06/11/2017 - 09:08

Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch quận Ô Môn- Lễ hội Ok-Om-Bok đồng bào Khmer TP Cần Thơ, lần thứ I, năm 2017

Nét riêng tạo nên sức hút mạnh mẽ 

Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch quận Ô Môn- Lễ hội Ok-Om-Bok đồng bào Khmer TP Cần Thơ, lần thứ I, năm 2017” (Ngày hội) đã khép lại vào ngày 3-11, thu hút hơn 25.000 lượt khách đến tham quan, vui chơi và giải trí. Ngày hội đã để lại nhiều ấn tượng cho du khách với nhiều hoạt động sôi nổi, đậm bản sắc văn hóa Khmer.

Nhiều năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ luôn khuyến khích, tạo điều kiện để các quận, huyện xây dựng sản phẩm từ lễ hội, tạo ra các sự kiện điểm nhấn cho du lịch thành phố, hình thành nên chuỗi sản phẩm đặc trưng, thu hút du khách. Tính đến nay, thành phố đã có 5-6 Ngày hội đặc trưng về du lịch từ các quận, huyện: Ngày hội du lịch sinh thái huyện Phong Điền, Ngày hội du lịch vườn trái cây Tân Lộc (Thốt Nốt), Ngày hội du lịch Văn hóa chợ nổi Cái Răng, Ngày hội du lịch- Đêm hoa đăng Ninh Kiều… Và mới đây là Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch quận Ô Môn- Lễ hội Ok-Om-Bok đồng bào Khmer TP Cần Thơ. Mặc dù xuất phát muộn hơn so với các quận huyện khác, nhưng Ngày hội ở Ô Môn mang “hơi thở” riêng với những nét đặc sắc. Đó là không gian lễ hội đậm nét văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc Khmer.

Du khách thích thú với các mô hình trang trí mâm ngũ quả và hoa nghệ thuật tại Ngày hội.

Hòa trong không khí náo nhiệt của lễ hội, tiếng nhạc thanh thoát, bay bổng của dàn nhạc ngũ âm thu hút và níu chân biết bao du khách. Đội Ngũ âm của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú luôn thường trực, phục vụ du khách bằng những màn biểu diễn đặc sắc. Du khách Trần Thị Thu Trang nói: “Tôi có nghe về dàn nhạc ngũ âm, nhưng đây là lần đầu được thấy tận mắt và thưởng thức. Tiếng nhạc nghe rất mượt và êm tai. Tôi nghĩ việc mang dàn nhạc ngũ âm cùng những nét văn hóa truyền thống khác của người Khmer, đến với lễ hội là điều hết sức ý nghĩa, giúp khách tham quan thêm hiểu biết về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer”. Không chỉ được thưởng thức những giai điệu trầm bổng từ dàn nhạc ngũ âm, khách tham quan còn có thể được chỉ dẫn, học cách sử dụng các nhạc cụ. Điều này khiến không ít du khách nhí hiếu kỳ, háo hức tham gia. Em Thạch Thế Toàn- thành viên của đội Ngũ âm, cho biết: “Em sẵn sàng chia sẻ với mọi người cách sử dụng nhạc cụ để có thêm nhiều người hiểu hơn về văn hóa truyền thống của người Khmer”. Tại Ngày hội còn có chương trình giao lưu văn nghệ tổng hợp và trình diễn thời trang dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer, mang đến cho du khách nhiều tiết mục đặc sắc về văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Các gian hàng ẩm thực cũng thu hút đông đảo du khách đến tham quan, thưởng thức. Nghệ nhân Dương Thị Sa Pha (khu vực Bình Lợi, phường Trường Lạc, quận Ô Môn) không ngơi tay với những chiếc bánh ống- món bánh đặc trưng của người Khmer- nóng hổi, thơm phức. Du khách xếp hàng dài chờ đợi thưởng thức những món bánh độc đáo. Chị Võ Thị Thúy An nói: “Thấy cô trình diễn tại chỗ nên tôi cũng muốn thử món bánh này như thế nào. Đi lễ hội, ai cũng thích tìm hiểu và thưởng thức ẩm thực, đặc biệt là các món bánh lạ”. Nghệ nhân Dương Thị Sa Pha tự hào nói: “Cô làm bánh cũng hơn 40 năm rồi, có mấy loại bánh đặc trưng của người Khmer mà giờ ít ai biết lắm, như: bánh kèn, numpăng…Có dịp thì cô cũng muốn chia sẻ cho mọi người biết”. Ngoài ra, tại đây, du khách có thể thưởng thức những đặc sản của các địa phương khác như: cơm rượu, dưa môn của Cờ Đỏ, bánh lá gai Vĩnh Thạnh…

Ông Hồ Văn Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Ô Môn, cho biết: “Ngày hội thành công tốt đẹp, khi tạo được sân chơi cộng đồng cho người dân địa phương, góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc, cũng như tạo điều kiện để giới thiệu, quảng bá hình ảnh về đất và người, những sản vật của Ô Môn và Cần Thơ đến với du khách. Ngày hội không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người Khmer mà còn tạo ra một sự kiện điểm nhấn cho du lịch Ô Môn trong chuỗi sự kiện lễ hội của thành phố”. Mặc dù, đây là lần đầu Ngày hội được tổ chức tại Ô Môn nhưng đã tạo được không gian vui chơi ý nghĩa, tạo được dấu ấn riêng: giới thiệu văn hóa Khmer đến với cộng đồng. Đây cũng là tín hiệu vui cho việc gìn giữ, bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Ô Môn xác định Ngày hội sẽ trở thành sự kiện thường niên của địa phương và từng bước được nâng chất về quy mô lẫn chất lượng.

ÁI LAM

Chia sẻ bài viết