03/04/2019 - 17:10

Nga gia tăng ảnh hưởng ở châu Phi 

Nga liên tục mở rộng ảnh hưởng quân sự trên khắp châu Phi khi tăng cường bán vũ khí cho khu vực, ký hàng loạt thỏa thuận an ninh và triển khai các chương trình huấn luyện cho hàng loạt quốc gia tại lục địa đen.

Binh sĩ Cộng hòa Trung Phi trong buổi huấn luyện do chuyên gia Nga hướng dẫn. Ảnh: NYT

Binh sĩ Cộng hòa Trung Phi trong buổi huấn luyện do chuyên gia Nga hướng dẫn. Ảnh: NYT

Đơn cử như tại Cộng hòa Trung Phi, chính phủ nước này đang bán một phần quyền khai thác vàng và kim cương để lấy tiền thuê chuyên gia huấn luyện và mua vũ khí từ Nga. Hiện Mát-xcơ-va tìm cách nâng cao vai trò của mình ở sườn phía Nam của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bằng cách giúp một cựu tướng Libya tranh giành quyền kiểm soát chính phủ.

Mới đây, Tổng thống Sudan Omar Hassan al-Bashir đã nhờ đến lính đánh thuê Nga giúp ông củng cố quyền lực trước các cuộc biểu tình trên toàn quốc. Còn hồi mùa xuân năm ngoái, 5 quốc châu Phi gồm Mali, Niger, Chad, Burkina Faso và Mauritania  kêu gọi Nga hỗ trợ chống lại tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) và mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda.

Hiện Nga đang tìm cách thiết lập nhiều căn cứ quân sự chiến lược tại châu Phi, chủ yếu tại các cảng của Libya trên Biển Địa Trung Hải, các trung tâm hậu cần của Eritrea và Sudan trên Biển Đỏ. Năm ngoái, Nga ký  thỏa thuận quân sự với Guinea, Burkina Faso, Burundi và Madagascar. Trong khi đó, Chính phủ Mali đã tìm đến sự giúp đỡ của Nga trong cuộc chiến chống khủng bố dù hàng ngàn binh sĩ Pháp và lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc đang đóng quân tại Mali.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), 13% tổng lượng vũ khí xuất khẩu của Nga hồi năm 2017 được đưa tới châu Phi. Nga cũng đang nỗ lực ký thêm nhiều thỏa thuận bán vũ khí trên khắp châu Phi, cam kết giao hàng kịp thời cùng với các điều khoản linh hoạt. Tunisia, một đồng minh của Mỹ, cũng có mối quan hệ tình báo, chống khủng bố và năng lượng với Nga. Burkina Faso hồi năm ngoái đã nhận các máy bay trực thăng vận tải quân sự và các loại vũ khí phóng từ trên không do Nga sản xuất. Trong khi đó, Ai Cập, một đồng minh trung thành của Mỹ, cũng đang trở thành khách hàng vũ khí của Nga. Ai Cập vào cuối năm ngoái đã ký thỏa thuận mua nhiều chiến đấu cơ SU-35 của Nga trị giá 2 tỉ USD.

“Nga đã củng cố ảnh hưởng của mình bằng cách gia tăng hợp tác quân sự, qua đó họ đã giành được quyền tiếp cận thị trường và quyền khai thác khoáng sản. Với sự đầu tư tối thiểu, Nga thúc đẩy vai trò của các nhà thầu quân sự tư nhân và nhận lại được ảnh hưởng chính trị cũng như lợi ích kinh tế” - Tướng Thomas Waldhauser, tư lệnh Bộ chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Phi, đánh giá trong buổi điều trần trước Ủy ban quân lực Hạ Viện Mỹ hồi tháng 3-2019.

Nga rút phần lớn quân đội khỏi lục địa đen sau khi Liên Xô sụp đổ, nhưng trong vòng 2 năm qua, Mát-xcơ-va đã tăng cường mối quan hệ với các khách hàng thời Liên Xô như Mozambique hay Angola và tạo nên mối quan hệ mới với các quốc gia khác. Dự kiến, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa xứ bạch dương với các quốc gia châu Phi vào cuối năm nay. Giới chuyên gia cho rằng việc mở rộng ảnh hưởng quân sự của Nga tại châu Phi phản ánh tầm nhìn rộng hơn của Tổng thống Putin trong việc đưa Nga trở lại thời kỳ huy hoàng trước đây ở châu Phi, đồng thời cũng minh họa cho chiến lược của Nga trong việc tiếp cận các lợi ích chính trị và hậu cần ở châu Phi.

Theo Lầu Năm Góc, Nga đang có các khoản đầu tư lớn trên lĩnh vực dầu khí tại nhiều nước châu Phi như Algeria, Angola, Ai Cập, Libya, Senegal, Nam Phi, Uganda và Nigeria.

TRÍ VĂN (Theo NYT)

Chia sẻ bài viết