Bất chấp sự thuyết phục của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Nga vẫn từ chối cho phép các quan sát viên OSCE tiếp tục ở lại Gruzia sau thời điểm 31-12 năm nay. Do OSCE hoạt động theo cơ chế đồng thuận nên quyết định của Nga cũng đồng nghĩa với việc OSCE phải kết thúc sứ mạng kéo dài suốt 16 năm qua tại đây. Mát-xcơ-va tuyên bố chỉ chấp nhận gia hạn sứ mệnh này nếu 55 thành viên còn lại của OSCE công nhận nền độc lập của Nam Ossetia, nước cộng hòa tự trị thuộc Gruzia tuyên bố độc lập hồi cuối tháng 8 vừa rồi.
Thật ra, sự hiện diện của các quan sát viên OSCE tại Nam Ossetia kể từ năm 1992 đến nay chỉ mang tính tượng trưng, bởi chỉ có 8 quan sát viên của tổ chức này có mặt ở đây trước cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Gruzia hồi đầu tháng 8. Sau chiến tranh, OSCE quyết định bổ sung thêm 100 quan sát viên nữa, nhưng rốt cuộc chỉ có 20 thành viên mới được đưa sang, còn 80 người kia bị Nga ngăn cản. Mặt khác, cũng từ sau cuộc xung đột quân sự đó, các quan sát viên OSCE chẳng thể tiếp cận những khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội Nga lẫn Nam Ossetia. Tuy nhiên, dù chỉ là hình thức, sự có mặt của các quan sát viên OSCE thể hiện uy thế của tổ chức này trên bàn cờ an ninh- chính trị châu Âu.
Theo các nhà phân tích, Mát-xcơ-va giờ đây không còn tin tưởng các quan sát viên OSCE nữa, vì như tố giác mới đây của một quan chức Nam Ossetia, các đại diện của OSCE đóng tại Thủ phủ Tskhinvali từng nắm được thông tin quân đội Gruzia chuẩn bị tấn công vùng lãnh thổ này nhưng họ đã “nhắm mắt làm ngơ” để cuộc chiến ác liệt đó nổ ra. Thậm chí, các nhà điều tra Nga vừa cho biết có nhiều tình nguyện viên đến từ các nước thành viên OSCE như Mỹ, Ukraina, Czech, Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc chiến ấy.
Và còn một nguyên nhân sâu xa hơn, theo tờ Le Monde (Pháp), Nga rất khó chịu trước những hành vi can thiệp công việc nội bộ của các đại diện OSCE tại một số nước cộng hòa trực thuộc Liên bang Xô-viết trước đây, dưới chiêu bài thúc đẩy dân chủ thông qua giám sát bầu cử và bảo vệ nhân quyền. Mát-xcơ-va tin rằng OSCE có thể từng dính líu đến các vụ kích động chống đối gây ra các cuộc “cách mạng sắc màu” trong những năm gần đây. Khi gia nhập tổ chức này, Nga từng hy vọng OSCE sẽ thay thế vai trò của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vốn nằm dưới quyền chỉ đạo của Washington. Nhưng từ thực tế trên, Nga đã kiến nghị tổ chức một hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Âu nhằm bàn thảo việc lập ra một tổ chức an ninh khác, thay thế cho OSCE đang đi “chệch hướng”.
Quan hệ giữa Nga với các thành viên phương Tây trong OSCE vốn đã lạnh nhạt lại thêm căng thẳng hơn sau quyết định này của Mát-xcơ-va.
KIẾN HÒA (Theo Le Monde, RIA Novosti, AP)