22/02/2023 - 20:22

Nga có thể đảo ngược quyết định đình chỉ New START 

HẠNH NGUYÊN (Theo AFP, NBC News)

Mát-xcơ-va ngày 21-2 khẳng định vẫn sẽ tôn trọng những quy định trong Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), vài giờ sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga đang đình chỉ tham gia thỏa thuận này với Mỹ.

Nga phóng thử ICBM Yars hồi tháng 10-2022. Ảnh: AP

“Nga dự định sẽ tôn trọng cách tiếp cận có trách nhiệm và tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt những giới hạn về số lượng vũ khí tấn công chiến lược được đặt ra bởi New START trong vòng đời của hiệp ước này”, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ trong tuyên bố. Bộ này giải thích rằng quyết định ngừng tham gia thỏa thuận của ông Putin diễn ra sau khi Mỹ có “những hành động phá hoại” và vi phạm hiệp ước. Phía Mát-xcơ-va chỉ trích “thái độ thù địch cực độ và hành động leo thang độc hại công khai của Washington trong cuộc xung đột tại Ukraine”, nơi Nga đã mở chiến dịch quân sự đặc biệt từ ngày 24-2-2022.

Trong số những lý do khác dẫn tới đình chỉ tham gia New START, Nga còn cáo buộc Mỹ “đã vi phạm những điều khoản chính” của văn kiện. Nga nói Mỹ “đã đổi tên những vũ khí tấn công chiến lược để chúng không còn nằm trong các định nghĩa của hiệp ước hoặc tuyên bố đã cải tạo chúng mà không dành cho Nga cơ hội kiểm chứng” kết quả. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga cũng cho rằng quyết định đình chỉ thỏa thuận có thể “đảo ngược” với điều kiện Mỹ “phải thể hiện ý chí chính trị”.

New START là gì?

New START là hiệp ước kiểm soát hạt nhân duy nhất còn lại giữa Mỹ và Nga, với điều kiện hai bên thanh sát tình trạng của đối phương để đảm bảo tuân thủ thỏa thuận. Công tác thanh sát bị dừng từ tháng 3-2020 do đại dịch COVID-19 và hai nước sau đó đàm phán nhằm nối lại nỗ lực. Thế nhưng, Nga hồi tháng 8-2022 thông báo cho Mỹ quyết định đình chỉ hoạt động này, với lý do Washington đã cố gắng tiến hành thanh sát không báo trước với Mát-xcơ-va và tìm cách tạo ra “lợi thế đơn phương” cho mình.

New START được ký kết tại Praha (Cộng hòa Séc) năm 2010, có hiệu lực năm 2011 và được gia hạn thêm 5 năm vào năm 2021, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức. Hiệp ước này giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai (ở mức tối đa 1.550 đầu đạn), cũng như việc triển khai tên lửa, máy bay ném bom và tàu ngầm để vận chuyển chúng. Hai cường quốc hạt nhân này cũng đã thực hiện 328 cuộc thanh sát, hơn 25.000 thông báo về tình trạng của các bệ phóng, phương tiện vận chuyển đầu đạn hạt nhân và 19 cuộc gặp song phương.

Nga hiện sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với 5.977 đầu đạn, còn Mỹ là 5.428 đầu đạn. Mỹ và Nga nắm giữ khoảng 90% đầu đạn hạt nhân của thế giới.

Nhiều thỏa thuận bị “khai tử”

Ðây không phải lần đầu tiên Tổng thống Putin tạm dừng thỏa thuận kiểm soát vũ khí. Năm 2007, nhà lãnh đạo Nga tuyên bố Ðiện Kremlin sẽ ngừng thực thi Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường (CFE) tại châu Âu, vốn được ký kết vào năm cuối của Chiến tranh Lạnh. Rốt cuộc, Nga chính thức rút khỏi CFE vào năm 2015, với cáo buộc “sự bành trướng” của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) sang các nước Baltic và Slovenia phá hoại các điều khoản của hiệp ước.

Ðến năm 2019, Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) cũng bị “khai tử”, sau hơn 3 thập niên tồn tại. Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump rút Washington khỏi INF với lý do chính là Nga đã vi phạm hiệp ước. INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký vào cuối năm 1987 và chính thức có hiệu lực từ năm 1988. Theo hiệp ước, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500-5.500km).

Việc Nga đình chỉ tham gia New START có mở ra cuộc đua vũ trang mới hay không là một câu hỏi mở, mặc dù Ðiện Kremlin cam kết sẽ tuân thủ những điểm chính trong thỏa thuận, ít nhất cho đến khi văn kiện hết hiệu lực vào năm 2026.

Đài CNN dẫn lời hai quan chức Mỹ tiết lộ Nga đã phóng thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) khi Tổng thống Biden đang thăm Ukraine hôm 20-2, nhưng dường như vụ thử thất bại. Tên lửa được bắn thử là SARMAT, loại có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân với tầm bắn hơn 11.000km. Vũ khí này từng được phóng thử thành công. Theo các quan chức, Nga đã thông báo cho Mỹ qua đường dây nóng trước khi thực hiện vụ phóng trên. Vụ phóng không gây rủi ro cho Mỹ và Washington không coi đây là hoạt động bất thường hay leo thang.

Chia sẻ bài viết