16/04/2022 - 09:38

Nepal “nghiêng về” Ấn Độ và Mỹ, Trung Quốc lo ngại 

Dưới thời chính quyền của Thủ tướng Sher Bahadur Deuba, Nepal đang dần chuyển hướng sang Ấn Độ và Mỹ, khiến Trung Quốc “đứng ngồi không yên”.

Nỗ lực bất thành của Trung Quốc

Thủ tướng Nepal Sher Bahadur Deuba (trái) và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc gặp hôm 2-4. Ảnh: MEA

Thủ tướng Nepal Sher Bahadur Deuba (trái) và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc gặp hôm 2-4. Ảnh: MEA

Theo tờ The Diplomat, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 27-3 có chuyến công du kéo dài 3 ngày tới Nepal. Trong cuộc gặp với người đồng cấp Nepal Narayan Khadka, ông Vương đưa ra “3 sự hỗ trợ” mà Bắc Kinh dành cho Kathmandu, gồm hỗ trợ Nepal “vạch ra con đường phát triển” phù hợp; giúp đỡ Nepal “theo đuổi chính sách đối nội và đối ngoại độc lập”; và khuyến khích nước này tham gia sáng kiến “Vành đai, Con đường” để “gia tăng tốc độ phát triển và phục hồi”. Tương tự, trong cuộc gặp với Thủ tướng Deuba, nhà ngoại giao Trung Quốc nhắc lại sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong việc bảo vệ “chủ quyền và phẩm giá quốc gia của Nepal, mở ra con đường phát triển phù hợp với điều kiện đất nước và theo đuổi chính sách đối nội, đối ngoại độc lập”.

Nỗ lực của ông Vương xuất phát từ một chiến dịch kéo dài nhưng bất thành nhằm ngăn chặn khoản tài trợ trị giá 500 triệu USD mà Tập đoàn Thách thức Thiên niên kỷ (MCC, Mỹ) dành cho Nepal để giúp nước này xây dựng mạng lưới truyền tải điện cao áp gần biên giới Ấn Độ, qua đó cho phép Kathmandu tiếp cận thị trường và trao đổi năng lượng với New Delhi.

Đáng chú ý, trước khi khoản tài trợ của MCC được Nepal phê chuẩn, Trung Quốc đã đi “cửa sau”, bắt tay với giới tinh hoa thân Bắc Kinh để định hướng dư luận chống lại Washington ở Nepal. Do đó, Mỹ cáo buộc Trung Quốc đã “tích cực thúc đẩy, khuyến khích, tài trợ hoặc tạo điều kiện” cho chiến dịch tin giả chống lại MCC. Đáp lại, Thời báo Hoàn Cầu gọi những lời chỉ trích của Mỹ là “hoàn toàn vô căn cứ”.

Cáo buộc “ngoại giao cưỡng chế”

Sau khi khoản tài trợ của MCC được Nepal phê chuẩn vào ngày 27-2, Bắc Kinh đã gia tăng chỉ trích đối với quyết định của Kathmandu. Trong cuộc họp báo hôm 28-2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã đề cập tới tình hình ở Nepal và nhấn mạnh rằng hợp tác phát triển kinh tế không nên bị “mâu thuẫn chính trị” hoặc “ngoại giao cưỡng chế” ràng buộc.  Ngay sau đó, Nhật Báo Trung Hoa có bài xã luận cảnh báo rằng việc phê chuẩn của Nepal sẽ “có hậu quả sâu rộng về mặt kinh tế và địa chính trị” đối với Bắc Kinh và yêu cầu Kathmandu “tránh xa trò chơi địa chính trị của Washington”. Còn một số quan chức trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc coi động thái này của Nepal là sự thất bại của đại sứ Trung Quốc tại Nepal Hầu Diễm Kỳ trong việc “ngăn chặn các hoạt động chống Trung Quốc và phối hợp hiệu quả với các đảng chính trị Nepal”.

Đặc biệt, ngay sau khi ông Vương kết thúc chuyến thăm Nepal, Thủ tướng Deuba đã có chuyến thăm 3 ngày tới Ấn Độ.  Hai bên đã thảo luận về tranh chấp biên giới dưới thời chính phủ trước đây của Nepal và nhất trí giải quyết vấn đề “thông qua thảo luận và đối thoại” mà không cần phải chính trị hóa tranh chấp. Dẫu vậy, Nepal cho đến nay vẫn thận trọng trước việc nghiêng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại do lo ngại phải hứng chịu chính sách “ngoại giao cưỡng chế” từ Trung Quốc.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết