủ trẻ chơi cho câu lạc bộ (CLB) Zenit St. Petersburg, Idowu từng bị một người hâm mộ CLB này lăng mạ. “Không có người da đen trong màu áo của Zenit. Chuyện gì đang xảy ra ở đây. Tại sao anh ta lại có mặt tại CLB này” - Idowu nhớ lại lời nói của người đó. Tuy nhiên, nhiều người hâm mộ Zenit ủng hộ việc anh là cầu thủ da đen đầu tiên của đội. Hiện Idowu đã rời Zenit và đầu quân cho CLB Amkar Perm.

Trả lời phỏng vấn với AP mới đây, Idowu cho biết anh bị cảnh sát Nga phân biệt chủng tộc khi đi tàu điện ngầm. Không những vậy, anh 2 lần bị phân biệt đối xử khi đang chơi bóng trên sân. Theo đó, người hâm mộ đã tạo ra âm thanh như tiếng khỉ hú khi anh đang dẫn bóng. “Tôi nghĩ hầu hết người hâm mộ làm điều này là họ muốn tạo áp lực về mặt tâm lý đối với cầu thủ, có lẽ vì vậy anh ta không thể chơi bóng tiếp. Đôi khi tôi đi trên đường, có một nhóm chừng 5 chàng trai, một trong số đó nhìn thấy tôi rồi trêu ghẹo để những người còn lại cười” - Idowu buồn bã nói.

Ngoài những lần bị phân biệt chủng tộc nói trên, Idowu cho biết vấn nạn này đã trở nên ít phổ biến trong vòng 5 năm qua, có lẽ là do ngày càng có nhiều người Nga đi du lịch nước ngoài và gặp gỡ người ngoại quốc. Tuy nhiên, giới quan sát chuyên theo dõi nạn phân biệt chủng tộc trong bóng đá Nga nói rằng vấn nạn này hiện vẫn còn cao so với tiêu chuẩn của châu Âu.

Để đối phó tình trạng trên, Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) và Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) đã nỗ lực điều tra các trường hợp kỳ thị và phân biệt chủng tộc. Đơn cử, 6 tuần trước khi diễn ra World Cup, FIFA đã điều tra về những âm thanh như tiếng khỉ hú nhằm vào các cầu thủ da đen Pháp trong trận giao hữu với Nga tại thành phố St. Petersburg hồi tháng 3. Còn hồi tháng rồi, Liên đoàn Bóng đá Nga đã phạt 2 CLB gồm Zenit và Lokomotiv Mát-xcơ-va vì để xảy ra các hành động phân biệt chủng tộc. Trong khi đó, cảnh sát xứ bạch dương mới đây tuyên bố sẽ mạnh tay đối với các trường hợp phân biệt chủng tộc xảy ra trong thời gian diễn ra World Cup 2018.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết