Chủ nhân Lầu Năm Góc Patrick Shanahan cuối tuần rồi đã lên tiếng “cải chính” thông tin trên tờ Bloomberg rằng các đồng minh mà Washington có đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ phải chi trả toàn bộ chi phí cộng với 50% nữa vì “vinh dự được binh sĩ Mỹ đồn trú”. Ông Shanahan nói thông tin này không đúng, nhưng khẳng định Mỹ không kinh doanh cũng không làm từ thiện. Cuối cùng, ông chốt lại là các đồng minh không cần trả thêm 50%, nhưng phải thanh toán toàn bộ chi phí.
Biểu tình ở Hàn Quốc phản đối việc trả tiền cho các căn cứ Mỹ. Ảnh: AP
Không phải tự dưng quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lên tiếng về vấn đề này, mà thật ra ông bị chất vấn gay gắt tại Quốc hội. Nhiều nghị sĩ Dân chủ lẫn Cộng hòa tại Hạ viện lẫn Thượng viện, giới chức quốc phòng lẫn ngoại giao, đã sốc khi đọc thông tin trên tờ Bloomberg. Họ lo ngại các đồng minh sẽ rời xa Mỹ. Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Adam Smith thậm chí gọi đây là “cách tiếp cận cực kỳ ngu xuẩn”. Nhẹ nhàng hơn, cựu đại sứ Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Douglas Lute nhắc nhở Nhà Trắng rằng việc thiết lập và duy trì các căn cứ quân sự ở hải ngoại thực chất là vì lợi ích quốc gia của Mỹ.
Lùm xùm về tỷ lệ đóng góp của các đồng minh xuất hiện sau khi Hàn Quốc hồi tháng rồi đã đồng ý nâng mức chi trả cho sự có mặt của 28.500 lính Mỹ lên 890 triệu USD, tăng nhẹ so với con số 854 triệu USD (tương đương 40% chi phí) hồi năm ngoái. Đây là kết quả đạt được sau 10 vòng đàm phán cam go bởi Washington khăng khăng đòi Seoul phải đóng góp 1,2 tỉ USD mỗi năm. Thương lượng có lúc tưởng chừng đổ vỡ khi Tổng thống Donald Trump chuyển cho Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton chỉ thị: “Chúng ta muốn chi phí cộng với 50%”.
Việc tăng tỷ lệ đóng góp dù ở mức nào đi nữa cũng khiến các đồng minh, nhất là Nhật và Đức, hai quốc gia có đông binh sĩ Mỹ đồn trú, lo lắng.
Tại Nhật, nơi 54.000 binh sĩ Mỹ đang có mặt, Bộ Quốc phòng Nhật nói rằng năm 2017 họ đóng góp 1,8 tỉ USD, tức hơn 86% chi phí. Trong khi đó phía Mỹ cho biết tổng chi phí thực tế lên tới 5,5 tỉ USD. Theo báo Asahi Shimbun, có tin nói rằng Washington đang cân nhắc yêu cầu Tokyo trang trải một phần việc chi trả lương cho binh sĩ Mỹ, cũng như chi phí các hàng không mẫu hạm và tàu ngầm Mỹ ghé cảng Nhật. Ý tưởng này hiện bị chỉ trích ngay tại xứ cờ hoa, bởi nếu nước chủ nhà phải gánh những khoản như vậy thì binh sĩ Mỹ chẳng khác nào lính đánh thuê.
Còn ở Đức, mỗi năm chính quyền sở tại chi 1 tỉ USD để hỗ trợ duy trì sự hiện diện của 35.000 lính Mỹ, tức khoảng 28% chi phí. Giữa năm ngoái, ông Trump từng “nắn gân” Berlin khi nói rằng đang cân nhắc giữa số tiền bỏ ra và hiệu quả mang lại để rút quân khỏi Đức. Ngoài việc đóng góp ít cho các căn cứ Mỹ, Đức còn bị chỉ trích vì chỉ chi 1,23% GDP cho quốc phòng mỗi năm.
Theo Bloomberg, việc Tổng thống Trump quyết liệt đòi các nước có căn cứ Mỹ tăng mạnh mức chi trả còn nhằm mục đích giục các đồng minh NATO nhanh chóng đưa chi tiêu quốc phòng lên ít nhất 2% GDP như cam kết. Tính đến nay mới có 7/29 quốc gia thành viên NATO đạt mục tiêu này.
QUỐC KHÁNH