15/08/2015 - 16:53

BIỆT THỰ XANH

Nét đẹp trong kiến trúc đô thị

Đô thị ngày một phát triển, khoảng xanh trong lòng phố ngày càng thu hẹp dần, tác động không nhỏ đến việc góp phần làm tăng hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường. Với mong muốn tạo ra môi trường sống trong lành, hài hòa, gần gũi với thiên nhiên, Thạc sĩ - Kiến trúc sư Trần Văn An, Nguyên Viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch TP Cần Thơ, đã thiết kế và xây dựng ngôi nhà của mình thành một "biệt thự xanh", góp phần tạo không gian xanh cho môi trường sống, tạo cảnh quan đẹp cho đô thị.

Từ đường Nguyễn Văn Cừ nối dài hướng về Cồn Khương, rẽ vào đường Trần Văn Giàu dọc bờ sông Khai Luông, căn biệt thự xanh của Kiến trúc sư Trần Văn An ẩn hiện sau hàng rào được bao phủ bởi màu xanh mướt của dây leo thằn lằn. Biệt thự được xây dựng trên khu đất có diện tích 1.400m2. Trong đó, diện tích xây dựng biệt thự 300m2 còn lại là sân trước và vườn sau được tận dụng trồng các loại cây kiểng, cây ăn trái, có ao cá chảy len lỏi trong sân vườn cùng khu nhà mát hình lục giác. Cổng hàng rào mặt trước và tường rào hai bên hông trồng cây dây thằn lằn tạo thành bức tường xanh. Giải pháp thiết kế này đã tạo ra không gian thoáng giữa bên ngoài và bên trong khuôn viên, tạo mối quan hệ xã hội thân thiện giữa chủ nhà và những người bên ngoài thay vì "kín cổng cao tường" như thường thấy ở một số căn biệt thự.

Sân trước và vườn sau của biệt thự được kết nối bằng đường đi bộ ven tường rào. Vườn sau nhà trồng nhiều loại cây ăn quả và rau cải. Giữa vườn có 1 nhà mát hình lục giác mái lợp ngói rộng khoảng 20m2. Ao nuôi cá lấy nước từ sông Khai Luông sau nhà là nguồn nước thiên nhiên nên có nhiều phù sa. Gia chủ tận dụng bùn đáy ao để trồng rau cải và bồi gốc cho các loại cây ăn trái trong vườn. Ao cá nhỏ với bề rộng khoảng 1m chảy từ trước ra sau cặp hông nhà có tác dụng cách ly cửa sổ phòng ngủ tầng 1, đồng thời mặt nước cũng tạo cảnh quan cho hướng nhìn từ cửa sổ phòng ngủ và làm cho không khí phòng ngủ mát mẻ hơn. Các phòng quan trọng trong nhà như phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn, phòng sinh hoạt chung, phòng karaoke đều được bố trí có cửa sổ hoặc ban công để ngắm nhìn cảnh quan đẹp của sân trước, vườn sau, mái nhà xanh, ao cá và sông Khai Luông. Các hướng nhìn không tốt được bố trí các phòng phụ như garage, kho và phòng vệ sinh.

Phần đặc biệt nhất của ngôi nhà chính là phần mái nhà nhìn từ mặt đất lên đến đỉnh tựa như một ngọn đồi uốn khúc phủ đầy cỏ xanh. Khi tôi đến tham quan ngôi nhà, Kiến trúc sư Trần Văn An dẫn tôi đi qua một lối nhỏ cạnh tường bên hông, từ sân trước nối ra vườn sau. Cạnh lối vào vườn là thiết kế 1 đồi dốc trồng cỏ. Từ đồi cỏ này sẽ có lối đi dần lên mái nhà. Mái nhà có kết cấu bê tông cốt thép, độ dốc khoảng 10%, trên trồng cỏ, xoắn ốc theo hình chữ nhật đi từ mặt đất đến đỉnh mái. Nếu tính từ đồi cỏ sau nhà lên đến đỉnh mái có tổng cộng 5 đoạn mái xoắn ốc là 5 thảm cỏ xanh mướt với tổng diện tích mái từ đất lên đến đỉnh khoảng 350m2, thay thế cho ngôi nhà mái bằng thô cứng hay nhà mái dốc lợp ngói chiếm nhiều diện tích.

Phối cảnh toàn cảnh khu biệt thự xanh của Kiến trúc sư Trần Văn An. Ảnh: CTV 

 Mái nhà xanh của Kiến trúc sư Trần Văn An góp phần tạo cảnh quan xanh cho đô thị, thân thiện với môi trường. Ảnh: CTV

Kiến trúc sư Trần Văn An, cho biết: Thông thường với mái dốc lợp ngói đóng trần sẽ lãng phí không gian giữa mái và trần. Trong khi nhà mái bằng kết cấu bằng bê tông cốt thép sẽ bị ánh nắng tác động trực tiếp lên mái nhà, dễ bị nóng, nứt và thấm nước, trong nhà phải sử dụng máy điều hòa không khí gây ô nhiễm môi trường. "Mái nhà xanh", có ưu thế là hạn chế lãng phí không gian giữa mái và trần như mái ngói, đồng thời cũng không bị ánh nắng tác động trực tiếp lên mái, do đó không bị nóng dẫn đến nứt và thấm. Mặt khác, nhờ trồng cỏ bên trên nên nhiệt độ bên trong nhà không tăng cao, hạn chế sử dụng máy điều hòa không khí, hạn chế ô nhiễm môi trường. Với độ dốc khoảng 10% thì các hoạt động như trồng cây, ngắm cảnh trên mái nhà đều có thể thực hiện dễ dàng. Nước được bơm từ sông lên mái nhà tưới cỏ và nước mưa được dẫn xuống ao cá góp phần tiết kiệm nước bơm vào ao cá, cũng đồng nghĩa với tiết kiệm điện.

Trong quá trình đổ bê tông, phần mái nhà có thêm phụ gia chống thấm và quét 2 lớp chống thấm. Sau đó quét hồ để bảo vệ lớp chống thấm và lót 1 lớp đá dày 1 tấc để nước chảy trên mái nhà dễ dàng kèm theo đó là 1 lớp lưới chặn cát ngăn cho đất cát không thấm xuống lớp đá. Trên lớp lưới này phủ một lớp đất dày khoảng 3 tấc để trồng cỏ và một số loại cây xanh rễ cạn. Các loại cây trồng trên mái nhà có thể kể đến cỏ đậu, cây lá màu, một vài loại cây ăn trái có tàn nhỏ. Ở phần mái tiếp giáp với tầng 2 còn bố trí thêm 1 giàn treo dành để trồng các loại dây leo trên mái như chanh dây hay thanh long nhằm tạo điểm nhấn cho kết cấu mái thay vì chỉ đơn điệu là trồng cỏ. Thảm cỏ xanh, dây leo trên mái nhà không chỉ làm mát ngôi nhà mà còn có tác dụng hút nước mưa, lượng nước dư thừa sẽ theo các rãnh nhỏ thiết kế dạng máng xối đưa nước từ mái nhà xuống ao cá trong sân vườn.

Kiến trúc sư Trần Văn An, chia sẻ: Trong thiết kế nhà ở đô thị, phần lớn gia chủ thường tận dụng ban công hay sân thượng để trồng cây kiểng và thường trồng trong bồn hay chậu là chính chứ chưa nghĩ đến việc tận dụng mái nhà để trồng cây xanh, thảm cỏ. Do đó, nếu mô hình này được nhiều hộ gia đình quan tâm thực hiện sẽ góp phần tạo thêm không gian xanh cho đô thị, vừa tránh nóng, vừa hạn chế sử dụng thiết bị điều hòa để tiết kiệm điện. Mô hình này không chỉ thiết kế riêng cho nhà ở biệt thự mà còn có thể thực hiện với thiết kế nhà phố. Đặc biệt, các công trình như bệnh viện, trường học, cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn TP Cần Thơ có thể áp dụng phương án thiết kế mái nhà theo hình thức của mái nhà xanh, tạo thêm không gian mở phục vụ cộng đồng và tạo thêm cảnh quan xanh cho thành phố.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết